Đã hơn một tuần sau khi khánh thành (ngày 29-3-2013), cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý vẫn là chủ đề chia sẻ của người dân Đà Nẵng với bạn bè, người thân của mình ở các nơi qua hình ảnh, qua những cảm nhận thổ lộ trên trang web, blog hay Facebook.
Và không chỉ là câu chuyện cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, nhiều người dân Đà Nẵng còn phấn khích tuyên bố rằng ở Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố của những “tuyệt mỹ cầu”, rằng có nói những điều kỳ thú về cầu bắc qua sông phải nghĩ đến Đà Nẵng.
Thành phố của những cây cầu du lịch
Mười ba năm trước (năm 2000), cũng đúng vào ngày 29-3, Đà Nẵng đã khánh thành cầu Sông Hàn. Với chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, có hai nhịp dây văng dài 122,7 mét, về quy mô cầu sông Hàn không thể so với cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, cầu treo dây văng lớn nhất Đông Nam Á tính đến năm 2000 – được khánh thành sau đó hai tháng. Thế nhưng, người Đà Nẵng lúc đó vẫn đưa ra được những lý do để tự hào: cầu Sông Hàn là cây cầu do nhân dân Đà Nẵng góp tiền xây, cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công, và là cây cầu quay-đang-quay duy nhất hiện nay ở Việt Nam.
Theo ông Bùi Văn Tiếng – một trong những người nghiên cứu lịch sử Đà Nẵng – sở dĩ nói cầu quay-đang-quay là vì có không ít cầu quay đã từ lâu không còn quay nữa và khi mà công nghệ làm cầu phát triển vượt bậc như hiện nay cùng với nguồn vốn đầu tư đúng mức, thường người ta cũng không chọn phương án thiết kế cầu quay. Tuy nhiên, cái hấp dẫn của cầu Sông Hàn lại nằm ngay ở nhược điểm “lạc hậu” này: rất nhiều du khách thập phương đến Đà Nẵng thức đến nửa đêm để xem một cây cầu quay quay như thế nào. Cầu sông Hàn trở thành một trong những biểu tượng của Đà Nẵng. Từ sự thu hút du khách của cầu Sông Hàn, trong chiến lược xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, những chiếc cầu độc đáo, ấn tượng nhất đã được nghĩ đến vừa ở góc độ tạo hệ thống giao thông thuận lợi, vừa làm sao có thiết kế độc đáo tạo nên hình ảnh đặc trưng của Đà Nẵng có lực hút mạnh mẽ du khách.
Cầu Tiên Sơn (cũng có người gọi là Tuyên Sơn) bắc qua sông Hàn khánh thành vào tháng 2-2004, dài và rộng hơn cầu sông Hàn nhưng chỉ là một trong những chiếc cầu quan trọng của hệ thống đường bộ xuyên Á thuộc tuyến hành lang Đông – Tây của khu vực Đông Nam Á, không mang lại ấn tượng về thiết kế. Đến tháng 7-2009, cầu Thuận Phước được khánh thành có tổng chiều dài 1.850 mét (hơn cầu Mỹ Thuận 300 mét), trở thành sự kiện lớn ở Đà Nẵng.
Một sự háo hức chờ đợi khác của người dân Đà Nẵng khi ngay trong ngày khánh thành cầu Thuận Phước thì Đà Nẵng đã khởi công cầu Rồng. Khi ấy người dân chưa biết cầu lớn bao nhiêu, nhưng cũng đã hình dung không bao lâu nữa sẽ có một con rồng thép bay trên sông Hàn, còn lãnh đạo địa phương tuyên bố “Đà Nẵng sẽ là thành phố của những tuyệt tác cầu giao thông thu hút khách du lịch”.
Quả vậy, tháng 4-2010, cầu Trần Thị Lý bắt đầu được xây dựng. Cầu khi hoàn thành sẽ có trụ tháp chính giữa cầu cao 145 mét, hình chữ V, nghiêng 12 độ về phía tây.
