Anh Vũ tạo hiệu ứng ngay cho khán giả khi anh xuất hiện với nét dí dỏm nhẹ nhàng và rất có duyên cùng với một gương mặt khá xinh trai.
Khi còn là học sinh trung học Trường Lê Quý Đôn, Anh Vũ đã giỏi văn mà nổi đình, nổi đám hơn cả là trong các cuộc vui, nhờ sự lém lỉnh, trích dẫn thơ ca và ứng biến bằng vài câu văn rất duyên. Anh Vũ từng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của trường đi thi toàn quốc.Nhà nghèo lại đông anh chị em, vì thế ước mơ được trở thành thầy giáo dạy văn của Anh Vũ cũng chỉ là mơ ước.Anh Vũ muốn vào đời sớm mưu sinh để giúp đỡ ba mẹ và các em nên học xong lớp 12, Vũ đã bươn trải đủ việc để có tiền giúp mẹ. Khi Sân khấu Nhỏ mở khóa đào tạo diễn viên, mẹ đồng ý cho Anh Vũ theo học. Sau vở tốt nghiệp Sân ga tình người, tên tuổi Anh Vũ bắt đầu được biết đến.
Với Anh Vũ, một tiểu phẩm hài diễn ra trong vòng năm đến 15 phút, không đủ kịch tính để dẫn dắt khán giả theo một cốt chuyện hấp dẫn. Làm thế nào để khán giả vừa bị lôi cuốn và cười vui liên tục mà diễn viên không sượng?Tại sao ngoài Bắc có ông hề chèo Xuân Hinh thơ ca lai láng, mà miền Nam lại không người làm hài có văn học?Anh Vũ tự hỏi.Tài khéo ăn nói, giỏi văn từ thời trung học đã giúp anh biết tìm cách lồng vào thoại những câu ca, câu thơ rất đúng chỗ.Miệng nói tía lia, văn thơ phải tuôn ra ào ào, điệu bộ tinh nghịch là phong cách rất riêng của Anh Vũ khi đến với công chúng. Anh quan niệm: Tiếng cười phải có ý nghĩa, duyên dáng và sạch sẽ, đặc biệt là phải sáng tạo liên tục để khán giả thấy dấu ấn mỗi tiết mục và không bị nhàm chán. Anh Vũ đắt sô tấu hài và kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng nếu cứ chạy theo diễn hài, anh cũng chỉ là một diễn viên tấu hài, không thể diễn kịch được. Anh Vũ đã tránh được điều đó.
Anh Vũ và nghệ sĩ Hồng Vân
Có lẽ vì thế mà Anh Vũ chọn sân khấu Phú Nhuận của Nghệ sĩ ưu tú Hồng Vân là nơi để làm nghề.Anh đóng cặp vợ chồng già, vợ chồng trẻ với má Ngọc Giàu trong rất nhiều vở hài được khán giả xem rất mê.Nhìn Anh Vũ và má Giàu quăng bắt từng mảng diễn khán giả rất vui và thú vị, họ không thấy độ chênh của tuổi mà chỉ thấy sự hóm hỉnh và cái duyên của người diễn. Má Giàu nói với Vũ: “Má rất quý con, vì khi ra sân khấu, con đã sống hết với nhân vật. Con biết thổi lửa và đưa nhiệt tình vào nhân vật, diễn như vậy bạn diễn rất thích”. Chỉ là một câu má Giàu khen động viên, nhưng Anh Vũ đón nhận ở đó những bài học về nghề rất thấm và anh còn học được từ má cách diễn: đóng con nít ra con nít, đóng vai già ra người già, vai nào ra vai ấy. Anh Vũ cũng chịu học hỏi từ chị Hồng Vân cách tạo hình tượng nhân vật, học thầy Việt Anh cách buông chữ, nhả chữ, cách chọc cười điệu nghệ. Anh Vũ không chỉ diễn cặp với các diễn viên trẻ mà khi đóng cặp với các má như Hồng Nga, Kim Ngọc, Anh Vũ cũng vào vai rất ngọt.
