Bài viết này đăng trên trang mạng ẩm thực Eater, tác giả là một phụ nữ gốc Việt còn trẻ, lớn lên tại Mỹ; cô đã đưa ông bà nội của mình sau nhiều năm mới trở lại Little Sài Gòn, một khu vực có đông đảo người Việt định cư tại thành phố Westminster; ở đây cũng có những nhà hàng, quán ăn chuyên ẩm thực Việt được biết đến bên ngoài bang California. Tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, ngày nay nhiều người trẻ đang điều hành những điểm ẩm thực Việt tại Little Sài Gòn và xa hơn nữa.
Đầu mùa hè 2018, tôi có một chuyến đi tới Little Sài Gòn cùng ông bà nội lần đầu tiên sau hơn một thập niên, chúng tôi ngồi xe trong 90 phút vượt cả trăm dặm từ San Diego đến Westminster. Đối với ông nội tôi nay đã 91 tuổi, chuyến đi này là một dịp để thăm lại những khu mua sắm nhỏ và chia sẻ một thú vui ẩm thực: thưởng thức món gỏi cuốn không chê vào đâu được đầy nhân lạp xưởng thịt heo, những lát cá ướp nghệ được chiên xèo xèo trong chảo gang ăn cùng rau thìa là tươi và vô số những con sò đỏ tươi được nướng với hành mỡ và đậu phộng giã nhỏ. Riêng với tôi, chuyến đi là cơ hội để nhận chân những cảm xúc của chính mình với nơi này, để hiểu được sức thu hút và ý nghĩa của Little Sài Gòn đối với thế hệ của cha mẹ tôi và thế hệ của ông bà tôi.
Khu thương mại – du lịch Little Sài Gòn được thành phố Westminster chính thức công nhận vào tháng 2-1988, như là một khu vực trải dài 2,4km từ đại lộ Bolsa. Và vào tháng 6 năm đó, thống đốc bang California George Deukmejian đã làm lễ đặt tên Little Sài Gòn. Dân số Little Sài Gòn tăng dần suốt thập niên 1980, khu trung tâm kinh doanh và văn hóa buổi đầu ở đây dần dà trải rộng sang các cộng đồng dân cư láng giềng ở Garden Grove, Fountain Valley và Santa Ana. Ngày nay, Little Sài Gòn ở quận Cam (Orange county) là cộng đồng người Việt lớn nhất bên ngoài đất nước Việt Nam, với dân số 300.000 người, có vài tờ nhật báo Việt ngữ cùng hàng trăm cơ sở kinh doanh trên một diện tích gần 7,8km2.
Khi chúng tôi đến đại lộ Bolsa, được coi là cái nôi của Little Sài Gòn, không thể lờ đi những dấu hiệu về ngày bầu cử ở khắp các góc phố, cả trên những bãi cỏ để vận động cho các ứng viên. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là Trung tâm thương mại Vườn Châu Á (Asian Garden Mall) còn được biết dưới cái tên Việt là Phước Lộc Thọ, bởi ba bức tượng cẩm thạch trắng thể hiện ba ông Phước-Lộc-Thọ chào đón khách ngay lối vào. Đó là nơi ông nội tôi thường đến khi nó mở cửa vào năm 1987 dù sống cách xa 90 phút lái xe. Phước Lộc Thọ là hạt nhân của các khu dân cư lân cận, là nơi tổ chức đón Tết Nguyên đán lớn nhất ở California.
Trong khi vẻ ngoài được trang trí công phu, từ dưới lên trên đều bằng kính và hình dạng kiến trúc gợi nhớ tới chùa chiền thì bên trong là một khu mua sắm khổng lồ thời những năm 1980 với khoảng 300 cơ sở kinh doanh đủ các mặt hàng trên hai tầng lầu. Bên cạnh tòa nhà là cơ sở của Lee’s Sandwiches, một thương hiệu thực phẩm sung mãn với mặt hàng chủ lực là bánh mì Việt Nam nhưng thực đơn bằng Anh ngữ, đi cùng dịch vụ hiện đại và đang nhắm tới việc mở rộng tối đa các cửa hàng khắp vùng Tây Nam nước Mỹ.
