Tôi là một kẻ lười biếng, lại làm cái nghề mà ông Tổ là cụ Lãn Ông ở làng Hải Thượng, một người lười có tiếng – có tiếng đến nỗi một nữ sĩ bên Tây, bà Yveline Féray tìm hiểu cuộc đời ông rồi viết thành một cuốn tiểu thuyết có tên là “Monsieur le Paresseux”, Ông Lười – thế mà rồi bỗng nhiên tôi trở thành một người… bận rộn! Chẳng qua là cái số.
Số là ông bạn tôi, nhà báo Trần Trọng Thức, một hôm gõ cửa nói: “Nghe ông sắp về hưu. Có chuyện vui phù hợp với ông đây, tham gia không?”. Gì thế? Làm báo. Về hưu, rỗi rảnh, viết cái gì đó cho báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đi.
Nghe doanh nhân, tôi đã hoảng vì sợ cái sự bận rộn của họ. Biết ý, ông cười, đây là doanh nhân cuối tuần, không phải chuyện làm ăn đâu, mà dành cho những nhà doanh nghiệp suốt cả tuần lễ bận rộn, chỉ có ngày cuối tuần rỗi rảnh đôi chút, rất cần có một tờ báo phù hợp đọc cho vui! Thế là tôi bị dụ.
Ông bạn bảo tôi viết cái gì cũng được, miễn là cà kê dê ngỗng, có hơi hướm một chút sức khỏe… là được! Tôi bèn tra tự điển: cà kê, có nghĩa là dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác, còn dê ngỗng thì ai cũng biết rồi, nhất là dê đực và ngỗng đực! Thôi thì, nói như Bùi Giáng: Chơi thôi mà! Tôi gật.
- Xem thêm: Thư gởi người bận rộn
Tôi nhớ André Maurois, người mà tôi rất mến mộ, đã từng viết Lettres à l’inconnue (Thư gởi người đàn bà không quen biết, bản dịch Nguyễn Hiến Lê) bằng cách tưởng tượng ra một người phụ nữ xinh đẹp, tuổi chưa tới bốn mươi, nhan sắc dễ coi nhưng thông minh và nhạy cảm… để ông viết mỗi tuần một bức thư gởi cho người trong… mộng, trao đổi về mọi thứ chuyện trên đời. Tôi thử bắt chước tạo ra cái mục “Thư gởi người bận rộn”, lấy ý từ chữ business là “bận rộn” xem sao!
Tôi tưởng tượng người bận rộn của tôi hẳn phải là một người đàn ông trung niên, không đẹp trai, hơi hách xì xằng, luôn vội vã, cau có, bụng bự, xách cặp da, phì phà thuốc lá, lên xe xuống ngựa… sáng meeting, chiều tennis, tối cocktail, dancing, hay bị đau lưng, mất ngủ, trĩ, bón kinh niên… Trật lất hết. Hóa ra, qua những bài phỏng vấn doanh nhân trên DNSGCT, tôi mới biết doanh nhân là những người trẻ không ngờ, hơi đẹp trai là khác, mắt sáng, nhanh nhẹn và thông minh.
Nhờ thường chơi thể thao, bơi lội nên bụng nhỏ, có người thân hình đẹp không thua C.Ronaldo lúc cởi áo mừng bàn thắng vào lưới… đội Hà Lan đêm bán kết Euro, trên môi luôn có nụ cười cởi mở, thẳng thắn, dễ mến. Họ lại thong dong, thư thái, biết làm việc, biết vui chơi, biết giữ gìn sức khỏe. Có người giàu sụ mà vẫn đi cái xe gắn máy cà tàng, ngồi trên bộ bàn ghế xộc xệnh cổ xưa của thuở hàn vi.
Tôi tưởng tượng những người nữ doanh nhân hẳn là đầu tắt mặt tối, việc nhà việc nước, việc công ty, đanh đá khó ưa, hoặc diêm dúa, béo phệ, bủn xỉn keo kiệt… Lại trật lất! Hóa ra họ xinh đẹp trẻ trung, thon thả không thua người mẫu trong phim “Blouse trắng”, thông minh, trí tuệ, nụ cười khi thì tươi tắn khi thì rạng rỡ trên môi, biết chia sẻ, biết thương yêu đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn, và rất ít khi… họ phải bận rộn vì biết giao việc… bận rộn cho người khác. Nói cho cùng, đó là nghề quản lý. Chẳng qua tôi là kẻ quê mùa, chả biết trời trăng gì cả! Sau cùng thì thôi mình viết cho mình vậy. Nghĩ gì viết đó. Cà kê dê ngỗng mà!
