Tôi hẹn với em ăn trưa vì đã quá lâu không gặp nhau. Em từng làm việc cùng một trường với tôi cách đây đã gần năm năm.
Lúc mới nhận công việc ở trường mới, em vui mừng báo cho tôi vừa được ông chồng mua cho ngôi nhà gần cả triệu đô và muốn mời tôi đến nhà chơi.
Thế mà gần đây, em lại nói đến chuyện chia tay với chồng và sẽ đi khỏi ngôi nhà kia trước khi tôi có dịp ghé thăm.
Tôi quen em khi thằng con duy nhất của em mới bước vào lớp 1, rồi không gặp em kể từ khi thằng nhỏ vào lớp 5. Quả thật, tôi bất ngờ khi thấy nó cùng với em bước vào quán ăn.
Thằng nhỏ lớn hẳn khi bước vào trung học, tay chân dài lòng khòng như thừa thãi. Em nói vài câu xin lỗi vì phải đem thằng nhỏ theo trong cuộc hẹn này.
Suốt buổi ăn trưa, em cứ nhìn chằm chằm thằng con, chỉnh nó từng câu chữ, từng thế ngồi, từng nét mặt. Thằng nhỏ từ ngượng ngùng đến khó chịu, rồi đến cuối buổi là cam chịu.
Còn em, trong mắt em, tôi thấy hiện lên cả nỗi lo sợ lẫn sự chiếm hữu. Tôi hiểu em sắp sửa mất mát nhiều thứ trong cuộc đời, không chỉ nhà cửa, ông chồng, mà cả lòng tự tin vào dung nhan và sự tận tụy cho chồng con của em.
Trước kia khi làm cùng trường với tôi, lúc nào em cũng sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ mới. Em luôn là người đầu tiên được chọn để điều phối và tổ chức mọi sự kiện. Mọi chuyện vào tay em sẽ đều nhịp trên đường ray đã định sẵn từ đầu.
Thế nhưng chuyện ly dị sắp xảy ra; chuyện ngôi nhà sắp mất; chuyện đứa con ngày một trở nên khó chịu chỉ muốn xa lánh mẹ; tất cả đều đã trật đường ray, không như em dự đoán, không như em sắp đặt, và chắc chắn không như em mong muốn.
Nay em lại mất thêm lòng tin vào khả năng kiểm soát cuộc đời, chỉ còn đứa con để em bù đắp… hay bám víu?
Tới bao giờ cha mẹ mới ngưng tưởng mình là bóng mát mà thật ra là bóng tối che khuất cả bầu trời của con? Tới bao giờ cha mẹ mới biết lùi lại và buông bớt cho con được lớn?
Không phải chỉ trong các gia đình tan vỡ mà ngay cả khi còn cả đôi, cha hoặc mẹ nhiều khi vẫn luôn làm con khổ đau với những lề thói khắc nghiệt hoặc luôn làm con ngộp thở với những chăm sóc, vồ vập.
Trong khi trẻ cần sự chủ động và tự quyết trong đời sống, khi chúng nỗ lực trở nên người trưởng thành thì nhiều bậc cha mẹ không biết tự điều chỉnh mức độ hỗ trợ hay kiểm soát mà vẫn tiếp tục dạy con theo kiểu… máy bay trực thăng (helicopterparents) – từ ngữ được các em vị thành niên tại Hoa Kỳ dùng để mô tả cách cha mẹ kiểm soát chúng, như thể trực thăng bay vần vũ trên đầu và được tiến sĩ Haim Ginott dùng đầu tiên trong cuốn Cha mẹ và trẻ vị thành niên xuất bản năm 1969, và phổ biến đến độ đã được đưa vào từ điển vào năm 2011.
Tiến sĩ Ann Dunewold, chuyên gia về tâm lý lâm sàng, gọi đó là việc chăm con thái quá (overparenting), kiểm soát thái quá (overcontrolling), bảo vệ thái quá (overprotecting) và cầu toàn thái quá (overperfecting), vượt quá trách nhiệm thực tế của cha mẹ.
Các bậc “cha mẹ trực thăng” này có những biểu hiện khác nhau ở mỗi lứa tuổi của con. Khi con ở tuổi nhà trẻ, cha mẹ dạng này lúc nào cũng bám sát con, điều khiển mọi hành vi của chúng và không bao giờ để con tự chơi một mình; đến lúc con học tiểu học, họ muốn chọn lựa thầy cô cho con theo ý của mình, bắt con chơi với bạn này, không chơi với bạn khác và gần như làm thay con mọi bài tập ở trường. Khi con lên trung học, họ lập lịch “sinh hoạt ngoại khóa”, học hành – tập luyện – thi đấu cho con dày đặc đến nỗi đứa trẻ chỉ có một ao ước lớn nhất là… được ngủ.