“Ông nhớ mong muốn sâu xa của ông vào những năm đầu tiên ở đây, nhất là khi ông thấy chủ nhân nhiều cửa hàng kinh doanh không phải người da trắng, rằng một ngày nào đó cộng đồng người Việt sẽ có thể làm tương tự”, ông nội tôi nói… Sau khi rời khu Phước Lộc Thọ, chúng tôi đến với Nhà hàng hải sản Tân Cảng, bên trong – theo lời ông nội tôi – vẫn là những chiếc bàn tròn và những hồ bằng kính sục bọt khí chứa hải sản tươi rói, không mấy thay đổi kể từ khi được hai chủ nhân Wendy Lam và Ly Hua khai trương vào năm 1988.
Chúng tôi vào, gọi món canh chua cá, bò lúc lắc, rau muống xào tỏi và món chủ lực làm nên thương hiệu Tân Cảng là tôm hùm (lobster), một con nặng gần 4kg được mua từ bang Maine, đầu bếp xắt thành từng miếng vừa ăn sau đó chiên với bơ, hành lá, tiêu đen, tiêu jalapenos của Mexico, bên trên là lớp mì sợi xào tỏi.
Sau món tôm hùm, chúng tôi tới quán thạch chè Hiển Khánh, nơi đầu tiên bán món tráng miệng ở khu Little Sài Gòn, bởi với ông nội tôi món ngọt ở đó đã thành cổ tích. Những người hảo ngọt thường đến đây mua về bánh flan và thạch (rau câu), trong khi những người khác gọi món chè trong ly thủy tinh có bột báng và nước cốt dừa.
Chè có thể ăn nóng hoặc ăn lạnh với nước đá, có thể ăn bằng muỗng hay bằng ống hút. Vài loại chè được phủ với những lớp nhiều màu sắc, có chè đậu xanh hột lựu và cả những hạt trông giống như đậu Hà Lan và đậu tây (còn gọi là đậu thận – kidney bean vì hình dạng như quả thận). Ông nội tôi thích ăn chè trôi nước với những viên bột chứa đầy nhân đậu xanh trong nước đường có gừng trong khi tôi không ngần ngại trước bánh da lợn, món bánh mà mẹ tôi đã cho tôi ăn khi tôi còn nhỏ.
Sau khi dừng lại ở Nhà hàng Liên Hoa BBQ Deli để mua vài ký thịt heo quay và phá lấu, chúng tôi quyết định trở về nhà ở San Diego. Trên đường về, ông nội tôi bảo rằng ông không thể hình dung nổi cách đây 43 năm khi ông rời Việt Nam sang Mỹ và Little Sài Gòn sẽ trở thành như ngày hôm nay. Những người Việt tha hương ngày đó đã quần tụ lại đây để xây dựng một cộng đồng từ con số không: “Thế hệ đầu tiên đó, thế hệ của ông đã làm việc thật khó nhọc để xây dựng tương lai cho thế hệ kế tiếp”, ông chảy nước mắt khi nhớ lại.
Về đến San Diego, những lời của ông nội vẫn vang vọng trong tôi. Để rồi tôi nghĩ đến Andy Nguyen và Scott Nghiem, hai doanh nhân sinh ra và lớn lên ở Little Sài Gòn đã thành lập hãng kem Afters Ice Cream, nghĩ đến Diep Tran, cháu nội của người thành lập thương hiệu Phở 79, cô đã trải qua những năm tuổi trẻ trong nhà bếp của ông nội vì tình yêu với nhà hàng phở nổi tiếng ở Little Sài Gòn. Ngày nay Diep Tran là bếp trưởng và chủ nhân Nhà hàng Good Girl Dinette ở Highland Park, Los Angeles. Dù ông nội tôi hoàn toàn không biết đến họ, nhưng giữa ông và họ có chung một khát vọng…