Paris, ngày 10 tháng 8…
Từ chỗ này mẹ không thể thấy là tôi đang nhìn mẹ lục lọi đồ đạc trong ngăn kéo bàn viết. Được khuyến khích nên từ hai hôm nay mẹ chỉ làm mỗi việc ấy. Hẳn rồi phòng tôi sẽ ngăn nắp gọn gàng. Coi kìa, mới sơ sơ mà chồng sách đã nằm trên kệ sau khi mẹ xem qua từng quyển và chẳng tìm thấy gì đặc biệt. Trước kia thỉnh thoảng mẹ dọn dẹp là tôi mất phương hướng, muốn tìm gì phải hỏi mẹ cất ở đâu. Nhưng lần này hy vọng không thế nữa, tôi sẽ tìm ra dù mẹ sắp xếp cách nào.
Mỗi lần điện thoại reng, mẹ giật thót như kẻ trộm bị bắt quả tang. Chỉ là những cú điện thoại thăm hỏi. Tôi ghét những cú reng ấy mà chẳng làm gì được. Con người ưa thăm hỏi nhiều khi không đúng lúc mà cứ tự cho là chia sẻ. Tôi cố rút dây điện thoại mà không ra, hai cánh tay vẫn còn rời rã, tôi cố hất nó chệch một chút để người bên kia nghe máy bận, thì mẹ đặt nó lại vào vị trí. Tôi phải nhảy tưng tưng đảo mắt lắc đầu tay khoát lia ra dấu bảo đừng mà mẹ cứ trả lời, nghèn nghẹn rồi nấc. Tôi cố sức giật ống nghe khỏi tay mẹ mà thua, mẹ có cách nắm điện thoại rất chặt, thói quen thời trẻ dành với bố để kể tội bố cho bạn nghe rồi cười hả hê thích thú.
Giờ thì mắt lúc nào cũng ươn ướt, đỏ hoe. Tôi thường canh mở cửa cho bà con bạn bè, dù vô ích vẫn dặn họ khuyên nhủ mẹ. Ai cũng thăm chốc lát rồi đi. Riêng dì Sáu luôn túc trực, ép mẹ uống sữa, ăn cháo, bảo chị mà không chịu ăn uống rồi bịnh nằm xuống một cái thì làm sao. Thì làm sao. Tao chỉ muốn chết cho rồi.
Paris, ngày 12 tháng 8…
Mọi việc rồi cũng xong. Đâu phải chuyện xảy ra mỗi ngày nên giấy tờ cũng linh tinh, cái nào mẹ cũng ký cũng gật. May là dì Sáu nhất định chọn phương án nào ít tốn kém đơn giản nhất như ý tôi muốn. Mẹ đâu giàu có gì mà phải mua cho tôi căn phòng đầy đủ tiện nghi theo người ta rao bán. Tội nghiệp nó Sáu à, chị chỉ có mình nó, cho nó được thảnh thơi, nhưng tôi nháy mắt với dì, lắc đầu, và ban đêm tôi hăng say thì thầm bàn bạc hoặc phấn khởi vạch “chương trình” với dì. Nói vậy nghe cho có vẻ sang trọng, nghiêm chỉnh. Và dì hiểu.
Hai mươi không phải là tuổi cần một cơ ngơi. Bà làm văn phòng địa ốc vừa hỏi vừa nhìn dì Sáu khinh khỉnh Bà nghĩ một cô gái tuổi đó không thích điểm trang, quần áo, xe cộ và nhà đẹp sao. Dì Sáu chỉ cười Nó là cháu tôi hai chục năm nay, chắc là tôi hiểu nó hơn bà, nhất là bà cũng chẳng biết nó là ai. Bà kia khựng, hơi đỏ mặt. Tôi nháy mắt vỗ tay cười khoái chí. Dì Sáu học luật, từ nhỏ đã có tiếng lý sự. Cuối cùng mẹ chịu. Tôi có căn phòng vừa đủ túi tiền mẹ, tiện nghi vừa đủ tôi cần.
Hôm đến thăm nhà mới, nơi tôi sẽ ở xa mẹ và tự lo mọi thứ một mình, bà con bạn bè cùng đến xem. Trông chẳng ai vui, như thể ra riêng là quyết định sai lầm. Tôi cố trêu chọc bằng những chuyện tiếu lâm thường gây cười mà có vẻ chẳng ai lưu ý. Con Thúy trách sao tôi bỏ học giữa chừng. Tôi chống chế không bỏ, chỉ là đi thực tập ngân hàng, và chắc tôi sẽ ở luôn nơi ấy bởi cảm giác mình chẳng thể tiến xa hơn nữa. Vả chăng đó cũng là điều mẹ muốn. Nó nguýt, xoay lưng.