- Xem thêm: Thế hệ thủy tinh
Con vào đại học, có bà mẹ thậm chí còn đến tận trường của con để “dự giờ”, đánh giá không chỉ bạn bè mà còn cả thầy giáo của con. Họ không biết là mình đang “quạt cánh” vần vũ, xé nát bầu trời cao rộng của con.
Nghiên cứu của giáo sư Holly Schiffrin và đồng sự tại Đại học Mary Washington từ năm 1940 đến nay cho thấy trẻ vào đại học thường có mức trầm cảm và lo âu cao hơn nếu cha mẹ có thái độ và hành vi kiểm soát con quá chặt chẽ.
Việc cha mẹ “can thiệp thô bạo” vào đời sống của con cái, nhất là khi chúng đã bước vào giai đoạn cần hiển lộ và học hỏi sự tự chủ, không chỉ dẫn đến những cơn trầm cảm hay lo âu ngắn hạn nơi con trẻ mà có thể làm chúng bị tổn thương tâm lý suốt đời.
Bác sĩ Mai Stafford của Hội đồng Nghiên cứu y khoa về sức khỏe và tuổi già tại Đại học London cho biết, việc can thiệp vào sự riêng tư và tự chủ của con cái không những chỉ hạn chế sự độc lập của chúng mà còn làm chúng kém khả năng điều chỉnh hành vi.
Thế nhưng tác hại không chỉ xảy ra về phía đứa con. Nghiên cứu của giáo sư Kathryn Rizzo và đồng sự thuộc Đại học Mary Washington cho thấy các bà mẹ chăm sóc con cái quá mức cần thiết có liên quan đến sự căng thẳng, trầm cảm và bất mãn với đời sống của chính họ.
Các bà mẹ không dám để con cho người khác chăm sóc thường là những người kém hài lòng về cuộc sống nhất, còn các bà mẹ cho rằng việc dạy con quá đỗi khó khăn phải cần đến những kỹ năng và kiến thức chuyên gia thì lại dễ căng thẳng và trầm cảm.
Nếu kết quả tiêu cực như thế thì tại sao các bà mẹ vẫn “điên cuồng” can thiệp và kiểm soát chặt chẽ con cái? Tác giả đề tài nghiên cứu đặt giả thuyết là các bà mẹ tin rằng với thái độ và hành động thái quá như thế, họ mới là những bà mẹ tốt.
Ẩn giấu dưới thái độ này của cha mẹ là nỗi sợ hãi về tương lai, những chấn thương trong quá khứ, tính ganh đua háo thắng.
Có thể họ đã từng bị cha mẹ của mình bỏ rơi, lơ là, ngược đãi trong quá khứ, cho nên họ cố gắng bù đắp cho con bằng sự chiều chuộng, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Một số khác lại lo sợ về tương lai của con, sợ con buồn tủi, lo con vất vả, ngại con thua kém, e con tổn thương… nên cứ làm thay cho con, rồi hết đay nghiến lại cằn nhằn con mà không để ý những hành động của mình lại làm con mất hết động lực, khiến con nhận lãnh hậu quả từ trách nhiệm và suy nghĩ của chính mình.
Số còn lại có thể vốn hay ghen tỵ và kèn cựa với bà con, bạn bè; thấy con người khác đứng đầu lớp thì con mình phải đứng đầu trường, con bạn mình biết đàn piano thì con mình phải chơi được ba loại nhạc cụ, con bà dì hát nhạc Trịnh thì con mình phải biểu diễn Mozart cho nó sang.
Một điều nữa cần chú ý trong nhiều nghiên cứu là thái độ cầu toàn và thái quá này lại tồn tại nhiều nhất ở các bậc cha mẹ thuộc thành phần trung lưu.
- Xem thêm: Mẹ đừng… “tham”
Mấy tháng trước tôi nhận được một cuộc điện thoại lúc 3 giờ sáng. Một bà mẹ sắp đưa con qua Mỹ vào trường đại học muốn tôi tư vấn.
Ở Việt Nam, bà đã là “cây đại thụ” suốt 18 năm không chỉ của đứa con mà cả gia đình, kể cả ông chồng. Nay đứa con sắp đi xa, sắp rời khỏi quỹ đạo của bà, dù rằng việc con du học cũng do bà sắp xếp, đã khiến bà khá hoảng loạn.
Tôi nhìn cô em sắp ly dị đang ngồi ăn trưa trước mặt tôi lại nghĩ đến bà. Lòng mẹ trong những gia đình như thế không phải là “biển Thái Bình dạt dào” như bài hát ca tụng tình mẫu tử, mà lại là những tàng lá rậm rạp ngăn con hướng đến nắng gió trên cao.