Jean-Pierre Laffont (1935), phóng viên ảnh tại New York. Ông là thành viên sáng lập Gamma USA và Sygma, là những tổ chức nhiếp ảnh lớn nhất thế giới sau đó được tập đoàn Corbis mua lại vào năm 1999.
Năm 20 tuổi, ông làm trợ lý cho hai nhiếp ảnh gia chụp người nổi tiếng Sam Levin và Alexander Choura tại Paris. Lúc ở Rome, ông chụp Ava Gardner tại phim trường MGM. Đây là công việc mơ ước của nhiều nhiêp ảnh gia vào thời đó. Thế nhưng Laffont lại chẳng thấy ấn tượng lắm: “Tôi chẳng cảm thấy thú vị chút nào” – Laffont nói khi 83 tuổi. “Tôi muốn làm cho một tờ tạp chí với tư cách một phóng viên ảnh.”
Ông quyết định bay tới New York với hy vọng làm được thứ gì đó. Ông chưa từng đến Mỹ và chỉ nói được một chút tiếng Anh. Ông cũng chẳng có gì nhiều ngoài chiếc máy ảnh của mình. Nhưng ông kết bạn rất nhanh và chụp ảnh với tâm huyết. Như Laffont nói, thành phố này đã đón chào mình: “Ở Mỹ, mọi người sẽ cho bạn cơ hội”.
Thời gian đầu, Laffont làm mọi việc để kiếm tiền: ông dạy lái xe đạp cho trẻ em ở công viên Riverside, chụp ảnh các bữa tiệc, chụp ảnh cho những người mẫu muốn nổi tiếng. Vài năm sau, ông bắt đầu chụp cho tạp chí Status Magazine, công việc này đã giúp ông có thẻ xanh và được hoạt động tự do hơn.
Năm 1968, khi Hubert Henrotte – một người bạn cũ, muốn ông trở thành phóng viên ảnh ở nước ngoài đầu tiên của tổ chức ảnh Gamma của Pháp. Cùng với người vợ mới cưới lúc đó là Eliane, ông thành lập văn phòng tại Mỹ của tổ chức ảnh này.”Cuối cùng thì anh ấy cũng được sống cuộc đời như vẫn mong đợi.” – vợ ông nói.
Trong vài thập niên tiếp theo, Laffont đi vòng quanh thế giới để chụp những đề tài lớn. Vào những đợt nghỉ, ông trở về nhà tại New York, nơi ông luôn thấy có những thứ rất đáng giá để chụp ảnh, dù là chụp tin bài hay chỉ là lúc đi dạo phố.”Chỉ cần bước ra khỏi tòa nhà và xoay một vòng — BÙM — những bức hình có thể chụp đều ở đó” – ông nói. “Những tấm hình ở khắp mọi nơi.”
Năm ngoái, Glitterati đã xuất bản cuốn sách “New York City Up and Down” giới thiệu bộ ảnh lớn của Laffont chụp thành phố New York vào đầu những năm 2000. Một triển lãm được tổ chức tại Leica Store ở SoHo có tên “New York Down and Out” giới thiệu những tấm hình của cùng nhiếp ảnh gia này chụp New York vào thập niên 60 – 70.
Vợ ông nói: “Những năm 60 – 70 thật sự phi thường với các phóng viên ảnh tại Mỹ, đó là thời gian khởi đầu của mọi thứ: quyền bình đẳng cho người đồng tính, phong trào giải phóng đòi nữ quyền… Mọi thứ tại Mỹ đều xảy ra vào thập niên 60 – 70”.
Laffont ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ nhất của thành phố New York thời điểm đó: một cuộc diễu hành cổ vũ các phi hành gia tàu Apollo 11, một cặp đôi hôn nhau trong ngày hội đồng tính đầu tiên (Gay Pride Day), Robert F. Kennedy chào đón những người ủng hộ. Những tấm ảnh cũng nắm bắt được sự hỗn loạn của thời đó, từ những người vô gia cư, ma túy, băng nhóm hay những khu phố bị bỏ hoang. Kết hợp cùng nhau, những tấm ảnh chân dung đầy tự do và lôi cuốn cho thấy phải là người thực sự ngưỡng mộ thành phố này như Laffont mới có thể chụp như vậy.
Tuy nhiên trong vài thập kỷ cuối, Laffont mất hứng thú với thành phố này. Ông phàn nàn về mọi thứ từ những chuyến tàu ầm ĩ tới chuyện thiếu cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là vấn đề vật giá tăng cao. Điều này đã buộc ông phải chuyển văn phòng của mình từ New York về Miami, nơi mà ông và vợ lần đầu ở vào mùa đông.
Ông sẽ chẳng nhớ nhung gì New York khi rời đi. Ông luôn mong muốn ở một nơi có khí hậu ấm hơn cũng như cơ hội được tìm hiểu về con người ở Miami. Laffont nói có thể ông sẽ học thêm một chút tiếng Tây Ban Nha khi ở đó.