Sáng nay vừa thức dậy, dạo quanh mảnh sân nhỏ con con, một nụ hoa mai vừa tàn, mấy cánh hoa rơi lấm tấm vàng trên nền cỏ hãy còn xanh mướt sương đêm. Chợt thấy vài lá búp non vừa nhú lên bên cạnh đài hoa vừa tàn, nhịp sống mới lại nối tiếp.
Xuân miền Nam không giống Xuân, thật ra không giống mùa Xuân trong sách vở, không giống mùa Xuân ở các miền đất bốn mùa. Xuân không hồng, không nồng nàn, tươi thắm, khí hậu không ấm áp ôn hòa. Hoa không nhiều để tạo một không khí hoa Xuân rực rỡ. Nắng Xuân ở đây vàng óng đến vàng gay gắt, và loài hoa đặc trưng để người ta vui vẻ đón Xuân là hoa mai. Mai cũng vàng, vàng rực, hoa vàng và nụ xanh chen chúc trên cành, nhờ bàn tay chuẩn bị của con người nhiều tháng trước đó.
Mùa miền Nam chỉ có hai mùa. Trời miền Nam lúc nào cũng nóng ẩm, và không gian luôn mượt mà xanh mướt. Không có mùa Đông với cây trơ cành và không khí giá lạnh ẩm ướt làm tiền đề để cho mọi biểu hiện trở nên tươi thắm hơn, ngọt ngào hơn. Thiếu những sắc màu thắm thiết của chồi non lộc mới, của muôn nghìn loài hoa cùng nhau bừng nở, trong không gian rộng mở và hương trời dìu dịu xôn xao, để mọi cử chỉ lời nói cũng trở nên cẩn trọng, êm ái thân tình, văn vẻ thanh cao, để mùa Xuân trở thành một biểu tượng của sự hồi sinh.
Vậy nên, Xuân miền Nam không phải là sự đổi thay của đất trời làm cho lòng người đổi mới. Cũng như không có sự thay đổi rõ rệt giữa các thời tiết khác nhau làm giàu cho cảm xúc lãng mạn của người, vì vậy, con người miền Nam trở nên đơn giản, ấm áp, chan hòa như trời miền Nam.
Xuân ở miền Nam là do trong lòng người phát tiết ra. Có Xuân là do người ta muốn có, và sắp đặt để có nó, cho hợp lẽ vũ trụ xoay vần và văn hóa truyền thống… Vì vậy, mỗi khi năm hết Tết đến, mọi người rộn rịp chuẩn bị các thủ tục đón mừng năm mới thì bầu trời nhiều khi cũng vẫn trong veo, cao vút, đầy nắng và bụi, trong khi đó có người tự trong lòng cũng chẳng thấy gì thay đổi. Người người nói Xuân, chẳng qua cũng chỉ là quy ước mà thôi.
Nhưng người người cũng vui vẻ chuẩn bị đón Xuân, ngay cả những người tuyên bố: “Tết này ta không ăn Tết” thì vô hình trung cũng đã chấp nhận cái Tết rồi. Tức là chấp nhận một ước lệ thay đổi trong lòng, một mỹ tục phải có để đánh dấu một đoạn đường đời, một dấu phẩy cho chặng đường sự nghiệp hay một kết toán tạm thời cho công việc dở dang.
Mọi người đều muốn dừng lại một chút trên chiếu nghỉ, nhìn lại những gì được mất để rồi tiếp tục đi, mong tìm một cái gì mới mẻ, tốt đẹp hơn. Những lo toan, thủ tục để đánh dấu một chặng đường, một chút phiền phức hay một khối đa phiền dễ thương?