Tuy nhiên, gần đây đại diện các công ty đa quốc gia tại nước này cho rằng Chính phủ Ấn Độ phải có nhiều chính sách và biện pháp thuyết phục hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như khuyến khích những ai đã đầu tư tăng cường mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Xem ra, đó là điều cần thiết vì tỷ lệ tăng trưởng đã giảm 50% trong hai năm qua, xuống còn 4,5% trong quý gần đây nhất, trong khi thâm hụt cán cân thanh toán tăng lên mức kỷ lục: 5,4% GDP!
Ngoài những than phiền lâu nay về thủ tục hành chính phiền hà, tham nhũng và quy chế phức tạp về đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ ra sự không hài lòng của họ trong ba vấn đề chính: (1) Quy định mới về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghệ cao có lợi cho các nhà sản xuất trong nước; (2) Quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm và (3) Tranh chấp về thuế, kể cả phần hồi tố đưa vào ngân sách năm trước cũng như những cuộc kiểm tra đột xuất để thu gấp hàng triệu rupee tiền thuế thu nhập mà một số doanh nghiệp chưa nộp.
Phản ứng về ba vấn đề nói trên, phía Ấn Độ có lập luận riêng của họ. Ví dụ, theo điều kiện gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ấn Độ có thể đặt ra điều kiện cung ứng các sản phẩm nội địa đối với nhu cầu của Chính phủ và đã thực hiện điều đó. Sắp tới, quy định này cũng có thể sẽ được áp dụng trong khu vực tư nhân đối với những sản phẩm nhạy cảm về an ninh, điều mà WTO cũng cho phép.
Về mặt thuế, sở dĩ cơ quan thuế vụ có vẻ nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài vì đã xảy ra hàng loạt bất đồng nổi cộm với các công ty như Nokia, Shell và Cadbury. Có nhiều ý kiến than phiền về hiện tượng trốn thuế bằng cách chuyển giá hay chuyển vốn qua lại với chi nhánh tại Ấn Độ của một số doanh nghiệp quốc tế, điển hình là Shell Ấn Độ từng phát hành cổ phiếu cho công ty mẹ vào năm 2009. Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Ấn Độ – Hoa Kỳ từng nhận định: “Rõ ràng là các trường hợp chuyển giá đang gia tăng. Có đến 3.000 trường hợp và trị giá đến 9 tỉ USD đang bị khiếu kiện”. Còn các chuyên gia về thuế cho rằng một phần của vấn đề là do luật pháp chưa quy định rõ chi tiết trong các điều khoản cụ thể nên các quan chức thuế cứ tùy nghi vận dụng.
Chính phủ Ấn Độ khẳng định rằng các công ty nước ngoài đang được hưởng ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp trong nước. Nếu không như vậy thì tại sao trong năm ngoái, các doanh nghiệp Ấn Độ đã mua lại 72 công ty nước ngoài bằng số tiền tương đương 11 tỉ USD?
Thiên Bảo theo NYT, 20-3-2013