Diễn biến thị trường chứng khoán trong quý IV-2018 có phần cân bằng hơn, sau quá trình giảm mạnh trong quý II và nửa đầu quý III, giúp hoạt động kinh doanh của khối công ty chứng khoán (CTCK) dần hồi phục. Thời điểm hiện tại, một số CTCK đã bắt đầu có ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2018, trong đó một số công ty cho biết sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.
Cụ thể, theo CTCK Bảo Việt (BVSC), lợi nhuận sau thuế năm 2018 ước đạt xấp xỉ 130 tỉ đồng, vượt khoảng 5% kế hoạch. Trong đó, các mảng môi giới, tự doanh, kinh doanh vốn… đóng góp tỷ trọng tương đối đồng đều trong cơ cấu doanh thu. Trong quý III-2018, BVSC đã thăng hạng thị phần môi giới từ vị trí thứ 10 trong quý trước đó lên vị trí thứ 7, với thị phần 3,47%. Hay theo chia sẻ của CTCK Vietcombank (VCBS) thì về cơ bản, công ty này sẽ hoàn thành vượt mức so với kế hoạch doanh thu 604 tỉ đồng và lợi nhuận 200 tỉ đồng.
Còn thông tin từ CTCK MB (MBS) cho biết: năm 2018, mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đã hoàn thành nhiều giao dịch có doanh thu và lợi nhuận cao đáng kể so với năm 2017, trong khi mảng môi giới dịch vụ chứng khoán cũng ghi nhận tăng trưởng, giúp MBS thực hiện vượt xa kế hoạch lợi nhuận trước thuế 160 tỉ đồng (riêng chín tháng đầu năm đạt hơn 202 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, 177 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế).
Bên cạnh một số công ty nhiều khả năng sẽ vẫn cán đích lợi nhuận kế hoạch bất chấp những khó khăn của thị trường thì một số công ty khác lại gặp nhiều thách thức hơn do đặt mục tiêu kế hoạch ở mức quá cao. Theo thông tin từ CTCK TP.HCM (HSC), nhiều khả năng công ty này chỉ hoàn thành từ 80 – 90% kế hoạch lợi nhuận năm 2018. Tính đến hết tháng 9, HSC đạt doanh thu 1.950 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 603 tỉ đồng, bằng 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm, tăng trưởng hơn 60% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu mảng môi giới tăng trưởng hơn 80%, hoạt động cho vay ký quỹ (margin) cũng ghi nhận kết quả tốt. Thực tế, khi xây dựng kế hoạch năm 2018, HSC đặt mục tiêu tăng trưởng 30% so với năm 2017 nên nếu không hoàn thành mục tiêu, HSC vẫn sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng so với năm ngoái.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với CTCK VNDIRECT (VND). VND nhiều khả năng chỉ hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận (680 tỉ đồng), tương đương mức lợi nhuận gần 480 tỉ đồng. Trong đó, chín tháng đầu năm 2018, VND đạt 1.197 tỉ đồng doanh thu và 330 tỉ đồng lợi nhuận ròng, bằng 48,5% kế hoạch năm. Trên bảng cân đối kế toán, tổng nguồn vốn của VND thời điểm cuối quý III tăng 34% so với thời điểm đầu năm, lên 10.816 tỉ đồng.
Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng 576 tỉ đồng, lên gần 3.092 tỉ đồng, chủ yếu đến từ đợt chào bán thành công hơn 50 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Về nợ phải trả, khoản mục này trong kỳ tăng 39% so với đầu năm, lên 7.724 tỉ đồng, chủ yếu do phát hành 700 tỉ đồng trái phiếu ngắn hạn, 253 tỉ đồng trái phiếu dài hạn và vay ngắn hạn thêm 1.622 tỉ đồng.
Đáng chú ý, nợ ngắn hạn chiếm 92% nợ phải trả và 66% tổng tài sản của công ty. Hai khoản mục lớn nhất trong tổng tài sản của VND thời điểm cuối quý III là các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, đạt 4.972 tỉ đồng và các khoản cho vay, đạt 3.384 tỉ đồng. Cũng giống với trường hợp HSC, VND chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh một phần do đặt kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2018, đề ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế 680 tỉ đồng, tăng 44% so với năm 2017.
Theo thống kê của FinnPro, hoạt động tự doanh khối CTCK đang chiếm trên 2,5% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Trong đó, 11 tháng đầu năm 2018, khối tự doanh thực hiện bán ròng 1.132 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chỉ số chứng khoán giảm mạnh từ quý II kéo dài sang hết quý III đã khiến cho hoạt động cho vay ký quỹ tại nhiều công ty giảm mạnh so trước đó.
Dư nợ margin tại các CTCK ở thời điểm hiện tại đều ghi nhận giảm so với quý I. Tại VND, HCM, SHS, MBS và ACBS, dư nợ cho vay margin đang thấp hơn so với thời điểm đầu năm. Mảng cho vay margin vốn là nghiệp vụ mang lại nguồn thu không nhỏ cho các CTCK, thường chiếm tỷ trọng từ 15 – 25% tổng doanh thu hoạt động. Do vậy, dư nợ margin giảm đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung.