Bạn tôi, thư ký tòa soạn một tờ tuần báo, bận rộn hơn người bận rộn, khỏe như “trâu cui”, vậy mà một hôm cũng bị nhức đầu, chóng mặt, nóng sốt… Anh vội chạy đến một bác sĩ quen, kêu lên: “Làm ơn chích cho tôi một phát! Mau mau, để tôi còn về làm việc!”.
Nể quá, bác sĩ bèn chích cho anh một phát đau điếng. Dĩ nhiên là anh hết bệnh. Hết bệnh không phải nhờ mũi thuốc đó mà là nhờ cái sự “đau điếng” kia!
Thật vậy. Bởi chả có bác sĩ nào lại “dại dột” đi chích thuốc cho một trường hợp cảm cúm do thời tiết như vậy, trừ phi, bác sĩ cố tình “làm một cái gì đó” cho có vẻ “dịch vụ” một chút để dễ… tính thù lao! Mà khi “làm một cái gì đó” thì chả dại gì làm cái điều nguy hiểm để đổ nợ!
Chuyện này không lạ. Từ thời xa xưa, các vị phù thủy chữa bệnh cho mọi người trong bộ lạc, trước khi cho uống một thứ thuốc rễ cây, lá rừng, xương thú… nào đó, thế nào cũng phải hụ huợ, gầm gừ, rên rỉ, uốn éo một lúc mới linh. Mà linh thiệt! Bởi vì trong chuyện bệnh của con người thì không chỉ có bệnh thân mà còn có bệnh tâm.
Thân và tâm quấn quít, chằng chịt lấy nhau. Hiện nay, ngành y khoa tâm thể (médecine psychosomatique) ngày càng được quan tâm.
Sau một thời gian dài, người ta quá chuộng kỹ thuật thì nay người ta nhận ra rằng con người không phải là một cái máy! (Thế mà có lúc nghe nói ở ta đã có ý định thay thế danh xưng “bác sĩ” bằng “kỹ sư” để gọi các thầy thuốc tốt nghiệp đại học y khoa. Lúc đó, ta sẽ có kỹ sư tim mạch, kỹ sư tiêu hóa, kỹ sư tiết niệu… và các bệnh viện sẽ đổi tên là… xưởng nhi đồng, xí nghiệp phụ sản, công ty chấn thương chỉnh hình v.v…! May thay, chưa xảy ra chuyện đó!).
Người thầy thuốc chữa bệnh cho con người mà chỉ thấy cái “thân xác” của bệnh nhân, không thấy cái “thần hồn” của họ thì thường chữa không toàn diện, không dứt điểm.
Các vụ việc xung đột kiện cáo liên miên xảy ra gần đây trong ngành y tế đến nỗi đi đâu cũng nghe kêu ca về vấn đề y đức cũng do cách nhìn thiếu cái “phần hồn” đó ở con người.
Trong khi đó, ta luôn nghe nhắc đến nào hồn phố, hồn gỗ, hồn đá… Nơi nào chưa kịp có hồn thì “thổi hồn” vào, như “thổi hồn vào gỗ”, “thổi hồn vào đá”, “giữ hồn cho phố”…!
Một bà mẹ bị mất sữa, thiếu sữa cho con bú, nghe người ta bày dùng lá đu đủ, lá mít, lá rau lang… đắp lên ngực sẽ cho nhiều sữa, bèn làm theo.
Kết quả sữa ra nhiều thiệt. Chuyện có vẻ dị đoan mê tín. Nhưng không. Các nghiên cứu cho thấy sự tiết sữa là do tuyến não thùy điều khiển, tạo ra các kích thích tố prolactine và oxytocine.
Phản xạ tiết sữa bị cắt đứt khi bà mẹ lo lắng, ưu phiền, khiến các hormone đó không tiết ra được. Khi “thần hồn” thảnh thơi, yên ổn thì tuyến não thùy lại tái lập phản xạ tiết sữa.