Hôm nay trời đẹp quá. Buổi sáng lý tưởngParismà cô bạn ở ViệtNamcứ bảo tả cho nghe. Không văn chương, tôi chỉ giản dị nói là mùa hèParistrời rất trong, nắng mỏng manh cười khúc khích dịu dàng và lôi kéo mọi người ra ngoài cho nó sưởi. Nó ve vuốt da mình bằng những chiếc hôn phớt thơm ngọt sau mùa đông ẩn mình và mùa xuân e ấp. Nó rực rỡ mà đằm, lẳng lơ mà ngoan, kênh kiệu nhưng nhu nhã, lung linh trêu ghẹo. Một lần anh bạn từ ViệtNamsang, ngạc nhiên sao mọi người lại ngồi ngoài nắng, sao băng ghế trong mát không ngồi, sao dânPariskhùng quá vậy.
Công viên giờ này đã bắt đầu đông người, tôi ngước nhìn bầu trời, vài cụm mây trắng mỏng như tơ làm nổi bật màu xanh dịu dàng thăm thẳm. Thảm cỏ non ngút mắt có lối đi viền hoa trắng khiến tôi nghĩ ở đây giống thiên đường. Nếu được lên thiên đường, được sống ở thiên đường, chắc sẽ thú vị. Thỉnh thoảng có dịp đọc bài viết của những người đã cận kề cái chết, họ tả cảnh thiên đường mà ham. Cái gì cũng sáng trưng, rực rỡ, an lành và cực kỳ đẹp đẽ. Tôi nghĩ thiên đường cũng lộng lẫy cỡ sáng nay thôi.
Tôi về nhà. Bây giờ mẹ đang tần ngần trước quyển lịch giở từng ngày trên bàn làm việc mà vì hết ngõ ngách nào để lục, mẹ mới lưu ý đến những thứ vụn vặt linh tinh bày trước mắt. Bút bi, bút màu, bút chì, gôm…, lộn xộn trong rổ hoa khô từ hôm tôi đổ ống đựng viết tìm chiếc chìa khóa xe rồi vội chạy đi. Mẹ âu yếm sắp chúng vào chiếc ống tre vẽ cành lá trúc, bình đựng viết cổ điển lần đầu về ViệtNamcô bạn mua cho. Rồi mẹ lật từng trang từ đầu năm, nhẩn nha đọc hay cố đoán mò những dòng ghi tắt. Hơn nửa năm qua, nhiều ghi chép sơ sài tôi cũng quên béng là gì.
Mẹ nhẩn nha đoán, hiểu ra thì có chỗ cũng rứt được cái mỉm cười, héo queo nhưng vẫn là mỉm cười, chẳng hạn trang Mong ngày mai SNCF làm reo, hệ thống xe lửa làm reo thì mình có lý do chính đáng nằm nhà một bữa. Gần cả giờ sau mẹ mới tới trang ngày 8 tháng 8, giản dị: Gyné, 11h. Mẹ tần ngần trước những ghi chép khác, nhưng cái hẹn với bác sĩ phụ khoa là hệ trọng đây. Mẹ như giật mình, vẻ suy nghĩ. Mẹ không thể hiểu con gái cũng phải thỉnh thoảng đi khám phụ khoa, tưởng tượng đủ thứ, kiểu dám tôi đã “bị gì” rồi. Ở tuổi này tôi vẫn nghe mẹ lên lớp, răn đe bóng gió thường xuyên những điều nhận từ bà ngoại hơn năm mươi năm về trước.
Mẹ tìm số điện thoại bà bác sĩ và nhìn các con số như phù thủy xui khiến chúng sẽ rớt ra trong cuộc xổ. Lý do gì một đứa con gái đôi mươi bình thường phải khám phụ khoa? Mẹ bâng khuâng thở dài. Tiếng thở dài kèm theo âm thanh ư ư nghe tham thảm, rất đặc biệt. Mấy bữa nay lại càng thảm, tiếng ư ư càng dài hệt vai chính trong vở nhạc kịch Mẫu Đơn Đình diễn nỗi tương tư. Mẹ đang tương tư.
