Cho đến nay, nhân loại đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là ta nói tới thời kỳ văn minh chứ còn trước đây đã từng có rất nhiều cư dân sống tự do trên trái đất, chưa lập thành xã hội, và vì cuộc sống cũng như do những cảm hứng bất chợt, đã sáng tạo ra một số vật dụng, sản phẩm giải trí, thể hiện những ước mơ – quan niệm đối với thế giới. Tạo tiền đề cho cái ngày nay gọi là bảy môn nghệ thuật, mà nổi bật là mỹ thuật (gồm điêu khắc và hội họa).
Con người đã tạo ra mỹ thuật ngay từ trước khi sống tập trung. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy khá nhiều tác phẩm mỹ thuật cổ đại trên cả năm châu, cho thấy sự phát triển đồng đều và những tư duy phong phú về nghệ thuật ở mỗi dân tộc.
Một trong các tác phẩm lâu đời nhất hiện nay thuộc thời tiền sử là 11 hình chạm khắc ngoằn nghèo, 10 hình chén tròn trên đá tại động thạch anh Auditorium Bhimbetka và 498 hình chén khác tại động Daraki, bang Madhya Pradesh – Ấn Độ.
Chúng đã có tuổi đời 700.000 năm, được phát hiện vào những năm 1970. Cũng tại đây, người ta còn bắt gặp nhiều tranh vẽ trên thành động cảnh cưỡi ngựa, săn bắn và nhảy múa của người nguyên thủy vào 250.000 đến 30.000 năm trước công nguyên.
Trong 700 cái hang ở Bhimbetka, có tới hơn 500 hang vẽ tranh. Vào năm 2003, cả khu vực này đã được công nhận là Di sản thế giới.
Bức tượng Vệ Nữ Berekhat Ram cũng là một tác phẩm 700.000 năm tuổi và có vẻ là một viên đá tự nhiên bị xói mòn hơn là một thành quả lao động nghệ thuật.
- Xem thêm: Nghề chạm khắc xương ở Lucknow
Tượng có hình một phụ nữ béo mập, được tìm thấy ở Golan Height giữa Syria và Israel năm 1981 và là một bức tượng được cho là của những người hominid đầu tiên như Homo erectus tạo nên.
Họ là một giống người trước người Homo sapiens và Neandertha l – tổ tiên của chúng ta. Tượng dài 3,5cm bằng đá basalt núi lửa, có màu đỏ, với ít nhất là ba đường rãnh phân định cổ và các cánh tay của người.
Gần giống như vậy, pho tượng Vệ Nữ Tan-Tan, dài 6cm, rộng 2,6cm được thấy trên sông Draa, kế cận thị trấn Tan – Tan của Maroc, cũng là một tác phẩm thể hiện con người sớm nhất thuộc kỷ nguyên tiền Homo sapiens vào 200.000 đến 500.000 năm trước Công nguyên.
Vì những đường chạm khắc khá nhẹ nhàng nên không rõ tượng là nam hay nữ, song đại thể là một dáng cao dong dỏng và có trọng lượng 10gr bằng đá thạch anh.
Trên bề mặt nổi nhiều đốm đỏ, được xác định là sắt và ma nhê, tuy nhiên không biết đó có phải là sơn phủ hay không vì nó nằm sâu dưới bờ sông tới 15m và đến năm 1999 thì được lộ thiên.
Cũng là một tác phẩm điêu khắc xa xưa nhất, song thuộc mỹ thuật châu Phi cận Sahara là những hình học trừu tượng (đường chéo, đường chẽ, song song và góc vuông) trên hai cục đất hoàng thổ thuộc động Blombos, Western Cape – Nam Phi.
Theo tính toán, chúng đã ra đời vào 700.000 năm trước Công nguyên, cho thấy người tiền sử đã biết suy luận trừu tượng và về các hình học.
Hai tảng đất này được khám phá vào năm 2002 cùng một chuỗi 70 hạt vòng làm từ vỏ sò Nassarius kraussianus, có thể là vòng cổ, vòng tay làm đẹp của người xưa.
Bên trong mỗi hạt cũng thấy đất son, cho suy luận hoàng thổ đã được dùng làm thuốc nhuộm trên một số đồ vật trang sức.
Xuất hiện ở Diepkloof Rock Shelter, Western Cape, Nam Phi năm 1999, những hình khắc trên 270 mảnh vỏ trứng đà điểu Diepkloof lại là một sáng tác mới lạ với nhiều mô típ kỳ bí có niên đại khoảng 62.000 năm trước.
Dựa theo các họa tiết trên mỗi mảnh là hai đường kẻ dài song song, bị cắt bởi nhiều đường kẻ ngắn khác nhau tạo góc vuông, lặp đi lặp lại.
Giới nghiên cứu cho rằng đây là một hệ thống ký hiệu hay cách truyền thông của thợ săn xưa, và có thể là tên tuổi, danh tính của họ.
