Sau Tết Kỷ Hợi, thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp ở cả phía Nam lẫn phía Bắc đang nhanh chóng sôi động trở lại. Các phân khúc đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho đều đang dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư.
Giữa tháng 2-2019, Quỹ đầu tư Gaw Capital Partners (Hong Kong) đã liên kết với NP Capital Partners, nhà đầu tư và quản lý bất động sản tại Việt Nam để thiết lập Quỹ đầu tư Gaw NP Industrial trị giá 200 triệu USD. Năm 2015, Gaw Capital Partners đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các công ty Tiến Phước, Trần Thái và Indochina Land. Gaw NP Industrial nhắm đến các nhà đầu tư và các ngành nghề như sản xuất cơ khí, điện tử, sản xuất ôtô, may mặc. Hiện công ty này đã có các đối tác chiến lược là Tiki, Giao hàng nhanh logistics… Gaw NP Industrial từng cho biết sẽ tham gia sâu rộng vào thị trường Việt Nam, bao gồm cung cấp các dịch vụ kho vận, cho thuê và quản lý tài sản.
Ông Võ Sỹ Nhân, đồng sáng lập và là Tổng giám đốc điều hành của Gaw NP Industrial cho rằng sự bùng nổ của các mô hình bán lẻ hiện đại như thương mại điện tử, làn sóng đầu tư các cơ sở sản xuất từ nước ngoài sẽ kích thích nhu cầu BĐS công nghiệp, kho bãi, các hoạt động từ thương mại điện tử và giao nhận chặng cuối tại Việt Nam. Dự báo, đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 8 tỉ USD. Như vậy, bên cạnh công nghệ các doanh nghiệp logistics cũng phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng để chiếm được thị phần lớn.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận định, Chính phủ Việt Nam đang quan tâm nhiều đến thị trường logistics và rót vốn đầu tư lớn vào hạ tầng. Do đó, phân khúc về logistics cũng đang có sự thay đổi. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc thực hiện “khâu cuối cùng” với nhu cầu về các kho bãi gần các trung tâm kinh tế và các tuyến đường huyết mạch của thành phố.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch đến năm 2020 của Chính phủ, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu lẫn các nhà đầu tư tiềm năng. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, cần khoảng 500.000ha diện tích.
Khu vực Đông Nam bộ đang là thị trường khu công nghiệp có tốc độ phát triển mạnh nhất cả nước, các nhà xưởng hiện hữu đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy từ 85 – 90%. BĐS công nghiệp ở miền Bắc dự báo sẽ chịu biến động lớn hơn vì gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên sẽ là điểm dừng chân của làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.