Số liệu dự báo mới đây từ các cơ quan chức năng cho thấy, vào năm 2020 Việt Nam sẽ có 500 khu công nghiệp, cần một diện tích khoảng 500 hécta.
Đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường bất động sản công nghiệp (BĐSCN) đầy tiềm năng.
Thị trường BĐSCN (bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics) ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ, nhất là trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Cùng với đó, các chính sách mới của Việt Nam về BĐSCN: chiến lược cơ cấu lại ngành công nghiệp, khung pháp lý mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, cụm công nghiệp… đã mở ra nhiều cơ hội phát triển các khu công nghiệp trên cả nước, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tận dụng cơ hội này.
Theo nhận định từ giới chuyên gia, Việt Nam sẽ chuyển dịch từ một thị trường sử dụng nhiều lao động sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường BĐSCN, nhất là khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có các ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, giảm các chi phí về thuê đất đai, nhà xưởng, vật chất kỹ thuật… để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để phát triển BĐSCN thì thị trường logistics là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng. Rất nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường này sẽ phát triển nổi bật trong vòng 5-10 năm nữa.
Thời gian qua, Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đã thu hút ngày càng nhiều dòng vốn FDI chảy vào. Điều này đã tạo động lực cho phân khúc BĐSCN và logistics phát triển.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2018, Việt Nam ghi nhận tổng vốn FDI cam kết đạt tới gần 35,46 tỉ USD, tương đương 98,8% so với năm 2017.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 6,93 tỉ USD, chiếm 81,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thực tế trên đã khiến nhu cầu BĐSCN đang dần vượt quá nguồn cung tại các khu công nghiệp vận hành tốt với tổng tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, BĐSCN, bất động sản thương mại là yếu tố mới.
Điều chúng ta phải làm là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thay vì để họ đến các nước khác. Đó là chuẩn bị đủ điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nếu tận dụng được cơ hội này, triển vọng BĐSCN, bất động sản thương mại là rất lớn.
Các nhà đầu tư đang tập trung chú ý vào Diễn đàn BĐSCN Việt Nam dự kiến tổ chức vào ngày 23-4 tới đây, qua đó các diễn giả sẽ có những báo cáo chuyên sâu xoay quanh vấn đề những tác động của bối cảnh, chính sách đến BĐSCN và làm thế nào để tận dụng những lợi thế sẵn có để làm tiền đề, tạo ra cơ hội phát triển hơn nữa cho thị trường BĐSCN Việt Nam.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng sẽ có dịp tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ có nhiều hoạt động tiếp xúc của lãnh đạo địa phương với các nhà đầu tư tiềm năng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu công nghiệp tại các địa phương, đồng thời sẽ tổ chức hoạt động kết nối và xúc tiến đầu tư giữa các địa phương, nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong một động thái cải tổ hành chính, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm không gửi văn bản giấy đối với 21 loại văn bản điện tử.
Chính phủ cũng yêu cầu báo cáo đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia và việc thực hiện thí điểm gửi nhận văn bản điện tử có ký số thay văn bản giấy về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15-5-2019 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Thời gian hoàn thành trước ngày 10-5-2019.
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản trong nội bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử có ký số từ ngày 15-5-2019 đến 15-6-2019.
Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho phần mềm quản lý văn bản và điều hành hoạt động ổn định.
Cung cấp thông tin của các cán bộ đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận văn bản điện tử, quản lý, vận hành phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành để nhận cảnh báo văn bản đến trên Trục liên thông văn bản quốc gia, việc cơ quan chưa nhận văn bản và phản hồi trạng thái về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15-4-2019.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn VNPT thường xuyên giám sát, kiểm tra đánh giá an toàn thông tin hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử bảo đảm an toàn thông tin hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo quy định.
Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel tiếp tục hoàn thiện phần mềm trục liên thông văn bản quốc gia, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số được thông suốt, an toàn thông tin, tích hợp các tính năng cảnh báo về việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số cho các đơn vị chưa nhận được văn bản điện tử.
Trên cơ sở kết quả thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về gửi nhận văn bản điện tử báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, ngày 12-3, Trục liên thông văn bản quốc gia đã được khai trương, kết nối 95 cơ quan Trung ương và địa phương. Văn phòng Chính phủ cho biết, ứng dụng trên sẽ tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỉ đồng mỗi năm bao gồm tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, thời gian…
Đây là một phần trong bước khởi đầu xây dựng chính phủ điện tử gắn liền với cải cách hành chính, một chủ trương lớn nhằm ứng dụng công nghệ thông tin ở mọi cấp, mọi ngành, giúp người đứng đầu cơ quan hành chính ra quyết định kịp thời hơn.