Hơn ba mươi năm sống trên xứ Úc này, tôi lệ thuộc nhiều nếu không muốn nói là lệ thuộc hoàn toàn vào xe hơi. Thời còn trẻ, tôi làm hai việc một lúc nên thời gian di chuyển nhanh chóng giữa hai chỗ làm là điều rất cần thiết.
Không thể lãng phí thời gian vào việc chờ tàu, chờ bus nên xe hơi là phương tiện hằng ngày. Đưa con đi học thêm: xe hơi! Đi chợ cuối tuần: xe hơi!
Cho đến gần đây, tôi nghỉ hưu. Nhà gần chợ. Nhân có chút thời gian nhàn rỗi, tôi đi bộ ra chợ, đi bộ ra nhà thờ, đi bộ ra công viên, coi như môn thể thao nhẹ tốt cho tuổi về chiều. Lần đầu kéo chiếc xe đựng thực phẩm đi chợ, tôi thấy mình đúng là một… bà già! Trời đất! Tuổi thanh xuân của tôi thoắt cái sau hơn ba mươi năm đã bị bánh xe kéo này xóa đi! Tôi từ nhà ra chợ, mua bán xong cắm cúi kéo xe về. Đi nhà thờ, tôi dự lễ xong rồi lại cùng chồng nhẩn nha thả bộ về. Đi ra công viên, hai vợ chồng đi vòng chu vi công viên tập thể dục, xong vợ chồng lại thong thả về. Mọi giao tiếp với thế giới chung quanh chỉ là vài câu xã giao với hàng xóm, vài câu bông đùa với những người bán hàng ngoài chợ là hết.
Tôi cứ sống một đời sống xã hội nghèo nàn như thế, cho đến một ngày con tôi và tôi quyết định chuyển đến sống chung trong một căn nhà lớn hơn để ông bà có thể săn sóc hai cháu nhỏ cho bố mẹ chúng an tâm đi làm. Nhà xa chợ nên một lần nữa tôi lại bị lệ thuộc vào xe hơi.
Lại cho đến một ngày, xe tôi cần tu bổ. Tôi chọn buổi sáng thứ Sáu, sau khi đưa các cháu đến trường xong, ghé garage bỏ xe ở đó, về nhà bằng tàu điện và xe bus rồi buổi chiều sẽ đi bus xuống lấy xe và đón cháu về. Mua tờ báo, tôi lỡ mất hai chuyến tàu điện. Nhưng có hề gì, vì bây giờ tôi không còn hối hả chạy đua với thời gian để đến chỗ làm đúng giờ.
Thong thả, tôi ngồi chờ chuyến xe tiếp, lòng nhẹ bâng như cơn gió mát trong ngày hè vừa thoảng qua! Từ ga xe lửa, tôi còn phải chuyển qua một chuyến bus ngắn mới về đến nhà. Ngồi trên xe bus, tôi mới nhận ra rằng lâu nay tôi thiếu đi sự quan sát cuộc sống quanh mình! Người tài xế xe bus, một người đàn ông da trắng vui vẻ, nhã nhặn chào hỏi từng người khách lên xe, giúp đỡ những bà mẹ có con nhỏ, dìu vài ông, bà cụ run rẩy đến ghế ngồi cho chắc chắn.
- Xem thêm: Nhét nhạc vào tai và đi
Buổi chiều, tôi chọn chuyến bus thẳng xuống trường, ngồi xe lâu hơn chút nhưng không phải chuyển qua tàu điện. Lần này người tài xế là một người đàn ông gốc Ấn. Tôi chọn ghế ngồi ngay phía trước, ngang ghế người tài xế để dễ quan sát. Khác với người tài xế buổi sáng, ông này có vẻ mặt không mấy cởi mở. Ông không đáp lời chào khi khách lên xe và cũng không chúc lại khách câu chào tạm biệt khi khách rời xe! Giữa cuộc hành trình, một chuyện không vui xảy ra: Một phụ nữ lớn tuổi gốc Hoa muốn xuống nhưng bấm chuông quá trễ nên tài xế đành ngừng cho hai vợ chồng bà xuống ở trạm kế tiếp.
Bà khách bực mình, la lối lớn tiếng nhưng không ai trên xe hiểu bà nói gì vì bà la bằng tiếng Hoa. Ông chồng thì cứ vuốt vuốt vai người tài xế và cũng nói với người này bằng… tiếng Hoa! Người tài xế vẫn khuôn mặt bình thản, cam chịu, không tỏ vẻ giận dữ mà chỉ nhỏ nhẹ: “You should press the bell earlier” (Bà nên nhấn chuông sớm hơn). Vậy thôi! Tôi chợt nhìn lại mình. Biết bao lần tôi đã la lối vì giận dữ! Ôi những lần đó tôi nào có soi gương để nhìn hình ảnh của mình.
Khuôn mặt của bà khách đó khi giận dữ nhìn xấu xí biết bao, cái xấu phát ra từ tâm chứ không phải từ dung mạo. Khuôn mặt tôi lúc giận dữ chắc nhìn cũng xấu xí như thế. Tôi nhìn người tài xế và như thấy hình ảnh chung của người nhập cư, nhận làm bất cứ công việc gì lúc mới vào đất Úc để có tiền sinh sống. Đôi khi buồn muốn bật khóc nhưng cố tự nhủ rằng mình còn may mắn vì kiếm được việc làm.
Một ngày của tôi! Chắc từ nay thỉnh thoảng tôi lại sẽ đi tàu điện, đi bus để nhìn và quan sát dòng sống đang chảy quanh mình, để thấy các khác biệt của đời sống chỉ là sự biểu hiện của những nếp sống riêng lẻ hợp lại thành xã hội. Chịu khó mở mắt để nhìn và mở lòng để nhận, tôi sẽ tìm ra những nét đẹp quanh tôi. Đời vẫn rất là đáng sống!