- Xem thêm: Bớt kỹ thuật, thêm nhân văn…
Bà mẹ thấy rau lang, lá mít… mủ chảy giọt giọt giống sữa, nên tin tưởng và sự tin tưởng này… làm bà yên tâm.
Ta hiểu tại sao nước cá thần, thầy nước lạnh, chùa Pháp Hoa, niệu liệu pháp và gần đây là khu “vườn lạ” ở Long An có thể chữa được một số bệnh!
Thường đó là các loại bệnh “tâm thể”, do stress, do căng thẳng, lo phiền, sợ hãi… làm rối loạn các chức năng sinh lý của cơ thể, mà ngành y thường gọi bằng một từ mơ hồ là “rối loạn chức năng” – sẽ dẫn đến các bệnh thực thể sau đó – mà nếu không quan tâm chữa tận gốc thì không sao dứt hẳn được.
Các bệnh “tâm thể” nói chung – gồm cả các bệnh tim mạch, khớp, dạ dày, thần kinh v.v… – đã ngày càng phát triển trong xã hội ta hiện nay.
Trở lại ông nhà báo bạn tôi. Sau lần “chích một phát” đó, ông hết bệnh. Dĩ nhiên là nhờ bệnh tự hết! Nếu ông không đi bác sĩ, chỉ xông nồi lá xông, uống nước chanh đường cũng hết. Bởi ông chỉ bị cảm sốt thông thường do thời tiết, không phải “cúm gà cúm vịt” gì cả.
Bệnh nhân thường không biết bác sĩ đã chích thứ gì cho mình. Còn bác sĩ thì biết rất rõ. Mũi thuốc chủ yếu là tạo hiệu ứng “placebo”, làm bệnh nhân vui lòng chứ chẳng có tác dụng gì – trừ một số ít trường hợp có chỉ định đặc biệt – lỡ “sốc” thuốc một cái thì lãnh đủ!
Bệnh nhân có thể chết đột ngột, không kịp cứu chữa. Nhiều người bây giờ vẫn nghĩ rằng đi bác sĩ thì phải chích, không chích không phải bác sĩ. Nhiều khi còn đòi phải được chích hai, ba mũi đau điếng mới “đã”! Bác sĩ chiều ý bệnh nhân.
Vậy là tạo thành cái vòng luẩn quẩn. Một thói quen máy móc. Hồi còn nhỏ, tôi cũng từng đi “khám bác sĩ” và có lần ngạc nhiên thấy mình chưa kịp khai bệnh mà bác sĩ đã đè ra chích ngay vào bụng hai mũi!
Ngay cả chích vitamin C cũng có thể gây sốc chết người! Cho nên nếu người bệnh còn… ăn được, thì nên ăn những thức có nhiều vitamin C như trái cam, chanh, cóc, cerise, chuối… còn hơn! Càng biết nhiều về thuốc, càng ít dám sử dụng.
- Xem thêm: Bệnh Tự tỏa
Như thầy võ thì ít dụng võ! Lạ lùng là chuyện truyền dịch, truyền nước biển một cái “cho khỏe”. Một chai nước biển không có giá trị hơn một hũ yaourt hay một nửa chén chè! Trừ trường hợp bệnh nặng thì phải truyền dịch trong bệnh viện với những chỉ định nghiêm ngặt, chính xác.
Tóm lại, tiêm chích là chuyện bất đắc dĩ. Gặp bơm kim tiêm, dây chuyền nước biển không vô trùng hoàn toàn thì còn có thể bị lây HIV, viêm gan siêu vi B oan uổng!
Ông bạn nhà báo của tôi mỗi khi bị cảm sốt có lẽ nên ăn một “tô cháo hành” của bà xã còn tốt hơn chạy đến bác sĩ quen kêu mau mau chích một phát như vậy!
Hẹn thư sau. Thân mến.