- Xem thêm: Căn phòng có tiếng dế
Nắng soãi lên bàn, cành trúc bình đựng viết lao chao nhảy múa, vết mực Tàu đen muốn rứt lá rụng ra như thể tất cả mọi thứ đều mang một màu tang tóc ấy. Búi tóc xổ xuống khiến mẹ có vẻ tiều tụy. Hơn tuần nay mẹ xuống sắc thấy rõ, đau đớn, ngơ ngác. Chiếc nốt ruồi nâu đậm trên má trái có vẻ to ra, vồng lên. Đôi môi rõ nét là người “ăn nói khôn ngoan” thì nhàu nhèo, trễ xuống. Còn mắt thì khỏi bàn, bỗng dưng lông mi trụi lủi chỉ còn hai mí sưng sưng mọng nước.
Chiếc áo xanh da trời lửng tay tôi không bận nữa thì mẹ bận, như bao áo khác, bảo trẻ quá nhưng hãy còn tốt, mẹ bận ở nhà, bỏ uổng. Từ nhỏ tôi đã quen tiếng “bỏ uổng”, mẹ gom hết áo quần các anh chị con cô dì chú bác không vừa nữa, đem về cho tôi bất kể kiểu gái trai, an ủi Kệ con, cũ người mới ta, đỡ tốn tiền, con lớn nhanh mà, trong khi tôi chỉ muốn “cũ ta mới người”. Té ra mãi đến giờ mới toại nguyện, mà lại… với mẹ. Chiếc quần thể thao xăn gấu hai lần, không cắt, vì để khi nào con đổi ý muốn bận lại vẫn được, và hiện giờ một bên sổ xuống ống cao ống thấp.
Chưa bao giờ tôi quan sát mẹ kỹ như vậy, thấy là lạ, tự nhiên muốn hỏi thực là mẹ mình đấy à? Người đàn bà tiều tụy ngơ ngác mắt dán vào tờ lịch ghi cái hẹn với bác sĩ phụ khoa?
Paris ngày 14 tháng 8…
Mẹ hầu như đã nhặt được hết những gì có tính cách riêng tư mang “dấu ấn” của tôi. Ngay cả bản vẽ ngoằn ngoèo, vài ghi chép vụn vặt chẳng đầu đuôi mà đọc lại tôi cũng chẳng hiểu mô tê. Nhưng mẹ như người mua phế liệu và tôi cứ khua tay bĩu môi nói vứt hết đi mẹ ơi, đã dọn thì dọn cho sạch, có gì đâu mà tiếc, con có dùng nữa đâu. Chẳng hiểu mẹ sẽ làm gì với những thứ ấy, nếu tôi là người nổi tiếng hẳn đấu giá được bộn bạc với quyển ghi chú những gì xảy ra ở ngân hàng, nơi tôi đã thực tập sáu tháng và đâm kinh hoàng nếu không nói thực lòng là ghê tởm môi trường ấy. Mẹ thì chỉ muốn tôi ở đó, chăm chỉ rồi sẽ được tuyển, công việc bảo đảm, lương khá so với thời buổi kinh tế thị trường đang khủng hoảng…
Paris, ngày 15 tháng 8…
Hôm nay mẹ soạn tủ áo quần. Mẹ xếp ngăn nắp riêng rẽ mới cũ và ôm từng chiếc khăn quàng dùng mùa đông lạnh ngắt vừa qua đưa lên mũi, mắt dại đi. Mẹ hít mùi của tôi, mẹ tìm mùi của tôi, mẹ muốn giữ mùi của tôi. Mùa hè, da tôi tỏa hương thơm cực kỳ đặc biệt với xà phòng Fa, mẹ bảo mồ hôi tôi hạp với xà phòng ấy và thường hít cánh tay tôi như hiện tại đang hít mấy chiếc khăn quàng ấp hơi hướm mùa đông. Tôi chậc chậc thôi mẹ ơi, gớm quá, nhiều cái chưa giặt mà mẹ. Nhưng chưa diễm phúc có con, làm sao tôi hiểu nổi mọi thứ của con đều thơm tho sạch sẽ đáng yêu. Tôi cười khi mẹ lại lựa những cái xấu đẹp để riêng, “cũ con mới mẹ”. Rồi mẹ thừ người nghĩ ngợi, lâu ly. Tôi đi quanh chiếc giường trinh nữ của mình, nhìn vết lõm hãy còn dấu ngủ đêm qua, vài giọt cà phê rơi trên tấm ra mấy lần máy không tẩy sạch. Và chiếc gối trơ trọi lẻ loi. Vài sợi tóc vướng víu cuộc đời. Cùng lúc mẹ cũng nhìn lên đó, và như con gì chích, mẹ mở ngăn kéo lấy số điện thoại bà bác sĩ…
– Chào bác sĩ. Tôi là bà Nguyễn đây.
– A chào bà. Bà khỏe chứ?
