CEO Tim Cook của Apple mới đây gây xôn xao giới truyền thông khi ông nói với CNBC rằng cứ mỗi hai đến ba tuần là Apple lại mua một công ty mới.
Thông tin này khiến một cây bút ví von rằng Apple mua công ty thường xuyên như mua thực phẩm, đồng thời khiến người ta nghĩ rằng Apple đang cố dọn đường để thống trị thế giới.
Thật ra, con số ước tính của Tim Cook là thấp. Trong vòng hơn sáu tháng qua, Apple mua 20-25 công ty, gần tương đương với mỗi tuần mua một công ty.
Dĩ nhiên, có rất ít công ty có khả năng tài chính rủng rỉnh để mua sắm như Apple – công ty đầu tiên trên thế giới đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỉ USD. Apple cũng có sẵn một lượng tiền mặt lớn – 225 tỉ USD – theo số liệu tài chính mới nhất của họ.
Nhưng hãng này lại không được biết đến với những vụ sáp nhập ầm ĩ giống như các công ty công nghệ khác, chẳng hạn Facebook mua lại WhatsApp và Microsoft mua lại Skype.
Theo giải thích của CEO Tim Cook, Apple “chủ yếu đang tìm kiếm tài năng và tài sản trí tuệ”. Nói cách khác, hầu hết những “vụ mua sắm” này là một cách “sáp nhập để thu dụng tài năng” – mua một công ty cũng là cách thuê luôn các nhân viên ngôi sao đã sáng lập những startup này.
Tháng 12-2018 Apple mua Platoon, một startup phát triển tài năng âm nhạc có tổng cộng 12 nhân viên. Platoon cung cấp dịch vụ marketing, phát hành và cấp vốn cho các nghệ sĩ âm nhạc đang lên và chưa ký hợp đồng.
Công ty này đã gây tiếng vang nhờ chọn được những nghệ sĩ có khả năng tạo ra tác phẩm ăn khách. Hai nhà sáng lập của Platoon là Denzyl Feigelson và Saul Klein.
Denzyl Feigelson từng làm việc cho Apple 15 năm, giúp công ty này tổ chức các sự kiện trực tiếp ở châu Âu và quản lý quan hệ với nghệ sĩ ở thị trường này.
Saul Klein từng đồng sáng lập dịch vụ cho thuê video Lovefilm – được Amazon mua lại để thành lập Prime Video. Cũng dễ hiểu tại sao Apple muốn bộ đôi nhà sáng lập này về đầu quân dưới mái nhà của họ.
Sáp nhập để thuê luôn người sáng lập có thể là một thương vụ tốt vì một lý do rõ ràng: những người đã sáng lập một công ty thường có động lực cao và tài giỏi, sẵn sàng làm việc hết lòng và mạo hiểm một cách hợp lý.
Một lý do phụ là khi mua lại những công ty khởi nghiệp, các tập đoàn có thể trả cho người sáng lập một số tiền lớn để về làm việc cho họ nhưng không gây ra tranh cãi trong nội bộ tập đoàn.
Ngược lại, nếu họ cam kết một khoản thưởng lớn cho người mới thì nhân viên hiện tại có thể sẽ phản ứng vì ghen tỵ và giận dữ.
Còn đối với các nhà sáng lập, một vụ sáp nhập như thế có thể giúp họ thoát khỏi tình trạng bấp bênh kinh tế của một công ty startup, đặc biệt là khi vòng gọi vốn thứ hai, thứ ba nào đó không thành công. Đây vẫn là một giải pháp hấp dẫn hơn so với phải tuyên bố thất bại và đóng cửa. Giải pháp này thường được gọi là “hạ cánh mềm”.
Khi mà cuộc chiến tìm kiếm tài năng vẫn đang diễn ra và những người tham vọng vẫn tiếp tục mở công ty thì sáp nhập để thu dụng tài năng sẽ tồn tại.
Apple sẽ tiếp tục mua các startup nhỏ, có lẽ với tốc độ mỗi tuần mua một công ty để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm nhân sự tài năng của họ. Nhưng không ai lại sai lầm khi nghĩ rằng Apple có ý định điều hành tất cả những công ty này.