Gia đình chị theo Công giáo, sau khi chuyển chỗ ở từ tỉnh vào thành phố, hoàn tất các giấy tờ như hộ khẩu, điện, nước… xong xuôi, chị mới lo đến việc chuyển sinh hoạt giáo xứ.
Chị nộp đủ các giấy tờ cần thiết, trong đó có sổ gia đình Công giáo cho văn phòng nhà xứ, an tâm với lời hẹn chậm nhất hai tuần sẽ có sổ mới. Hai tuần rồi kéo dài đến ba tháng, Chủ nhật nào chị cũng ghé văn phòng nhà xứ hỏi sổ tên chị nhưng vẫn không thấy sổ mới.
Bác quản trị nói với chị: “Chị an tâm, chúng tôi làm cho cả mấy ngàn gia đình, chưa mất hồ sơ nào”. Nghe là vậy nhưng chị cũng lo, lỡ xác suất mất một phần ngàn chẳng hạn, rơi vào trường hợp chị thì sao.
Ngồi trò chuyện một lúc bỗng đầu chị sáng ra, chị nói với cô hành chính: “Em tìm giùm xem có cuốn sổ nào tên Nguyễn Văn A. (là tên chồng chị) không? Vừa nghe tên, gương mặt cô hành chính giãn ra. Cô biết có một cuốn sổ gia đình tên này, lâu lắm rồi không thấy ai đến nhận. Đúng sổ gia đình của chị.
Hóa ra bấy nay chị quen cái nếp đi làm giấy tờ gì cũng khai tên chị. Ông chồng vốn ngại đến cơ quan công quyền, mọi việc phó thác hết cho vợ từ hộ khẩu, điện nước, nhà cửa. Ông chỉ đứng tên mỗi tờ giấy chứng nhận gia đình văn hóa, bởi hôm cán bộ phường đến nhà điều tra thì ông tiếp chuyện.
Vả lại, ông biết đứng tên trên giấy này không ra phường, lên quận là nơi ông rất ớn các thủ tục hành chính. Công bằng mà nói, không phải chị có tính độc đoán mà do “hoàn cảnh đưa đẩy”.
- Xem thêm: Để tránh những xung đột trong gia đình
Nhớ lại thời mới cưới, trong sổ gia đình Công giáo ông chồng ghi hết, từ ngày hôn phối của họ đến lúc các con rửa tội, thêm sức, rước lễ lần đầu. Ba mươi năm, một chặng đường không dài nhưng biết bao xung đột trong cuộc sống. Từ những việc nhỏ nhặt như đổ rác, rửa chén cho đến xây cái nhà.
Với ông chồng có tính ngại, việc cơ quan thì làm tròn nhưng việc gia đình cứ lóng ngóng, vụng về. Riết rồi vợ phải đảm đương. Chị nhớ lại thời con gái mơ mộng một bờ vai vững chãi để tựa.
Thời gian dần trôi, chị không biết từ lúc nào lại trở thành bờ vai cho cả ba người trong gia đình tựa vào. Nhủ thầm miễn sao bình an là được. Gia đình nào chẳng có lúc xào xáo. Giữ cái sổ Gia đình Công giáo đi hết chặng đường dài, không có trục trặc gì đã thành công rồi. Biết bao người không được như mình?
Trưa Chủ nhật ấy, trong bữa cơm gia đình, nghe chị kể chuyện “vụ án cuốn sổ gia đình Công giáo”, cô con gái lớn buột miệng: “Có bao giờ mẹ nghĩ là mấy chục năm qua mẹ độc đoán, áp dụng suy nghĩ của mẹ vào cách dạy con cái không?”.
Tất nhiên cô nói nhẹ nhàng, không phải trách móc mẹ. Nhưng khiến chị suy nghĩ, rồi đâm trách sang ông chồng, phải chi ổng đỡ đần nhiều thứ thì mình đâu như vậy!
- Xem thêm: Đánh giá cao giá trị của bạn đời
Mà ông chồng quen rồi. Phụ nữ không càm ràm, trách móc không phải là phụ nữ. Nhưng ông cũng thầm biết ơn vợ. Thời “tam thập nhi lập”, vừa lập gia đình đầy nhiệt huyết, năng nổ. Sau đó đối mặt với không ít thất bại, có nhiều lúc nản chí, dẫn đến buông xuôi, có phần thờ ơ trách nhiệm gia đình.
May nhờ có vợ “mạnh mẽ” mới giữ đến hôm nay, tuy không “tròn trĩnh” nhưng “sứt mẻ” không đáng kể, bỏ qua được. Phải chăng, vợ chồng là như thế? Nói thì nhanh và nghe thì dễ nhưng để có chuyến đi “thành công tốt đẹp” bao nhiêu gian nan, những ý nghĩ tiêu cực luôn xuất hiện bất cứ lúc nào.
Vượt qua hay bỏ cuộc đều là chọn lựa khó khăn. Nếu không muốn bị tổn thương, phải biết tha thứ!