Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ
Nhành mai vàng bên cành đào tươi
Tết năm nay bé thêm một tuổi
Chúc ông bà sức khỏe nhiều nhiều
Chúc ba mẹ thương bé nhiều nhiều… Mừng xuân, đón tết là cơ hội để mọi thành viên trong gia đình tạm gác những lo toan bề bộn của ngày thường để chăm chút cho những buổi họp mặt của người thân, bên mâm cơm ấm cúng, gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp về một năm mới với nhiều may mắn và hạnh phúc…
Tuy nhiên về góc độ ẩm thực, đối với phụ nữ và các “chị bầu”, trong những bữa tiệc gia đình, đặc biệt vào dịp lễ, thực phẩm được bày ra trong các bữa ăn sẽ rất phong phú, nếu không có sự tiết chế hợp lý sẽ có nguy cơ dẫn đến béo phì, tăng mỡ trong máu, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp…, có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.
Một số món ăn truyền thống trong những ngày tết mà các mẹ bầu cần tiết chế:
- Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là những thực phẩm cung cấp năng lượng cao với đầy đủ các chất dinh dưỡng như: đạm, mỡ và chất bột đường. Trung bình 100g bánh chưng hoặc bánh tét tương đương với 250kcal bao gồm: 14,9g chất đạm, 74,7g đường và các chất béo có nguồn gốc từ mỡ động vật chủ yếu từ thịt heo.
Bên cạnh đó, để tăng cảm giác ngon miệng và cung cấp thêm chất xơ đi kèm với bánh chưng, bánh tét còn có dưa món, củ kiệu, được chế biến với giấm, muối và đường rất nhiều. Do vậy, mẹ bầu bị đái tháo đường, rối loạn cao huyết áp thai kỳ, thừa cân… không nên dùng quá 200g/ngày.
- Thịt nguội, giò chả
Trong quá trình chế biến các loại thực phẩm công nghệ như thịt nguội, giò chả, lạp xưởng… nhà sản xuất thường thêm muối, phụ gia thực phẩm để bảo quản và tạo độ giòn, dai cho sản phẩm. Vì vậy, đây là loại thực phẩm cung cấp chất đạm và chất béo có chứa nhiều acid béo no bão hòa, cần hạn chế vì ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe các mẹ bầu.
- Thịt kho trứng
Thịt kho trứng là món ăn truyền thống được yêu thích và không thể thiếu trong mâm cơm của gia đình người Việt trong những ngày tết. Tuy nhiên, vì thịt heo chứa nhiều mỡ động vật nên khi ăn các mẹ bầu có bệnh lý đái tháo đường, huyết áp hay gan mật hãy loại bỏ phần mỡ và da. Ngoài ra, một lòng đỏ trứng có chứa khoảng 200mg cholesterol, nếu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến bệnh tim mạch, bệnh xơ vữa động mạch.
- Các loại bánh mứt, kẹo
Sản phẩm bánh, mứt, kẹo có năng lượng cao nhưng lại nghèo vitamin, khoáng chất và chất xơ, đồng thời, lượng đường trong những sản phẩm chủ yếu là nhóm đường đơn, chỉ số đường cao, gây tăng đường huyết nên không thích hợp cho mẹ bầu có bệnh lý đái tháo đường thai kỳ.
- Các loại hạt
Các loại hạt (hạt dẻ, hạt bí đỏ, hạt hướng dương, hạt óc chó, hạt mắc-ca…) được xem là món ăn vặt gần như hoàn hảo có nhiều lợi ích cho sức khỏe của mẹ và bé.
– Cung cấp đạm có nguồn gốc từ thực vật, rất tốt cho bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường, huyết áp…
– Chứa nhiều chất béo chuỗi dài, có nguồn gốc từ thực vật, không no, còn gọi là chất béo cấu trúc, có vai trò quan trọng trong việc hình thành màng tế bào, tế bào thần kinh, sợi trục kết nối các tế bào thần kinh với nhau làm tăng dẫn truyền và xử lý thông tin.
– Hàm lượng đường trong hạt không cao nên không làm tăng đường huyết.
– Cung cấp lượng chất xơ đáng kể, làm chậm hấp thu đường, giảm cholesterol trong máu, chống táo bón, điều hòa hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột và dự phòng được bệnh mãn tính không lây cho cả mẹ và bé.