Nghệ sĩ Hồng Vân thương và quý Anh Vũ vì “cậu ấy dám bỏ tấu hài để sống với kịch”. Hàng loạt những vở có Anh Vũ tham gia như: Phương thuốc thần kỳ, Chuyện tình yêu, Sân ga tình người, Đi tìm những gì đã mất, Cưới dùm, Phận làm gái, Ba sui gia, hai đám cưới, Mẹ và người tình, Chuyện của sao… vai diễn của Anh Vũ đều tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Đặc biệt trong Phận làm gái.Anh Vũ thủ vai thằng câm. Một vai nhỏ tưởng như chỉ chọc cười cho vui, nhưng trong quá trình triển khai kịch bản, đạo diễn Hồng Vân bàn với Anh Vũ mở thêm tuyến bi cho nhân vật, thế là trong cái ú ớ tức cười của người câm là một tình yêu không nói nên lời.
Anh Vũ và mẹ
Tết năm 2013, sân khấu Phú Nhuận tưng bừng và náo nhiệt với vở Số đào hoa do Hòa Hiệp đạo diễn, thu hút khán giả một cách đặc biệt. Anh Vũ vào vai một ông già giúp việc cho cậu chủ mê gái. Ông già phải lên lịch đến nhà cho từng cô bồ của cậu chủ sao cho họ đừng gặp nhau.Khán giả được những trận cười no bởi tài ứng biến mau lẹ của ông già. Thú vị nhất là những câu nói vần, tài ứng biến của ông già tung ra. Những câu thơ tả đúng người, đúng cảnh, gợi tình mà vẫn ngầm mách các cô phải cảnh giác. Những bài học nho nhỏ trong mỗi câu ví von của ông gây hiệu ứng rất chính xác. Hỏi Anh Vũ vì sao anh có những câu văn vần chí lý đến vậy? Anh Vũ cho biết: “Có những câu mình lấy trên mạng, có câu mình làm, có câu các fan thấy hay chép lại cho mình. Những câu thơ, câu nói dí dỏm đó cứ lấy ở đời sống thì nhiều vô kể.Nó làm khán giả thấy vui. Bài học như kiểu: “Còn trẻ mà ăn chơi trác táng, về già mau tráng xi măng” dễ tiếp nhận…”. Màn cuối Anh Vũ thích nhất và khán giả cũng cảm động nhất là khi ông già chịu hết nổi thói trăng hoa của cậu chủ. Ông quyết định bỏ mặc cậu. Ông mặc cái áo đẹp nhất, lời từ biệt như mếu. Trong thâm tâm ông gắn bó với nó lâu nay, coi nó như con trai. Cuộc ra đi như đứt ruột.
Nhìn Anh Vũ vô tư tạo tiếng cười sảng khoái trên sân khấu mấy ai biết rằng Anh Vũ đã trải qua những ngày bi quan đến tận cùng khi bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư! Những ngày nằm bệnh viện Chợ Rẫy nhiều bệnh nhân và người nhà của họ cũng như các bác sĩ y tá… đều biết đến anh, họ ghé phòng thăm hỏi, động viên.Thế mới biết khi diễn viên sống trong lòng khán giả, sẽ được mọi người thương yêu đến mức nào.Anh Vũ sống, khỏe dần trong tình yêu thương của mọi người đặc biệt là sự chăm sóc của mẹ và cả nhà. Cái duyên của tổ nghiệp sân khấu đã mang lại sức sống cho Anh Vũ.Anh trở lại sân khấu.Nhớ đêm diễn vở Phận làm gái, Anh Vũ phải mang bộ tóc giả vì tóc thật rụng hết. Cái tát nhẹ hơn mọi khi của nhân vật do Cát Phượng thủ diễn, cũng làm anh chao người, té xuống. Cát Phượng lập tức thoát khỏi vai diễn và kêu lên “Vũ ơi! em có sao không?”. Bây giờ theo nhận định của bác sĩ, sức khỏe của Anh Vũ đã hồi phục, căn bệnh hiểm nghèo đã được đẩy lùi… nhưng hạnh phúc nhất là tết này anh đã xây được nhà mới cho mẹ.
Việt Nga