Ao anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
(Ca dao)
Chủ Nhật rảnh rổi, chị ngồi soạn lại tủ quần áo của cả nhà. Mới nhớ lâu lắm rồi chị chưa động tới mấy cái tủ này. Trong cái tủ đứng lớn là quần áo của hai vợ chồng. Cái tủ là món đồ cả hai anh chị cùng nhau đi sắm ngay từ những ngày chuẩn bị đám cưới, nó cùng tuổi với cái giường sắt lớn còn nằm tênh hênh trong phòng chị đây. Cũng lâu lắm rồi, chiếc giường thênh thang chỉ còn mình chị. Chồng chị đã ra ngủ trên bộ đi văng phòng khách bởi “Anh hay ngáy, sợ phiền em”!
Chị lấy tất cả quần áo của anh trong hai ngăn tủ trên ra, xếp ngay ngắn lại, sắp theo từng loại: Những chiếc quần còn mới, mấy cái áo sơ mi anh thường mặc đi làm chưa ủi, quần lót, áo thun, pyjama mặc trong nhà… Kiểm tra lại mới thấy có mấy cái áo mới chong nhưng đứt nút hoặc tuột đường chỉ nên anh xếp xó đó, không mặc nữa. Ừ mà mình tệ thiệt! Vợ gì mà áo chồng đứt nút sứt chỉ cũng không đơm lại được, bởi có biết đâu mà khâu lại.
Từ hồi nhà có máy giặt đúng là chị được giải phóng khỏi công việc nhà rất nhiều, nhưng sao vẫn không thấy rảnh rổi chút nào, cứ chạy theo công việc ở trường, rồi chuyện học hành của mấy đứa nhỏ… Trước đây giặt đồ bằng tay, chị phát hiện ngay chiếc áo nào sứt chỉ ở nách, ở vai , áo nào đứt nút, quần nào hư dây kéo và chị có thể tranh thủ những phút nghỉ ngơi để sửa cho chồng cho con. Giờ thì…
- Xem thêm: Căn phòng có tiếng dế
Chị cẩn thận lựa mấy cái áo sứt đường chỉ hoặc đứt nút để riêng một bên rồi xếp đồ vào tủ thật ngăn nắp. Cái tủ nhiều ngăn của hai đứa con ở phòng bên cũng xô bồ áo sống, nhất là ngăn tủ của bé Thi, đứa con gái lớn. Quen miệng kêu bé chứ nó còn bé bỏng gì, tốt nghiệp đại học năm trước đã vào công ty làm việc rồi.
Thằng Huy em nó cũng chẳng mấy chốc ra trường, cao to dình dàng hơn cả ba nó. Vậy mà đứa nào đứa nấy cứ tâm hơ tâm hất, không để mắt tới là mọi thứ cứ “lộn tùng Phèo”. Bảo sao chị có thể thong dong, thoải mái cho được!
Đem mấy cái áo ra phòng ngoài, chị ngồi khâu lại mấy đường chỉ sứt, kết lại mấy cái nút áo. Chị chậm rãi may từng mủi, từng mủi chỉ bởi cái máy may cũ của chị đã cho đứa cháu học may từ lâu. Nhà yên ắng lạ. Hai đứa nhỏ chắc đã đi chơi với bạn như mọi khi.
Còn chồng chị, dĩ nhiên là cũng ta bà đâu đó, có thể từ quán cà phê sáng kéo đến quán nhậu quen nào rồi nếu có độ. Mà độ nhậu thì có bao giờ thiếu với kẻ thích nhậu đâu. Lâu nay chị cũng “thích nghi” với những cơn say triền miên của anh rồi, đến độ chai lì không cảm giác gì nữa. Vả lại chị cũng chẳng có thì giờ để quay quắt, vật vả như thời gian đầu.
Sự buông thùa của ông chồng bất đắc chí làm cho gánh nặng oằn vai , việc học hành của con cái, cuộc sống mỗi ngày của gia đình dường như đã tước bỏ cái quyền được rên rỉ, thở than của người đàn bà trong chị.
Như lúc này đây, ngồi một mình trong căn nhà tĩnh lặng tột cùng, chị lại thấy dễ chịu, lại cảm nhận một chút man mác bâng khuâng … Từng mũi may, từng đường chỉ hiện ra dưới đôi tay đã lóng cóng, vụng về lâu lắm không cầm đến cây kim sao cứ gợn lên trong lòng nhiều điều tưởng đã quên lãng từ lâu. Nghe như có tiếng nói ấm áp bên tai:
– Em ơi, tối nay ủi dùm anh cái áo nghe, mai anh đi họp.
– Em ơi, soạn quần áo bé Huy đủ chưa , thiếu đồ vào nhà trẻ cô la đó!
