Chuyện không có gì to tát, vậy mà hai người bạn bỗng giận nhau. Số là, trong nhóm bạn cơ quan chơi chung, một người có chuyện vui nên mời cả nhóm chầu ăn sáng cà phê. Nhiều người thích ăn bánh mì cá nên nhờ một người mua đem đến. Bánh mì được chia ra.
Trong khi ai nấy đều vô tư cầm lấy vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả thì có một cô không ăn ngay mà mở ra xem bên trong thế nào, rồi còn đưa lên mũi ngửi và nói: “Coi có thiu không?”.
Cô mua bánh mì nhìn thấy, nóng mặt, nói luôn: “Sao có người bất lịch sự vậy, chẳng lẽ mua cho cả nhóm ăn mà lại mua bánh mì thiu?”.
Theo đó, hành động cô bạn kia là không thể chấp nhận được, đã xúc phạm đến người mua. Cô phải đi một quãng đường khá dài, tiệm bánh có thương hiệu uy tín nên lúc nào cũng đông khách, phải chờ đợi lâu, nên cô phải đi từ rất sớm mới mua được.
Hành động cô bạn kia khiến người đối diện có cảm giác cô ta “ghê ghê” ổ bánh mì, kiểu không thích ăn mà phải miễn cưỡng…
Chầu cà phê đang vui bỗng bị gợn do sự cố “ngửi bánh mì”. Kết cuộc là có chiến tranh lạnh giữa hai người phụ nữ, ai cũng cho rằng người kia làm mất mặt mình giữa đám đông.
Tính õng ẹo về ăn uống của phụ nữ thường gây phản cảm cho người đối diện. Có người õng ẹo đến mức không thể chấp nhận được.
Vào một quán phở chẳng hạn, một cô gọi tô phở và dặn dò chủ quán không nêm hành vì cô không ăn được hành.
Chủ quán đông khách quên mất lời dặn, múc xong tô phở thuận tay bỏ nhúm hành. Tô phở đưa ra, mặt cô tối sầm lại ngay: “Đã dặn rồi mà không nghe!”.
Sau khi nặng lời với chủ quán, có cô buộc chủ quán phải làm tô phở khác; cũng có cô sẽ miễn cưỡng chấp nhận ăn tô phở, nhưng nhìn cách cô õng ẹo mà ngao ngán.
Cô cầm đôi đũa lùa mớ hành vào góc tô rồi hất ra bàn, cử chỉ không giấu sự vùng vằng. Lẽ ra, cô lấy chén bỏ hành vào; đằng này, cô vung vãi gây cảm giác mất ngon cho người khác.
Có cô không ăn được cà chua nấu chín (xào, xốt cà chua…), món gì có cà chua là cô… “nhợn”. Nhiều cô không ăn được còn bình phẩm ăn vào sẽ thế này, thế kia khiến người chung bàn cảm giác … “nhợn” theo.
Lại có cô không ăn được ớt, món ăn nào có ớt là cô õng ẹo, ăn ớt nổi mụn, nóng trong người, ăn một miếng ớt cay chết luôn (làm sao mà cay đến chết được?).
Cũng có cô không ăn được tiêu, hành phi… món ăn có chút tiêu rắc vào hay có hành phi là cô ngồi nhìn!
Thói quen ăn uống mỗi người khác nhau và tùy theo cơ địa, có người không thể ăn được cay, đắng, chua…
Tuy nhiên, mọi thứ đều phải tập nếu muốn hòa đồng vào tập thể. Một bà mẹ cho rằng, ăn uống là điều dễ nhất trên đời.
Bà “kỷ luật thép” với con cái khi ngồi vào bàn ăn. Ăn phải thật tình, thứ nào ăn không được thì không gắp, tuyệt đối không buột tiếng chê, làm buồn lòng người nấu.
Không ăn khổ qua được thì phải tập, nhiều người miền Bắc khi mới vào miền Nam nhìn thấy hai thứ đặc sản khổ qua và sầu riêng thì “hãi hùng” vì không chịu được vị đắng cũng như mùi sầu riêng.
Thời gian dần trôi, bắt đầu là tập ăn và riết thành ghiền. Người Bắc giờ đây đã trồng khổ qua như một loại rau thông dụng và sầu riêng là món quà quý từ miền Nam.
Theo ý bà, huấn luyện con cái ăn uống là phép xã giao tối thiểu. Biết ăn và biết cách ăn tạo thiện cảm cho người đối diện. Ăn uống là điều cần tế nhị, đôi khi vì chi tiết nhỏ mà hỏng việc lớn.
Nhả xương ra bàn hay nhổ xuống đất, ngay cả trong những bữa tiệc sang trọng, tất nhiên sẽ gây phản cảm. Phụ nữ tế nhị, kín đáo trong ăn uống nhưng không phải là làm duyên quá đến mức õng ẹo gây khó chịu cho người khác.
- Xem thêm: 10 quy tắc ứng xử trong chuyện tiền bạc nhất định phải ghi nhớ để tránh mạo phạm người khác
Mới thấy, học ăn học nói cần phải học cả đời. Ở câu chuyện trên nếu cô bạn kia không ngửi ổ bánh mì mà kín đáo bẻ một chút nếm thử xem có vừa miệng mình không, có mùi vị lạ không…
Và, nếu người kia biết kiềm chế, không buột miệng quở trách bạn mình trước mặt mọi người mà hãy nói riêng khi chỉ có hai người với nhau.
Cũng có người cho rằng, ăn hay không là quyền của mỗi người và cũng có người cho rằng, bởi ghét cái thói õng ẹo nên mới nói thẳng ra cho lần sau đừng làm vậy…
Tình huống nào cũng tốt nếu điều đó là góp ý thật lòng và người nghe biết mình đã sai. Xem ra biết ứng xử tình huống không đơn giản chút nào.