Chủ nhật đầu tiên của mùa Vọng (thời gian bốn tuần trước lễ Giáng sinh), trong thánh lễ vị linh mục mặc áo màu trắng. Xin mở ngoặc, áo lễ có nhiều màu khác nhau được dùng trong mùa Phụng vụ theo truyền thống Giáo hội Công giáo: áo trắng chỉ sự tinh truyền thanh khiết, thánh thiện và chiến thắng, được dùng trong các mùa Giáng sinh, Phục sinh…; áo tím chỉ sự ăn năn, thống hối, được dùng trong mùa Vọng, mùa Chay, các lễ cầu hồn…
Vào đầu lễ, linh mục “thưa” ngay, lý do mặc áo trắng là có nghi thức hôn phối cho một cặp đôi. Sau nghi thức hôn phối, linh mục thay áo lễ màu tím tiếp tục Thánh lễ.
Trong phần trao nhẫn và hứa, không hiểu chú rể vì quá xúc động hay sao mà nói lắp bắp không trôi chảy câu hứa “giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”.
Vị chủ tế không chịu, ông buộc chú rể phải nói lại cho đến khi nào lưu loát mới thôi. Bài giảng hôm đó, linh mục chủ yếu giảng về đời sống vợ chồng. Ông giải thích lý do ông buộc chú rể phải hứa một cách mạch lạc là bởi, chỉ một câu hứa mà không nói được trôi chảy thì làm sao đảm bảo “yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”? Tất nhiên chỉ là nói vui.
Hôm đó, linh mục kể một câu chuyện về đời sống công nhân, làm việc ngày tám tiếng, có giờ nghỉ ngơi, nếu có tăng ca thì quy định tăng ca không quá bao nhiêu giờ trong một tháng… Ông hỏi các cô gái, chàng trai trong ca đoàn, hãy cho biết có một nghề nào trong xã hội luôn phải tăng ca, không có ngày nghỉ? Không ai trả lời đúng.
Cuối cùng, linh mục mới giải thích đó là nghề làm vợ. Một nghề không lương, chỉ có tăng ca và tăng ca liên tục, không có giờ nghỉ. Thậm chí còn bị trách móc, hay hứng chịu những trận lôi đình của ông chồng. Con ốm, chồng nằm bên cạnh ngáy pho pho chứ vợ gần như thức trắng.
Chồng nhậu say về, chân nam đá chân xiêu, vợ bỏ con nằm đó vội vàng đỡ chồng vào nhà, lau mặt, thay quần áo, tháo giày… Lo chồng xong xuôi mới nhớ đến đứa con. May phúc con đang say ngủ, gặp đứa khó chịu, mẹ vừa bỏ xuống giường khóc ré lên, làm chồng… nổi giận, trong cơn say nhẹ nhất là “sao không biết dỗ con nín”, còn nặng nhất thì khỏi cần tưởng tượng cũng biết!
Nghề làm vợ khổ như vậy đấy nhưng có được mấy người chồng ghi công trạng “yêu thương em và tôn trọng mọi ngày suốt đời anh”? Khó và hiếm lắm! Mới thấy khi yêu nói thì dễ nhưng thực tế phải đối mặt vô cùng cam go.
Nhiều người sáng thức dậy, lời cầu nguyện đầu tiên là xin cho ngày tháng êm đềm như những sớm mai, những nhọc nhằn lãng quên. Nhọc nhằn ở đây không chỉ hàm nghĩa nhọc thân xác mà còn là những lo toan, những lần vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, những bão giông thổi qua mái ấm gia đình, nếu không biết chèo chống, lèo lái rất dễ tan hoang.
Để thấy hứa với nhau (chắc như bắp) rằng, yêu thương lúc thịnh vượng cũng như khi gian nan, lúc mạnh khỏe cũng như khi đau ốm đã thực hiện được chưa? Một câu nói, một lời hứa, dù hứa đi hứa lại cho trôi chảy như trường hợp chú rể ở trên, cao lắm chưa đến hai phút, nhưng để thực hiện đôi khi cả đời dài không thể.
- Xem thêm: Năm biểu hiện của vợ chồng tâm đầu ý hợp
Mùa Vọng tháng cuối năm là mùa bình an và hy vọng. Có lẽ đây là hai điều mong ước to lớn nhất của con người. Có bình an (tâm an, cuộc sống an) sau những bão giông mới hiểu được ý nghĩa cuộc đời. Có niềm tin mới dìu nhau cùng đi chung quãng đường dài, vượt qua biết bao gian khó, bao tham – sân – si – hỉ – nộ – ái – ố. Để hy vọng chúng ta vượt qua và sẽ được bình an.
Chỉ là một lời hứa trong một nghi thức, kẻ vội vàng, hời hợt thì mong nói nhanh, cho qua để (cưới) được vợ; người suy nghĩ thấu đáo mới thấy không chỉ là một lời hứa ngắn mà là một bức tranh tương lai dài của đời sống vợ chồng. Cùng nhau yêu thương mọi ngày đến suốt đời để đi hết con đường không dễ.