Một số hạt mẹ bầu cần bổ sung thêm vào khẩu phần hằng ngày của mình:
- Đậu phộng (lạc): chứa 240 microgram folate/100g, rất cần thiết cho phụ nữ khi mang thai. Ngoài ra, đậu phộng còn chứa 44,5g chất béo, 27,5g chất đạm, 15,5g glucid với nhiều axit amin, muối khoáng, vitamin B và nhiều hoạt chất sinh học giúp thúc đẩy sự sản sinh ra các tế bào não, nâng cao khả năng ghi nhớ và tăng cường sự phát triển tư duy, ổn định đường huyết, ngăn ngừa sỏi mật, phòng chống trầm cảm, phòng chống ung thư, tim mạch…
- Hạt bí đỏ: không chỉ tốt cho sự phát triển trí não của thai nhi mà còn tốt cho thận, dạ dày, giúp nhuận tràng, cầm máu và nó cũng giúp mẹ bầu giảm bớt nguy cơ bị trầm cảm và cảm thấy thoải mái, đầu óc tỉnh táo, minh mẫn hơn. Thành phần của hạt bí đỏ trong 100g chứa 35,1g chất đạm, 31,8g chất béo, 235g calci và chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
- Hạt hướng dương: là loại hạt có hàm lượng protein rất cao và hàm lượng vitamin E dồi dào, có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể giúp mẹ bầu an thai và giảm nguy cơ sẩy thai. Ngoài ra, trong hạt hướng dương còn có nguyên tố sắt, kẽm, kali và magie giúp mẹ bầu phòng chống chứng thiếu máu hiệu quả.
- Hạt dưa: chứa nhiều chất dinh dưỡng như lipid, vitamin B1, B2, E, PP, canxi, sắt, kẽm, phốt pho, selen… Thành phần của hạt dưa chứa 31,8g chất đạm, 39,1g chất béo, đóng vai trò quan trọng trong hệ thần kinh, tốt cho cơ bắp, huyết dịch, nội tạng và xương khớp. Hàm lượng đường trong hạt hướng dương có vai trò cấu tạo nên các tế bào và hệ thống thần kinh.
- Đậu nành (đậu tương): chứa rất nhiều linoleic, linolenic, omega 3 là những axit béo không no thiết yếu, giúp tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng, điều chỉnh huyết áp, giảm hiện tượng táo bón ở mẹ bầu. Các thành phần sắt, kẽm, folat, vitamin A, PP, B, D trong sữa đậu nành rất tốt cho sự phát triển của thai nhi, tránh hiện tượng nhẹ cân, sinh non, tránh còi xương ở bé và loãng xương ở mẹ.
- Hạt mắc-ca: có hàm lượng dinh dưỡng cao như chất béo, protein, muối khoáng, vitamin B6, canxi, sắt, phốt pho… nên rất thích hợp trở thành món ăn vặt của bà bầu.
Lưu ý:
– Hạn chế các loại hạt tẩm gia vị, phụ gia.
– Không sử dụng các hạt bị mốc, hư hỏng, dù đã được luộc hay rang vì nấm mốc sẽ sản sinh ra các chất aflatoxin – một độc tố có khả năng gây ngộ độc sớm gây ói mửa, tiêu chảy; ngộ độc muộn gây ung thư gan, ung thư ruột.
- Trái cây, rau, củ, quả
Đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho bữa ăn hằng ngày, giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo, đường…
– Vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng rất cần thiết cho mọi người, giữ vai trò quan trọng cho hoạt động sống, tăng trưởng, phát triển, nâng cao miễn dịch, cân bằng hằng định nội môi, giúp các phản ứng oxy hóa khử trong cơ thể xảy ra và là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể cho các tế bào cơ thể.
– Vai trò chất xơ: dự phòng táo bón, giữ nước làm tăng khối lượng phân phòng tiêu chảy, tăng khả năng liên kết và hấp thu các chất dinh dưỡng, nguồn cung cấp dinh dưỡng cho hệ vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Ngoài ra chất xơ có vai trò quan trọng kiểm soát tốt cân nặng, đường, mỡ trong máu, dự phòng các bệnh mãn tính không lây.
Đối với mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ, nên sử dụng những loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp như: bưởi, thanh long, quýt, dưa gang, trái bơ, dâu tây…, hạn chế ăn những trái cây ngọt có hàm lượng đường cao như xoài chín, dưa hấu, chuối chín, mít chín, na (mãng cầu ta)…
Khi ăn trái cây, rau củ nên ăn thô. Không xay sinh tố, ép lấy nước hoặc các loại nước ép đóng hộp vì chứa rất nhiều đường, không thích hợp cho các mẹ bầu bị đái tháo đường, béo phì…
Với những kiến thức dinh dưỡng bổ ích về thực phẩm nhân dịp tết đến, khoa Dinh dưỡng – Tiết chế mong muốn được chia sẻ đến quý bệnh nhân, thân nhân và quý đồng nghiệp về ý nghĩa thực tiễn slogan Ruột khỏe – Não trẻ của khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Từ Dũ, giúp mọi người, đặc biệt là các mẹ bầu được yên tâm vui xuân bên cạnh người thân và bạn bè.