Thật vậy, theo ông Christopher Viehbacher, Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Pháp Sanofi, hiện có khoảng 10% thuốc giả đang lưu hành trên thị trường thế giới, tỷ lệ này có thể lên đến 50% ở một số nước nghèo. Hậu quả của tệ nạn trên thật khó lường. Chỉ riêng xi-rô ho và những thuốc có sử dụng chất liệu diethylene glycol đã gây ra tám vụ ngộ độc lớn trên thế giới, trong đó có vụ ngộ độc tại Panama năm 2006 khiến trên 100 người tử vong, phần lớn là trẻ em. Năm 2012, khoảng 109 người mắc bệnh tim ở Pakistan đã chết sau khi sử dụng thuốc giả… Nền công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì số nạn nhân của thuốc giả càng gia tăng, nhất là qua các hình thức mua bán trên mạng internet.
Tiêu hủy thuốc giả tại Mỹ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, hơn 50% trường hợp mua thuốc trên mạng thường gặp phải những địa chỉ cung ứng không có thật, không có cơ sở để người mua biết là thuốc thật hay giả. Năm 2012, chiến dịch Pangea V được sự hỗ trợ của Interpol đã trải dài trên 100 quốc gia nhằm triệt hạ các mạng lưới tội phạm có tổ chức, trong đó có bọn tội phạm làm thuốc giả, kết quả bắt được 80 vụ, thu giữ 3,75 triệu đơn vị thuốc có hại cho sức khỏe trị giá 10,5 triệu USD. Trong nỗ lực riêng của mỗi nước, Quỹ Tiết kiệm Y tế (HAS) của Mỹ tịch thu được một lượng thuốc giả trị giá 14.548 USD, Singapore cũng tịch thu được một lượng thuốc giả trị giá 14.660 USD, nhưng những kết quả đó quá nhỏ nhoi so với sự thao túng của thuốc giả và nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng hàng triệu người. Mới đây, với sự nhập cuộc của Interpol, một thỏa thuận đầy triển vọng đã được xác lập, theo đó, 29 hãng dược phẩm lớn nhất thế giới sẽ cung ứng một ngân khoản 5,9 triệu USD trong ba năm tới để Interpol lập kế hoạch và tổ chức mạng lưới phòng chống thuốc giả toàn cầu.
Theo kế hoạch, Interpol sẽ vạch ra “Chương trình phòng chống tội phạm về dược phẩm” nhằm ngăn chặn các hành vi làm giả thuốc và nhãn thuốc, cũng như xác định và phá vỡ các mạng lưới tội phạm có tổ chức. Tổng thư ký Interpol, ông Ronald K Noble cho rằng, trong tình trạng không một nước nào, một loại dược phẩm nào tránh được nạn làm giả, cần có một nỗ lực toàn cầu để đối phó với một hiểm họa đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Vì vậy Interpol đã thành lập đơn vị “Phòng chống làm giả sản phẩm y tế và tội phạm về dược phẩm” (MPCPC) nhằm thúc đẩy các cơ quan thi hành luật pháp quốc tế đối phó với bọn tội phạm về dược phẩm thông qua sự phát triển hợp tác một cách hữu hiệu. Một phần quan trọng trong chương trình hành động của Interpol là nâng cao cảnh giác cho công chúng về những nguy hại của thuốc giả, đặc biệt đối với những người thường mua thuốc trên mạng. Mọi việc cũng chỉ mới bắt đầu, cuộc chiến chống thuốc giả còn nhiều cam go, song Interpol và các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới tin tưởng rằng những nỗ lực của họ sẽ mang lại nhiều kết quả trong thời gian tới.
Lê Nguyễn tổng hợp