– Em ơi, thắt cravate cho anh đi, đến giờ đi đám cưới rồi ..
Và nghe như có tiếng cười khúc khích hay giòn tan đâu đó trong ngôi nhà, tiếng cười giờ đã lặn sâu vào từng mảng vách tường, thi thoảng chỉ còn vọng lại chút âm hưởng của tiếng thở dài rất nhẹ, rất nhẹ … như một cơn gió thoảng qua .
Một mũi kim chợt đâm vào đầu ngón tay, đau nhói , đau đến nỗi nước mắt ứa ra. Sợi chỉ đâm xuống vải một mũi chỉ xéo xẹo, đường may ngoằn ngoèo. Chị vẫn mím môi, tiếp tục may, tiếp tục kết chặt đường chỉ sứt trên vai áo dù biết chiếc áo chị công kỹ vá lại hôm nay có thể bị xếp xó mãi mãi trong tủ áo của chồng.
Ừ, những chiếc áo sứt đường chỉ, những chiếc áo đứt nút đều có thể may lại, kết lại mấy hồi, có khó khăn gì đâu. Giá mà những sứt mẻ của cuộc sống vợ chồng cũng vá lại được! Giá mà những tao chỉ kết thành kỉ niệm, thành hạnh phúc một thời xuân sắc cũng kết dính lại được như từng chiếc nút áo kia! Giá mà…
Sáng thứ hai vào trường dự lễ chào cờ đầu tuần. Hiệu trưởng giới thiệu các giáo sinh đại học về thực tập hai tháng tại trường. Năm nào cũng vậy, mỗi lần đón các thầy cô giáo tương lai trên sân trường này, chị lại có một thoáng bâng khuâng, tiếc nhớ . “Mỗi năm mỗi tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi” mà.
Nhìn lớp trẻ vụng dại, phơi phới, thấy mình đúng là đã già. Có phải “Đời đã vàng” rồi chăng? Nhưng trong môi trường sư phạm này, mấy thầy cô già thường nói đùa “Tre già thì măng mọc thôi. Già chưa phải là tàn đâu!”.
Mỗi lần nghe, chị cũng cười hùa theo.Ừ, thì “gừng càng già càng cay”, tự an ủi mình đó mà. Phải tin vào lớp trẻ kế thừa chứ! Nhưng có tin được không đây? Bỗng dưng chị nhớ khuôn mặt băn khoăn rối rắm của cô đồng nghiệp trẻ cũng dạy trường này hôm rồi:
– Tại sao hở cô? Tại sao vậy?
Tội nghiệp cô đồng nghiệp trẻ! Cô đã giảng dạy hết mình, đã là giáo viên giỏi, đóng góp nhiều thành tích và đầy nhiệt huyết trong sự phấn đấu vươn lên, nhưng vừa rồi khi qui hoạch từ trên đưa xuống, tên cô đã lọt khỏi danh sách, thay vào đó là một cái tên khác, một cô giáo khác từng bị phê là yếu về chuyên môn. Hoá ra vẫn còn những người trẻ tuổi không đi bằng đôi chân của mình !
Hiểu là hiểu vậy nhưng chị, vừa là đồng nghiệp, vừa là cô giáo cũ của cô gái, chị biết giải thích sao đây? Hay nói một cách gượng gạo rằng:
– Em đừng buồn. Chắc tại cô ấy yếu chuyên môn nên đựơc ưu tiên cho đi học thạc sĩ trước đó mà! Rồi cũng luân phiên đến lượt em thôi!
Ôi, niềm tin bị sứt chỉ, làm sao khâu lại đây?
- Xem thêm: Bến xưa nhà cũ
Suốt buổi chiều, chị mệt phờ vì theo chân cô bạn đi khắp nơi. Lâu lâu về nước một lần, cô bạn cũ cứ hay kéo chị đi như vậy.
– Xa quê, nhớ đủ thứ hết, mi không hiểu được đâu!
Lần này chẳng hiểu sao cô bạn lại kéo chị vào chùa. Năm sáu kiểng chùa, nơi nào cô nàng cũng thắp nhang khấn vái rất thành kính và không quên bỏ tiền vào thùng “Cúng dường Tam Bảo”.
– Bộ bên kia làm gì tội lỗi lắm sao mà…?
– Bậy nè, cúng chùa cho được phước không được sao? Mà mi thấy không, đằng chùa B.T lúc nãy, mấy đứa nhỏ côi cút thật tội nghiệp, thật dễ thương phải không? Còn bên nhà an dưỡng nữa, mấy ông cụ áo quần mòn rách hết trơn. Phải có Mạnh Thường Quân giúp những người cơ nhỡ đó chứ.
