Có khi nào bạn cảm thấy đau ở đốt sống vùng thắt lưng và đau thêm một trong hai chân khiến khi cong người rồi đứng thẳng cảm thấy khó chịu? Cùng với hiện tượng ấy, nếu thỉnh thoảng bạn có cảm giác tê dại, nổi da gà thì rất có thể bạn đã bị mắc chứng viêm thần kinh tọa. Chứng bệnh này thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 30 đến 50, song gần đây cũng đã có khá nhiều trường hợp người bệnh mới chỉ khoảng 25-30.
Theo các chuyên gia y khoa, có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm thần kinh tọa. Có thể do bị nhiễm trùng, từ cảm cúm đến ho lao, giang mai… Có thể do bị chấn thương khi làm việc, khi chơi thể thao, có khi lại do bị tiêm thuốc vào cơ ở mông không khéo.
Đây là căn bệnh mà đĩa đệm đốt sống vùng thắt lưng – bộ phận liên kết các đốt sống – bị tổn thương. Đĩa này có hình nhẫn, ở giữa là một nhân tủy hình cầu có tác dụng giảm chấn cho các đốt sống. Sự tổn thương được hiểu là đĩa đệm bị mòn, xuất hiện những vết nứt và vết đứt tạo điều kiện cho nhân tủy ứa ra (viêm). Một khi đĩa đệm bị đứt đoạn, người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn là bị bệnh thoát vị.
Cũng theo các bác sĩ nội khoa, ngoài những người làm lao động chân tay nặng nhọc, số “công nhân cổ trắng”, tức là những người thường xuyên làm việc ở văn phòng công sở và doanh nhân bị mắc bệnh viêm thần kinh tọa ngày một nhiều. Lý do là chỉ đôi khi họ mới phải tham gia những công việc khiêng vác nặng quá sức trong hoàn cảnh cố gắng làm cho được (ví dụ đẩy tủ lớn, vác vật quá nặng) và nhất là do chơi thể thao quá độ, muốn giành phần thắng nên đã dốc hết sức lực vào cuộc chơi.
Lúc mới bị viêm, nói chung ai cũng chỉ thấy hơi khó chịu, nghĩ rằng sau đôi ba ngày mọi sự sẽ đâu vào đấy, bởi lẽ đau lưng cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng, chính vì không biết, chẳng mấy ai chịu lo phòng bệnh, nhất là chơi thể thao thì khó có thể ngưng liền khi cơ thể còn khá sung mãn. Thế là đĩa đệm cứ mòn thêm, cho đến khi người ta có cảm giác như đốt xương sống bị lệch, một chân nặng dần và có dấu hiệu như muốn bị liệt. Đó là trạng thái thoát vị mà cách giải quyết tốt nhất là phẫu thuật thần kinh cấp bách. Có thuốc kháng viêm nhưng không dễ tìm và giá cũng khá cao. Để chữa bệnh triệt để, phải kết hợp cả nội khoa và vật lý trị liệu.
Vậy thì, nếu đã gặp phải những dấu hiệu mòn đĩa đệm như nói ở trên, việc đầu tiên cần quan tâm là giảm ngay cường độ lao động chân tay hoặc cường độ vận động khi chơi thể thao. Hết sức tránh tự mình đẩy, nâng vật quá nặng vì đốt sống dễ bị vặn quá mức, bệnh sẽ nặng thêm. Ngay cả việc xách túi nặng cũng không được “ráng một chút thôi mà”. Thay vì xách túi, bạn nên đeo balô.
Cũng cần chú ý rằng, bệnh viêm thần kinh tọa có thể có nguyên nhân di truyền và nếu ngay từ lúc còn “hai buổi đến trường”, nếu ai quen ngồi cong lưng, ngồi lệch xương sống thì đến tuổi trung niên càng dễ bị bệnh này. Mặt khác, không chỉ có các nguyên nhân cơ học (cơ thể chịu cường độ lao động nặng) mà còn có cả nguyên nhân sinh học (sự tiếp nhận và trao đổi chất trong cơ thể) làm cho đĩa đệm bị mòn nhanh.
Người bị viêm thần kinh tọa thường bị thiếu một số vitamin và khoáng chất vi lượng, nhất là các vitamin D, A, E, B12, F và canxi, ma-nhê, phốt pho, mangan, kẽm. Để bổ sung chúng, nên tăng cường ăn thủy sản, rau xanh, cải bắp, các loại đậu và nếu được thêm hai ly sữa bò tươi mỗi ngày.
Nếu lỡ đam mê với thể thao mà biết mình có dấu hiệu bệnh, bạn không phải ngưng ngay, nhưng cần giảm cường độ. Rất nên tập xà đơn vì loại hình thể dục này ngoài việc giúp cho cơ bắp rắn rỏi còn là cách giúp ta kéo giãn đốt sống, khác hẳn với cách nhiều người bệnh thường làm là cố gắng ngồi thẳng lưng lâu hoặc đứng sát bờ tường, vươn người, ép hai cánh tay vào tường (vì thực ra chẳng có tác dụng gì cả).