Hai nghiên cứu mới đã đánh giá làm thế nào trí nhớ ngắn hạn – trí nhớ sử dụng hằng ngày để đưa ra những quyết định – chịu ảnh hưởng bởi tuổi tác, tâm trạng và chất lượng giấc ngủ, và liệu các yếu tố này ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn cùng một lúc hay riêng lẻ.
Trí nhớ ngắn hạn là trí nhớ mà một người sử dụng hằng ngày để đánh giá các tình huống, sử dụng ngôn ngữ và đưa ra những quyết định.
Khi lớn tuổi, trí nhớ có xu hướng giảm, nhưng cũng do các yếu tố khác, đặc biệt là tâm trạng chán nản và chất lượng giấc ngủ thấp, có thể ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn lẫn dài hạn.
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu của bốn tổ chức là Đại học California Riverside, Đại học California Berkeley, Đại học Michigan và Học viện về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia Bethesda đã thực hiện hai nghiên cứu về các yếu tố tác động đến trí nhớ ngắn hạn.
Tuy nhiên, khác với nghiên cứu trước đó, nghiên cứu mới xem xét bằng cách nào các yếu tố ảnh hưởng về mặt định tính và định lượng của trí nhớ ngắn hạn, tức tương ứng với sức mạnh và độ chính xác của trí nhớ ngắn hạn, và bằng cách nào mà trí nhớ có liên quan đến khả năng này được lưu trữ trong não.
- Xem thêm: Để rơi vào giấc ngủ
Các nhà nghiên cứu cũng muốn biết liệu các yếu tố ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn một cách độc lập hay cùng lúc.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Weiwei Zhang, cho biết: “Các nhà nghiên cứu khác đã liên kết một trong các yếu tố ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn một cách riêng lẻ đối với toàn bộ chức năng của trí nhớ, nhưng nghiên cứu của chúng tôi xem xét làm thế nào các yếu tố này có liên quan đến chất lượng và số lượng của trí nhớ. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu được thực hiện và cho thấy cả ba yếu tố tuổi tác, giấc ngủ và tâm trạng đều có liên quan mật thiết với nhau. Ví dụ, những người lớn tuổi thường có tâm trạng tiêu cực hơn những người trẻ. Chất lượng giấc ngủ kém cũng thường liên quan đến tâm trạng chán nản”.
Tác động về mặt chất lượng so với số lượng
Sau khi phân tích riêng lẻ và cùng một lúc các yếu tố, các nhà nghiên cứu phát hiện chất lượng giấc ngủ, tâm trạng và tuổi tác đều góp phần làm suy giảm trí nhớ.
Nghiên cứu này gồm hai phần riêng biệt. Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà nghiên cứu chọn ra 110 sinh viên đại học, họ được yêu cầu báo cáo về chất lượng giấc ngủ thường xuyên và trải qua tâm trạng chán nản.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đánh giá hiệu suất trí nhớ ngắn hạn của tình nguyện viên. Nghiên cứu thứ hai gồm 31 người, từ 21 đến 77 tuổi, nhằm nghiên cứu mối liên hệ giữa tuổi tác và chức năng của trí nhớ ngắn hạn.
Hai nghiên cứu đầu tiên cho thấy tuổi tác có liên quan nghịch đảo với chất lượng của trí nhớ ngắn hạn, tức tuổi càng cao trí nhớ ngắn hạn càng kém chính xác.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc trải qua tâm trạng chán nản và chất lượng giấc ngủ kém liên quan đến chất lượng trí nhớ ngắn hạn kém hơn. Càng ngủ ít và thường xuyên trải qua tâm trạng tiêu cực, càng ít có khả năng lưu trữ trí nhớ ngắn hạn.
Trong khi nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng chất lượng giấc ngủ, tâm trạng và tuổi tác đều góp phần làm giảm trí nhớ ngắn hạn, thì phân tích thống kê cho thấy mỗi yếu tố có khả năng hoạt động độc lập và gắn bó với nhiều cơ chế cơ bản khác nhau.
“Việc nhận thức tốt hơn về các yếu tố tác động đến trí nhớ đem lại những kết quả lâm sàng quan trọng, giúp hiểu rõ hơn về cơ chế tiềm ẩn của chứng mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác. Để tâm trí làm việc tốt nhất, điều quan trọng là người lớn tuổi hãy bảo đảm có chất lượng giấc ngủ tốt và tâm trạng tốt”, tiến sĩ Zhang nói.