Qua 13 năm kể từ khi có cầu quay Sông Hàn, đúng ngày 29-3, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý – hai tuyệt tác cầu mới nhất trên sông Hàn – đã đón những dòng xe và khách bộ hành đầu tiên. Người người đổ nhau đi ngắm nhìn rồng – phượng, xem rồng phun nước, phun lửa. Người ta lại bàn luận đủ chuyện quanh hai cầu mới này, nhưng cuối cùng người dân Đà Nẵng chỉ muốn chia sẻ với bạn bè, người thân của mình khắp nơi về những kỷ lục mới xây dựng cầu của Đà Nẵng.
Như vậy là trên sông Hàn giờ đây đã có sáu chiếc cầu.
Thành phố sự kiện đến thời thu hoạch
Đã có những di sản lịch sử, văn hóa, được thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, nhiều bãi biển đẹp, ẩm thực cũng không thiếu món ngon, nay thêm hình ảnh những chiếc cầu độc đáo càng làm cho du lịch nơi này ấn tượng hơn. Từng ấy xem chừng chưa đủ, Đà Nẵng tiếp tục chiến lược xây dựng thương hiệu “thành phố sự kiện”. Cuộc thi pháo hoa quốc tế đã trở thành sản phẩm du lịch riêng của Đà Nẵng thu hút ngày càng đông khách trong nước và quốc tế. Năm nay, thành phố tổ chức thêm trại điêu khắc đá và cuộc đua marathon quốc tế. Sự đầu tư có chiến lược và luôn có sự kiện mới của chính quyền Đà Nẵng đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để thúc đẩy Đà Nẵng trở thành tâm điểm du lịch ở khu vực miền Trung.
Rõ nhất là cuộc đua mở thêm đường bay của các hãng hàng không. Dragon Air (hãng con của Cathay Pacific) mở đường bay từ Hongkong đến Đà Nẵng từ ngày 28-3-2013 với tần suất ba chuyến một tuần. Hongkong có nguồn khách lớn từ châu Âu, châu Á, Úc… nên đường bay này sẽ tạo cơ hội cho Đà Nẵng thu hút khách. Công ty Ánh Dương đang phối hợp với Công ty Pegas Touristik có kế hoạch tăng số chuyến bay từ Nga đến Đà Nẵng 17-18 chuyến/tháng, gấp đôi năm 2012. Các doanh nghiệp như Crown Plaza, InterContinental, Vitours đã làm việc với hãng Thai Smiles để mở đường bay Bangkok – Đà Nẵng, thu hút trực tiếp khách Thái Lan. Còn khách Trung Quốc đang đứng đầu lượng khách quốc tế của Đà Nẵng, hiện đã có sáu đường bay từ các thành phố lớn của Trung Quốc đến Đà Nẵng.
Đà Nẵng cũng đã có tín hiệu tốt thu hút khách tàu biển. Năm rồi, Đà Nẵng đón 56 chuyến tàu với 53.620 lượt khách, tăng 95% so với năm 2011, năm nay, đã biết chắc có 66 chuyến tàu với tổng lượng khách trên 64.000.
Đối với khách du lịch trong nước, các công ty lữ hành cũng dự báo Đà Nẵng năm nay sẽ bứt phá và quan trọng là khách lưu trú tại Đà Nẵng sẽ tăng bởi họ sẽ được tận hưởng những đêm thú vị dọc sông Hàn sáng đèn trên những cây cầu. Tháng Tư này, tour trong nước rộn rịp nhất là cụm Đà Nẵng – Hội An – Huế – Quảng Bình cũng từ thông tin về những cây cầu độc đáo mới xuất hiện ở Đà Nẵng và một cuộc thi pháo hoa hứa hẹn sẽ đẹp nhất trên sông Hàn từ trước đến giờ.