Nhìn cô bạn vẫn xông xáo, vẫn năng động chẳng khác gì cô gái trẻ ba mươi mấy năm trước. Quả tình, lâu lắm chị mới vừa mệt, vừa vui như vậy. Vui như cô bé chạy vèo vèo vòng quanh sân trường để về đến mức, thở hào hển trong vòng tay bạn bè.
Bao nhiêu năm, từ khi hai đứa con trưởng thành không cần sự chăm bẳm của mẹ nữa, từ khi chồng chị nghỉ hưu non vì công ty giải thể rồi sa đà vào rượu chè chị đã quen đi về lủi thủi một mình, lấy công việc làm vui, cố vùi nén những cảm xúc trong lòng. Vậy mà đi cùng cô bạn cũ, những cảnh tượng nghe thấy khiến chị không ngăn được xúc động, bàng hoàng.
Hóa ra, nếu không có cô bạn cũ thì ngoài năm mươi tuổi, chị vẫn như nàng công chúa ngủ trong rừng, khu rừng tối tăm, tơ nhện giăng bít lối nhốt chị vào trong tâm cảnh của chính mình, thoả mãn với chút kiêu ngạo của kẻ “Đạt đạo” bình tĩnh, ung dung trong cuộc đời!
Tiễn cô bạn cũ ra xe lên thành phố để kịp bay tối nay, chị trở lại nhà, nghe trống vắng lạ lùng. Mấy hôm tất bật với cô bạn vậy mà vui. Nghĩ đến tối nay bạn mình cũng ngồi một mình trên máy bay, rời quê hương về nơi xa tắp mà rưng rưng. Chắc bạn buồn còn hơn mình. Chỉ mong những thoả thuê vui nhộn trong mấy ngày ngắn ngủi đầy ý nghĩa vừa qua đủ để bạn khuây khoả cho đến lần trở về sau như lời cô gởi lại lúc bước lên xe:
– Mi đừng lo! Mọi thứ ta đã bỏ vào quỹ tiết kiệm trong trái tim rồi, sao ta phải buồn. Nhớ đợi nghe nhỏ, giữ gìn sức khoẻ đó, sẽ mau gặp lại mà!
Ừ, đúng là quỹ tiết kiệm của nó nằm trong trái tim thật. Nghe vừa buồn cười lại vừa muốn khóc òa. Mình “lây” tính đa cảm của nó rồi sao?
Hôm nay lại là một buổi sáng chủ nhựt. Nhà chị vắng tanh như thường lệ. Phòng khách lặng như tờ, chỉ khác ngày thường là được thu dọn sạch sẽ hơn. Chị mỉm cười: Suýt nữa mình quên, hôm qua là sinh nhật mình mà!
- Xem thêm: Gốc mận trước sân
Trên chiếc bàn nhỏ trong phòng khách, cành hoa hồng vàng cắm trong bình hoa dường như cũng mỉm cười cùng chị. Chẳng biết thằng con trai mình năm nay bắt chước ai mà cũng tặng hoa cho mẹ:
– Con biết mẹ thích nhất bông hồng vàng, phải không mẹ?
Ừ, mà sao lúc đó mình chỉ nói một câu cảm ơn nhạt nhẽo thôi, mình phải hỏi han nó đôi điều chứ. Chẳng hạn “con đã tặng hoa cho bạn nào chưa ?”, còn con gái nữa, ngày sinh nhật vừa rồi nó nhận hoa của ai? Trong mấy bó hoa nó ôm về, bó hoa nào sẽ được nó cắm vào bình trên bàn làm việc?…
Chị lắc đầu, đem mớ quần áo vừa soạn trong phòng ra, cặm cụi kết từng nút áo, may lại từng đường chỉ sứt rồi đưa lên ngắm nghía từng cái từng cái thật cẩn thận, ánh mắt dịu dàng, trìu mến thoáng chút nghĩ ngợi.
Chị biết mình đang hướng tới nơi nào, bởi những bộ quần áo trong tay chị hôm nay sẽ không còn bị xếp xó trong tủ. Ở đâu đó, trong thành phố này, chúng sẽ được đón nhận bằng nụ cười vui, bằng ánh mắt ấm áp… Bởi tình người làm sao “sứt chỉ” cho được phải không? ở đâu đó, chị đã thấy và hiểu ra như thế!
Chị ngồi đó, trong ngôi nhà im vắng, giữa buổi sáng ngày chủ nhựt, miệt mài may may, vá vá, kết lại từng chỗ tuột đường chỉ, từng chiếc nút đứt, đôi tay nhẹ nhàng thoăn thoắt. Chồng quần áo trước mặt chị càng lúc càng cao dần.
Trên chiếc bàn nhỏ, trong bình hoa, bông hồng duy nhất vẫn nhìn chị, lặng lẽ, rực vàng …