Tập đoàn Công nghệ Trung Quốc vừa chính thức khai mào một mặt trận mới trong cuộc chiến với Chính phủ Mỹ khi đệ đơn kiện lệnh cấm cơ quan liên bang sử dụng sản phẩm Huawei ban hành từ tháng 8/2018.
Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia pháp lý cho biết khả năng thua kiện của “Gã khổng lồ” Trung Quốc là rất cao vì tòa án Mỹ có xu hướng tránh ra phán quyết các hành động của Quốc hội liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm điều khoản trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) ban hành cấm sản phẩm Huawei.
Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng ngay cả khi biết cơ hội thắng rất mong manh, Huawei vẫn kiên quyết khởi kiện với hy vọng “giành điểm từ công chúng”, cứu vớt hình ảnh trước dư luận.
Huawei là gì và tại sao lại đối đầu với Chính phủ Mỹ?
Công ty Huawei có trụ sở chính tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Đây là một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới, đang cạnh tranh với các ông lớn công nghệ như Apple Inc hay Samsung Electronics Co trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động thông minh.
Theo các cáo buộc từ phía Mỹ, công ty và người sáng lập Nhậm Chính Phi bị nghi ngờ có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan tình báo và quân sự của Trung Quốc, cũng như các sản phẩm được thiết kế phục vụ cho mục đích gián điệp.
Washington cũng tố cáo Huawei đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Giám đốc Tài chính Huawei bà Mạnh Vãn Chu, con gái của ông Nhậm Chính Phi, đã bị bắt giữ tại Canada vào hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ.
Phản ứng trước các cáo buộc, Huawei nhiều lần lên tiếng bác bỏ. Công ty này cho rằng hành động của phía Mỹ xuất phát từ động cơ chính trị, xuất hiện trùng thời điểm chính quyền Tổng thống Trump thực hiện đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Những yêu cầu của Mỹ bao gồm việc Trung Quốc phải thay đổi luật và quy chế để bảo vệ tài sản trí tuệ và chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại quốc gia châu Á.
Huawei dùng lập luận gì kiện Chính phủ Mỹ?
Lập luận pháp lý chính mà phía Huawei đưa ra là lệnh cấm các sản phẩm của công ty này là “bill of attainder” – một lệnh cấm không thông qua xét xử. Lệnh này bị quy định cấm trong Hiến pháp Mỹ.
Đàm phán hết sức căng thẳng: Quan chức Mỹ-Trung phải làm việc xuyên ngày đêm, “ôm bụng đói” qua bữa
Một trong những vụ kiện nổi tiếng thế giới liên quan đến lệnh cấm không thông qua xét xử là vụ kiện năm 1946. Năm đó, một Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ quyết định không trả lương cho 3 nhân viên chính phủ với cáo buộc họ hỗ trợ “hoạt động lật đổ”.
Gần đây hơn, một tòa án liên bang cũng xác nhận một đạo luật của bang North Carolina hạn chế gây quỹ cho tổ chức sức khỏe phụ nữ Planned Parenthood là một lệnh cấm không thông qua xét xử.
Huawei cũng cho rằng Quốc hội Mỹ vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực khi thực thi quyền hạn thuộc về hệ thống tư pháp. Huawei cho rằng Quốc hội Mỹ thay mặt hệ thống tư pháp nước này kết tội công ty.
Cơ hội chiến thắng của Huawei?
Phần lớn chuyên gia pháp lý Mỹ đều nhận định là Huawei không có cơ hội chiến thắng. Huawei rất có thể yêu cầu tòa án quyết định xem có cơ sở pháp lý liên quan đến lệnh cấm mà Quốc hội ban hành hay không.
Tuy nhiên, nhìn chung, tòa án Mỹ thường khá ngần ngại khi ra phán quyết về các hành động của Quốc hội liên quan đến an ninh quốc gia. Một vài chuyên gia chỉ ra phán quyết của một tòa án liên bang hồi tháng 11/2018 đối với vụ kiện của công ty an ninh mạng Nga Kaspersky Lab. Kết cục, đơn kiện cho rằng lệnh cấm phần mềm chống virus của công ty là một “bill of attainder” đã bị xử thua.
Trong khi đó, một số chuyên gia pháp lý cho biết từng có vụ kiện giành chiến thắng cho một công ty năng lượng gió của Trung Quốc có thể đem đến cho Huawei một tia hy vọng mong manh.
Công ty Ralls Corp khởi kiện sau khi chính quyền cựu Tổng thống Obama năm 2012 ngăn chặn công ty này xây dựng tuabin gió gần một địa điểm quân sự ở bang Oregon vì lý do an ninh. Một tòa án liên bang ra phán quyết Chính phủ Mỹ vi phạm quyền tham gia tố tụng đúng luật (due process) của Ralls, do không cho công ty cơ hội bác bỏ các bằng chứng mà Chính phủ dựa vào để đưa ra quyết định. Vụ việc đã được hòa giải vào năm 2015 trong một cuộc dàn xếp bí mật. Sau đó công ty Ralls đã bán các trang trại gió.
Tại sao Huawei biết không thể thắng mà vẫn kiện?
Huawei có thể cho rằng những lợi ích tiềm năng về mặt dư luận là động cơ khiến Huawei tham gia cuộc chiến pháp lý, bất kể kết quả như thế nào. Trong hai tháng qua, công ty này đã mở một chiến dịch quảng bá hình ảnh nhằm lấy lại thiện cảm công chúng.
Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử, phía Huawei sẽ được phép yêu cầu Chính phủ Mỹ công khai các tài liệu “bằng chứng” và lời khai của các quan chức. Những tài liệu này có thể cung cấp bằng chứng cho quan điểm động cơ của Washington được thúc đẩy bởi chính trị nhiều hơn bất kỳ mối quan tâm an ninh quốc gia thực sự nào.