Con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào ngày 20-7-1969 khi tàu vũ trụ Apollo 11 đáp xuống mặt trăng, và hai phi hành gia Hoa Kỳ Neil Armstrong và Buzz Aldrin là những người đầu tiên có mặt trên vệ tinh này của trái đất. Ba năm sau, ngày 11-12-1972, tàu Apollo 17 mang theo ba phi hành gia Eugene Cernan, Ronald Evans và Harrison Schmitt – những người cuối cùng đặt chân lên tinh cầu này cho đến thời điểm hiện nay.
Tại sao trong 50 năm qua con người không quay trở lại mặt trăng? Nhiều người theo thuyết âm mưu cho rằng, có rất nhiều bằng chứng cho thấy có sự tồn tại căn cứ ngoài hành tinh trên mặt trăng. Thực ra, việc đưa người lên mặt trăng và cuộc chạy đua quân sự giữa Liên Xô (cũ) và Mỹ quá tốn kém để có thể kéo dài các chương trình chinh phục mặt trăng. Chẳng hạn, đến năm 1966, khi cuộc chạy đua quân sự Mỹ – Liên Xô đạt đỉnh điểm, ngân sách của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chiếm đến 4,5% toàn bộ ngân sách liên bang Hoa Kỳ và con số này vào khoảng 182 tỉ USD theo thời giá hiện nay. Vì vậy, ngay khi Chiến tranh lạnh kết thúc, mọi dự án liên quan đến mặt trăng của Mỹ cũng chấm dứt.
Kế hoạch trở lại mặt trăng của Mỹ bắt nguồn từ quyết định của Tổng thống Donald Trump khi ông đặt bút ký “Chỉ thị chính sách không gian 1” vào ngày 11-12-2017 cũng là ngày kỷ niệm 45 năm sứ mệnh chinh phục mặt trăng của tàu Apollo 17. “Lần này chúng ta không chỉ cắm cờ và để lại vết chân của chúng ta. Chúng ta sẽ xây dựng trên đó các căn cứ cho chương trình chinh phục sao Hỏa và có thể một ngày nào đó sẽ chinh phục các hành tinh xa hơn”, Tổng thống Trump đưa ra mục tiêu cho NASA. Phó tổng thống Mike Pence giải thích rõ hơn về kế hoạch này là nhằm xây dựng trên mặt trăng một “căn cứ quân sự di động” theo chu kỳ quay của vệ tinh này để có thể gia tăng khả năng phòng thủ và tấn công của Mỹ trong cuộc chiến tranh không gian có thể xảy ra.
Ngoài Mỹ, vào cuối năm 2018 có nhiều quốc gia khác cũng đã lên kế hoạch chinh phục mặt trăng. Tham vọng lớn nhất là Trung Quốc với tàu đổ bộ Hằng Nga 3, cho thấy những dấu hiệu mạnh mẽ rằng quốc gia này sẽ đưa người lên mặt trăng vào năm 2030. Trung Quốc vừa phóng thành công tên lửa mang theo tàu thăm dò lên vùng tối của mặt trăng, nơi không bao giờ đối diện với bề mặt trái đất. Sứ mệnh thám hiểm mặt trăng của tàu Hằng Nga 3 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc.
Đó là sự khẳng định thanh thế quốc gia, công cuộc chinh phục các đỉnh cao công nghệ và mục tiêu khai thác các nguồn tài nguyên mới. Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) cũng chuẩn bị nhiệm vụ lần thứ hai lên mặt trăng trong năm 2019. Trong khi đó, Công ty Ispace ở Nhật cũng dự định sẽ triển khai một dịch vụ vận chuyển lên mặt trăng vào năm 2020. Hiện Ispace đang nghiên cứu thêm các mẫu xe thám hiểm có khả năng tăng quãng đường di chuyển và mang theo lượng hàng hóa lớn.
Trong khi đó, NASA có kế hoạch trở lại mặt trăng vào những năm 2020 với nhiều động lực đến từ các khoản đầu tư tư nhân. Cơ quan này vừa chọn chín công ty vũ trụ để sẽ cạnh tranh giành nhiều hợp đồng phát triển công nghệ bay lên không gian và khám phá mặt trăng. Đó là Lockheed Martin, Astrobotic, Firefly Aerospace, Masten Space Systems, Moon Express, Draper, Intuitive Machines, Deep Space Systems và Orbit Beyond. Trong đó, SpaceX, công ty tên lửa do tỉ phú Elon Musk thành lập đang thống trị ngành kinh doanh tên lửa vũ trụ. Những công ty như Astrobotics và Moon Express cũng đang cạnh tranh các khoản tài trợ để cải thiện công nghệ hạ cánh trên mặt trăng.
Trong bài phát biểu vào buổi bình minh của chương trình Apollo, cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói rằng “nước Mỹ đã vượt qua những thử thách như đi đến mặt trăng không phải vì những thử thách này dễ vượt qua, mà trái lại, vô cùng khó khăn”. Ngày nay, ngành công nghiệp vũ trụ đã phát triển rất nhanh; mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi động lực để tới mặt trăng không chỉ là cuộc chạy đua vũ trang hao người tốn của, mà là cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận.