Galerie Quynh hân hạnh giới thiệu triển lãm Một ngày mọi ngày – triển lãm cá nhân giới thiệu những tác phẩm mới của nghệ sĩ Hà Nội Nguyễn Quang Huy, một nghệ sĩ thuộc thế hệ tiên phong sau thời kỳ Đổi mới năm 1986 (thời kỳ mở cửa kinh tế được đánh dấu bởi những thử nghiệm nghệ thuật mới lạ).
Tại triển lãm lần này, Quang Huy sẽ giới thiệu bộ tranh sơn dầu với đề tài về những người phụ nữ H’Mông và quang cảnh vùng núi mờ ảo, được anh miêu tả lại bằng những đường cọ mềm mại cũng như tông màu xanh-xám đặc trưng. Được biết đến với thực hành nghệ thuật đa dạng với các chất liệu như video và sắp đặt, triển lãm lần này Huy tập trung vào hội họa – thực hành trọng tâm trong quá trình sáng tác kéo dài hơn hai thập niên của anh.
Phần lớn các tác phẩm được trưng bày lấy cảm hứng từ vùng núi Tây Bắc Việt Nam, nơi anh bắt đầu khám phá trong quãng thời gian theo học tại Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam qua những chuyến thực tế được tổ chức hằng năm. Trong các chuyến đi này, anh đã kết thân với hai người bạn cùng khóa là Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Minh Thành, thành lập một nhóm ba nghệ sĩ tiêu biểu và gây nhiều ấn tượng trong bối cảnh nghệ thuật những năm 90 tại Hà Nội. Sau khi anh tốt nghiệp (vào năm 1996), Quang Huy vẫn tiếp tục chuyến hành trình thường niên tới Tây Bắc, ghi lại bằng máy ảnh khoảnh khắc những con đường núi quanh co tan biến vào trong sương mù hay bóng hình của những người phụ nữ H’Mông trong chiếc váy truyền thống, lặng lẽ địu những gùi nặng trên lưng. Những hình ảnh, trải nghiệm này được anh xử lý và chuyển thể khi quay lại xưởng vẽ của mình tại Hà Nội.
Không thỏa mãn với phương pháp tả thực truyền thống, Quang Huy phát triển một ngôn ngữ hội họa độc đáo và riêng biệt – sử dụng thủ pháp làm mờ có dụng ý và một tông màu tối giản, gần như đơn sắc, xuất phát từ quá trình đi tìm phương pháp gợi tả những yếu tố tâm linh trong bản chất của các chủ thể mà anh tiếp cận. Ảnh hưởng bởi triết lý Phật giáo, cũng như những quan niệm duy linh của dân tộc H’Mông, Quang Huy xem những bức tranhphong cảnh và chân dung của anh như những nhân chứng sống, mang trong mình lịch sử của con người và mảnh đất nơi họ sinh sống – những lịch sử có thể chưa hiện hữu qua góc nhìn thường ngày. Tựa như cách những hòn đảo đá vôi tại vịnh Hạ Long đã chứng kiến và khắc ghi trên từng vân đá sự đổi thay của thời gian, linh hồn của một người phụ nữ có thể mang trong mình những ghi chép về lịch sử của một nhóm dân tộc đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Qua những bức tranh trầm lặng và mờ ảo, Quang Huy muốn truyền tải lại những cảm quan đầy tinh tế và lặng lẽ này.
Tựa đề triển lãm được lấy cảm hứng từ bài thơ Gặp của Quang Huy – nơi một chuỗi những ký ức được thuật lại như một lời kinh, một câu nguyện, hay một sự thiền định về những cuộc gặp gỡ vô thường giữa người với người, với núi non và sương mù.
___________
Về chương trình bên lề triển lãm
Thứ sáu, ngày 7-12
16g30 – 18g00: Trò chuyện cùng nghệ sĩ
___________
VỀ NGUYỄN QUANG HUY
Nguyễn Quang Huy sinh năm 1971 tại Hà Tây, Việt Nam và tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996. Anh thuộc thế hệ những nghệ sĩ thể nghiệm Việt Nam đầu tiên hoạt động độc lập sau thời kỳ Đổi mới năm 1986. Quang Huy đã thực hiện nhiều triển lãm cá nhân tại Việt Nam, Pháp, Anh và Đức, cũng như những triển lãm nhóm tại châu Á, Mỹ, Úc và châu Âu. Những triển lãm tiêu biểu của anh có thể kể tới triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, Việt Nam; Bảo tàng nghệ thuật EunAm, Gwangju, Hàn Quốc; những phòng tranh của IFA tại Berlin và Stuttgart, Đức; Stenersenmuseet, Oslo, Na Uy; và Pavillion des Arts, Paris, Pháp. Anh đã tham gia những chương trình nghệ sĩ lưu trú tại Trung tâm Nghệ thuật Casula Powerhouse, Sydney, Úc; Pacific Bridge Gallery, Oakland, CA, Hoa Kỳ; và Artist Unlimited, Bielefeld, Đức. Những tác phẩm của Quang Huy thuộc nhiều bộ sưu tập quốc tế như bộ sưu tập của Fukuoka Asian Art Museum, Nhật; Andaman Cultural Study Center, Thái Lan; Post-Vidai Collection, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam và Geneva, Thụy Sĩ; và World Bank, DC, Hoa Kỳ. Quang Huy hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, Việt Nam.
_________