– Cảm ơn bác sĩ, tôi khỏe. Ơ… Con gái tôi có hẹn với bà mấy hôm trước…
– Đúng rồi, xem nào, à mười một giờ ngày tám, nhưng không đến. Cô ấy khỏe chứ bà?
– Nó khỏe. Xin lỗi bác sĩ, bịnh nó… đó có nặng không?
– Không, bà an tâm. Cùng vấn đề như lúc bà dẫn cô ấy đến lần đầu. Tôi còn phải xem phim chụp cổ tử cung, nó có dạng hơi bất thường nên làm cô ấy bị đau.
Mẹ ngập ngừng dò:
– Nó sinh nở chắc sẽ khó khăn…
– May là chưa chồng con, đợi gì sinh, cứ hành kinh là đau, như bà biết đó.
Nhưng mẹ không biết. Khỏi làm mẹ bứt rứt không thể đau giùm mình được, mỗi lần có kinh tôi cắn răng chịu đựng. Mẹ thở phào. Phải chi bà bác sĩ nói tôi đang có bầu và cổ tử cung như vậy sẽ khó sinh thì hẳn mẹ xỉu rồi.
– Vậy bà có muốn lấy hẹn cho cô ấy ngày khác hay…
– Không. Nó… không bao giờ hẹn với bà nữa đâu.
– A vậy hả…
Giọng bà bác sĩ hơi ngỡ ngàng. Mẹ nói nho nhỏ:
– Nó chết rồi.
– Xin lỗi, tôi nghe… không rõ?
Mẹ hét to, phẫn nộ với chính mình:
– Nó chết rồi, chết ngày năm tháng tám, ba ngày trước cái hẹn với bà.
– Ô… Tôi rất tiếc…
Giọng bà bác sĩ càng ngỡ ngàng bối rối hơn. Mẹ nấc nghẹn, cúp máy.
Tôi đến ôm vai mẹ, mẹ ơi con cũng rất tiếc. Lẽ ra con không được bỏ mẹ mà đi, phải luôn ở cạnh chuyện trò, săn sóc và để mẹ săn sóc. Lẽ ra con phải có cuộc đời dài hơn, lấy chồng và sinh cho mẹ vài đứa cháu. Lẽ ra con không nên ngu xuẩn bước xuống khỏi xe bên trái, huống chi trên xa lộ. Lẽ ra khi vào bịnh viện, con phải tranh đấu với các vết thương, với thần chết mãnh liệt hơn để hy vọng được còn ở thêm với mẹ. Nhưng khi nghe cô y tá lắc đầu chép miệng nói một mình Lại một đời thực vật nữa rồi với các vết thương gớm ghiếc khắp người và mặt mũi, một trong hai chân phải cắt bỏ đi, thì con xuôi tay vốn đang nát ngướu vì tai nạn, con cố ý bỏ đi khi còn đứng trên hai chân dù không vững, một lần và mãi mãi, dù biết là gây đau đớn cho mẹ.
- Xem thêm: Chiều trên đồi
Con đã thấy cảnh này rồi, đứa con gái nhỏ nằm hơn mười năm, cuối cùng mẹ nó thở phào khi đời thực vật của nó phải trồng vào đất. Con muốn mẹ đau thắt một lần hơn là khổ cực nhiều năm tháng. Đời thực vật thì chẳng nên nằm trên nệm. Chẳng hay ho gì mỗi ngày mẹ vào bịnh viện nhìn con bất động, mẹ ạ. Nhớ xác con nằm trong quan tài nhìn lên nắp xuyên qua lớp gỗ phủ đầy hoa, những cành lys nuột nà với phấn nhụy nâu mà mẹ thường dặn coi chừng, dính vào áo là không cách nào tẩy được. Con đã co ro vì rất lạnh, tím tái nằm chờ cả tuần mới được vào lửa.
Dì Sáu đã bôi phấn hồng cho con, có vẻ hơi nhiều nhưng vẫn không che hết vẻ băng giá của xác ướp. Con đã nằm ở đó, thẳng tắp ngay ngắn trong hộc tủ kéo ra đẩy vào mỗi lần ai đến viếng, hai tay đặt trước ngực với vòng chuỗi mang tượng Đức Mẹ nhỏ màu xanh ngày mẹ con ta viếng Lourdes. Con không chịu nổi nét đau đớn trên mặt mẹ hay vẻ bối rối của bạn bè, nhiều khi hộc tủ kéo ra con trì níu lại nhưng không được, nó phơi bày con ra đấy, dưới ánh sáng trần truồng bệch bạc của căn nhà xác lúc nào cũng lạnh giá âm u, con cố kéo xác mình giấu đi nhưng không thể, đành cố thản nhiên nhắm mắt để không nhìn thấy ai nhưng vẫn nghe quanh đây có tiếng sụt sùi.