- Xem thêm: Cắt nghĩa Tình yêu?
Nhớ hồi trước có đọc một cái truyện ngắn kể một người quá cô đơn, cả đời không ai thèm viết cho mình một bức thư, thấy bạn bè ai cũng có thư đọc mà giận. Anh ta bèn mỗi ngày tự viết cho mình một lá, đem ra bưu điện gởi về địa chỉ với tên mình đàng hoàng, rồi cũng ung dung mở thư ra đọc như mọi người, tủm tỉm cười khoái trá một mình, khiến bạn bè rất nể phục.
Tôi bắt chước anh ta mỗi tuần viết… cho mình một bức thư, lấy danh nghĩa là “Thư gởi người bận rộn”, hy vọng nhà báo sẽ phát hiện mà đuổi việc. Nhưng không. Họ cứ làm lơ. Thế rồi tôi bỗng hóa thành… người bận rộn thứ thiệt lúc nào không hay! Cứ đến thứ Tư là như có cơn sốt, nhà báo đòi bài! Điện thoại reng không dám bắt máy. Ông bạn nhà báo chơi ác, không thèm sửa lấy một chữ để mình lấy cớ nghỉ chơi. Cũng không thèm đòi hỏi viết kiểu này kiểu nọ, bắt ép đề tài này đề tài khác cho mình có cơ hội làm eo nghỉ việc. Có một vài độc giả còn khen nữa trời ạ! Họ nói một vài bức thư hơi có duyên. Cà kê dê ngỗng mà coi cũng được!
Có lần họ phản ứng chuyện tôi phân biệt “nhàn nhã” và “nhàn hùng hục”, họ nói nhàn nào cũng là nhàn thôi. Thời bây giờ mà cứ trăng thanh gió mát, sáo diều vi vu sao được! Nào chuyện đứa con của nàng Kiều, “thất kinh nàng chửa biết là làm sao”, mượn ý của nhà văn Vũ Hạnh, làm cho nhiều người giật mình về cái chuyện không nói ra mà ai cũng biết của mình.
- Xem thêm: Bò, tại sao điên?
Nào chuyện “Cắt nghĩa tình yêu”, viết thế nào mà tòa soạn “chơi” một cái hình đo đạc… tình yêu thấy mà ghê! Rồi có một nữ độc giả nói đọc bài “Khúc khích trên lưng” chị đã có thể khúc khích một mình mãi đến nỗi ông chồng bận rộn là thế mà cũng phải hỏi cười chi cười hoài, rồi ông đọc xong cũng khúc khích luôn. Một nữ độc giả khác bảo chị rất thích “Hỏi không đáp, bèn…” mà hổng dám khen, sợ bị hiểu lầm, vì đề cập tới một chuyện tế nhị của đàn ông con trai.
Riêng “Bò, tại sao điên?” bàn về chuyện ngày càng có nhiều người bị vô sinh khiến chị Nguyễn Thị Oanh phải kêu điện thoại nói bây giờ chị mới hiểu tại sao bên Ấn Độ người ta sanh đẻ quá cỡ, thì ra vì đàn ông bên đó quấn xà-rông! Riêng về Asimo, có một website ở Mỹ và một website ở Pháp đăng lại. Một độc giả, chị Nguyễn Thị Đẹp, quản thủ thư viện Cung Văn hóa lao động nói chị rất thích bài “Có một nụ cười” nói về trình diễn thời trang áo dài. Chị nói nhiều người cũng “nghĩ vậy mà không nói được”.
Tóm lại, ông bạn nhà báo bảo cứ cà kê một cái gì đó, dê ngỗng một chút cũng được, để kỷ niệm một năm… bận rộn viết thư cho người bận rộn. Bèn mà có mấy lời.
Hẹn thư sau. Thân mến.