Ngoài việc dùng vỏ đà điểu để chứa nước, với mỗi quả chứa được 1 lít nước, rất có thể người xưa còn dùng hình khắc nhằm ghi lại một thông điệp cho dễ nhớ trong quá trình băng qua các sa mạc.
Những hình bàn tay trừu tượng, dấu hiệu bí ẩn và hình con vật ở động El Castillo – Tây Ban Nha cũng là các tác phẩm được xem là của người Neanderthal hoặc người Homo sapiens vẽ ít nhất cách đây 41.000 năm.
Người Neanderthal đã sống ở châu Âu từ lâu, nhưng đến lúc này, họ bắt đầu tuyệt chủng, còn người Homo sapiens thì mới xuất hiện và từ châu Phi đến; vì thế, Homo sapiens có lẽ là những tác giả hứa hẹn nhất của chúng vì theo kiểm chứng, họ đã tạo nên được khá nhiều tác phẩm đẽo gọt tinh tế trên ngà voi.
Tại động El Castillo, còn gọi là động lâu đài vì nó cực kỳ tráng lệ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được 40 bàn tay, hàng chục cái đĩa đỏ in trên mặt đá.
Người Homo sapiens có lẽ đã dùng đất đỏ, pha với nước để phun lên bàn tay, tạo ra hình âm bản của một tác phẩm in lên đá.
Không rõ, họ làm hình bàn tay vì mục đích gì, song có lẽ là đây là một kiểu chữ ký hay điểm chỉ, đánh dấu lãnh thổ lâu dài.
Cùng với những hình bàn tay là hơn 100 hình trâu bò, ngựa, hươu, dê, chó lớn, sặc sỡ. Tất cả cho thấy mỹ thuật thời kỳ đồ đá ở nơi này đã cực kỳ phát triển và có nhiều cách biểu đạt phong phú.
Dù rằng xa cách địa lý, song thật bất ngờ tại Đông Nam Á cũng có những bức tranh động hình bàn tay. Đó là tranh ở động Sulawesi – Indonesia đã xuất hiện từ 39.900 năm trước. Chúng bắt đầu được khám phá từ những năm 1950, song nhiều nhất là những năm 1990.
- Xem thêm: Điêu khắc đá cẩm thạch Agra
Trước đó, người ta mới chỉ tìm thấy các bức tranh 10.000 tuổi và không tin rằng có những bích tranh còn lâu đời hơn, ẩn giấu đâu đó và có thể tồn tại được trong khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số bích họa bàn tay gần 40.000 năm tuổi và ít nhất hai bức tranh động vật, một là con babirusa và một là con lợn rừng có niên đại 35.400 đến 35.700 năm tuổi.
Chúng cho thấy không chỉ châu Âu là nơi bùng nổ sức sáng tạo mỹ thuật khi người hiện đại từ châu Phi tới mà cả châu Á với những cư dân đầu tiên cũng đã biết làm nghệ thuật rất sớm.
Không chỉ là dấu vết, nhiều tác phẩm điêu khắc còn định hình thành một pho tượng rõ rệt như tượng người – sư tử ở động Hohlenstein, Swabian Jura, Tây Nam Đức. Đây là pho tượng người – vật đầu tiên ở châu Âu và thế giới, đã ra đời 40.000 năm trước.
Tượng cao 31cm, rộng 5,6cm, dày 5,9cm, bằng ngà của một con khổng tượng có lông. Nó được phát hiện năm 1939, nhưng vì chiến tranh thế giới mà lại bị lãng quên trong một bảo tàng và phải sau 30 năm, với sự phát hiện lại và lắp ráp một cách hoàn chỉnh thì mới có hình dạng như ngày nay.
Mới đầu, người ta nghĩ nó là tượng của một nam giới, song hiện giờ đã thống nhất là tượng của nữ với một cái đầu sư tử cái châu Âu.
Một bức tượng khác tại Đức cũng độc đáo không kém, hơn thế còn có hình dạng gợi cảm, dễ hiểu là Vệ Nữ Hohle Fels (tên của nơi tìm ra cổ vật).
Nó có hình một phụ nữ đẫy đà, tuy lùn chỉ cao 6cm song cơ thể rất đồ sộ, cuốn hút với các bộ phận hông, ngực, bụng được đẽo gọt rõ nét, thậm chí phóng đại như là một biểu tượng của sắc đẹp và sự béo tốt.
Tượng bằng ngà gồm sáu mảnh được ghép lại sau khi lộ diện trong một động đá ở Schelklingen năm 2008.
Theo kết quả khảo cổ, nó thuộc văn hóa Aurignacia từ 35.000 đến 45.000 năm trước. Nhìn vào đây, có thể thấy rằng người xưa đã có nhận biết rất tốt về thể hình cũng như quan niệm thế nào là đẹp.
Với họ, đẹp có lẽ là một thân thể béo tốt, mũm mĩm và còn có tín ngưỡng tôn thờ nữ thần sinh sản và dùng tượng nữ thần như một lá bùa hộ mệnh, cứu nguy vì trên phần vai của tượng có khuyên đục lỗ, xâu dây.