Hôm đó lúc còn nằm phòng ngoài để gia đình bạn bè đến tiễn, sau khi Thúy đọc diễn từ cho con là người “biết lắng nghe và kín miệng”, con đi rảo ôm vai từng người nói lời từ biệt. Ai cũng thút thít lặng thinh. Lời cuối cùng của người chết chẳng hiệu nghiệm gì. Mẹ có nhớ lần ngồi ở phi trường Tân Sơn Nhất chờ máy bay về Paris, một ông phôn hết người nọ đến người kia vì “cạc còn tiền”, để dạy đời bà con “ráng làm ăn”, như thể ông không khuyên trước khi đi thì chẳng ai làm gì cả. Lúc đó mười một giờ đêm, hẳn ông đã đánh thức nhiều người và cũng gây phiền cho khách chờ vì giọng oang oang nhức óc. Con đã rất cáu.
Đức Dalai Lama nói Cái chết không đợi cho ta sắp xếp ổn thỏa cuộc đời mình. Ngay cả muốn diễn tả lời từ biệt thế nào để chuyến ra đi chưa phải là đoạn tuyệt con cũng chưa kịp sắp xếp thì người lo việc nhà tang nói đã đến giờ.Taychắp trước ngực, mọi người đứng lên nước mắt chảy xuống. Và cánh cửa lò thiêu mở ra, vuông vức như ngày con bắt đầu môn hình học, vừa vặn cho cỗ áo quan chạy vào. Mẹ trừng mắt hớt hải chồm tới như thể muốn níu lại, như thể kéo con ra khỏi đó.
Và con bật lên, cố nắm tay mẹ mà không tới, cố nói con thương mẹ vô cùng mà mẹ không nghe, con nấc to nhìn mẹ lao chao ngã xuống, muốn thoát ra nhưng làm gì được nữa… Và trong khi người ta xôn xao đỡ mẹ lên thì con đã vào căn phòng rực lửa địa ngục. Mới cảm thấy âm ấm thì cái nóng kinh hoàng đã ập xuống. Con nhắm mắt cảm nhận chiếc quan tài bén lửa với tiếng kêu lách tách gỗ bong ra, rồi đến áo quần, bộ quần áo tinh tươm ngày đi trình diện tập sự ngân hàng. Con chợt hiểu thế nào là “nóng như thiêu”. Con bó tay thua cuộc nên nằm im cố tĩnh tâm, nghĩ về mẹ bên ngoài khung vuông cửa đã hấp tấp đóng sầm…
Rồi buồn buồn, chẳng cần vận nội công ngoại khí gì, con bay thẳng lên trần nhìn xuống thân thể mình phút chốc sẽ chỉ là nắm bột xám trộn lẫn tro gỗ chiếc quan tài. Họ sẽ hốt từ đó, lộn xộn linh tinh mọi thứ, bỏ vào cái hũ màu xanh ngọc mẹ đã chọn không ngần ngừ giá cả vì đó là màu con thích. Họ sẽ khằn kín trao cho mẹ mang về nhà, đặt lên chiếc tủ bố từng ngồi trên ấy một tuần trước khi gửi vào nhà thờ cạnh bố và các Thánh, rồi mỗi sáng mỗi chiều mẹ sẽ thêm một chút trầm hương…
Mùi thịt khét lợm giọng, con bịt mũi bước ra khỏi căn phòng ngột ngạt tử thi ấy, đuổi kịp theo mẹ vừa lên xe dì Sáu chở về. Trong căn nhà ba người giờ chỉ một, mẹ sẽ cô quạnh ngồi chỗ nào dõi mắt hướng công viên? Mẹ chỉ ngồi nơi bàn làm việc của bố, nhìn ra hành lang hai chậu tùng xanh mướt quanh năm. Giờ nếu ngồi phòng con mẹ sẽ nhìn ra đám lan phải chăm chút kỹ mà đời hoa dài lắm chỉ vài ba tháng. Tùng và lan bỏ mẹ lại, một mình…
Mẹ trân trân nhìn cái điện thoại như cái gì lạ lẫm lắm, bên kia đầu giây hẳn bà bác sĩ cũng bồi hồi.
Rồi như con rối bị sợi giây giật mạnh, mẹ đứng bật lên dứt khoát bước ra như đi tìm con gái, dập mạnh cửa. Cánh cửa ngẩn ngơ trên số phận một người…
Paris-NT, 3-2013