Hiện nay, bằng Tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate) đang được giảng dạy tại hơn 3.500 trường ở 144 quốc gia. Song song đó, chương trình A-Level kéo dài hai năm, cũng được giảng dạy trên khắp thế giới. Cả hai hệ thống đào tạo này đều hướng đến mục đích chuẩn bị cơ sở kiến thức hoàn chỉnh cho học sinh đủ sức “chạy đua” kiếm một suất học tại các trường đại học danh tiếng.
Tại Việt Nam, cũng đã có một số trường phổ thông quốc tế tiến tới việc giảng dạy chương trình Tú tài quốc tế IB và chương trình A-Level để chuẩn bị cho các em trên con đường du học xứ người.
Tú tài IB: Xây dựng tầm nhìn quốc tế
Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) có ba bậc, bậc cao nhất của IB (The Diploma Programme) dành cho học sinh độ tuổi từ 16 đến 19.Chương trình này được thiết lập như cấp 3/dự bị đại học cho học sinh các trường quốc tế.Với một kết cấu các nhóm môn học và giáo trình khá toàn diện, IB được nhiều trường đại học trên thế giới công nhận và đánh giá cao, đặc biệt ở Hoa Kỳ và châu Âu.
Chương trình IB kéo dài hai năm, thường bắt đầu từ năm lớp 11 và được công nhận là chương trình học để chuẩn bị vào đại học tốt trên thế giới.
Giáo trình IB gồm có sáu nhóm môn học:
- 1. Ngôn ngữ A1 (ngôn ngữ thứ nhất – thường là tiếng mẹ đẻ
- 2. Ngôn ngữ thứ hai
- 3. Cá nhân và xã hội (các môn xã hội)
- 4. Khoa học tự nhiên
- 5. Toán học
- 6. Các môn nghệ thuật
Các trường dạy IB có khá nhiều tự do trong việc chọn môn học cho từng nhóm, đặc biệt là những nhóm có lựa chọn khá đa dạng như Ngôn ngữ thứ hai hay các môn xã hội, v.v…
Giáo trình IB đa dạng, có nhiều hình thức trao đổi và nâng cao kiến thức cho học sinh: thảo luận trong lớp, thí nghiệm khoa học, bài luyện tập rèn luyện sự sáng tạo, thi vấn đáp…, giúp hoàn thiện kỹ năng học và nghiên cứu về nhiều mặt.
Ngoài ra, để đạt đủ tiêu chuẩn nhận bằng IB, học sinh còn cần hoàn thành một bài luận nghiên cứu tự chọn dài 4.000 từ (Extended Essay – EE) và một khóa học “Lý thuyết của nhận thức” (Theory of Knowledge – TOK) kéo dài một năm giúp học sinh đặc biệt trong lứa tuổi đang trưởng thành định hình rõ ràng hơn về con người và cuộc sống. Những yêu cầu này là sự chuẩn bị quan trọng và bổ ích cho định hướng tương lai cũng như môi trường học tập ở đại học sau này.
Chương trình IB khuyến khích học sinh xây dựng ý thức tầm nhìn quốc tế.Nghĩa là học sinh cần có sự hiểu biết về các vấn đề toàn cầu, sự quan tâm đến người khác trong cộng đồng và rộng hơn ra thế giới.IB cũng đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết về nền văn hóa của nước mình, ý thức về dân tộc mình.Vì vậy, mọi học sinh IB phải thông thạo tối thiểu hai ngôn ngữ. Qua quá trình học IB, học sinh sẽ phát triển các kỹ năng để sống và làm việc trong môi trường quốc tế, vốn rất cần thiết trong cuộc sống ở thế kỷ XXI này. Chương trình mang lại một nền giáo dục cân bằng, đào tạo học sinh toàn diện và đem lại sự chuẩn bị tốt nhất cho bậc đại học và giai đoạn trưởng thành.
Điểm cao nhất cho mỗi môn học của IB là 7, điểm tuyệt đối cho sáu môn là 42.EE và TOK sẽ có điểm thưởng là 3 điểm. Vì điểm cuối cùng của IB chỉ có sau khi hoàn tất hai năm học, trong quá trình học sinh nộp hồ sơ sang các trường đại học Hoa Kỳ và tùy từng đại học ở các nước khác, các thầy cô tại trường dạy IB sẽ được yêu cầu đưa ra một điểm dự đoán (Predicted Grade – PG) cho học sinh ở môn học của mình làm cơ sở cho các trường đại học đánh giá năng lực và xét hồ sơ của học sinh.
Website của Tổ chức Tú tài Quốc tế IB http://www.ibo.org.
Chương trình A-Level: kiến thức nền và hướng nghiệp
Chương trình A-Level cũng kéo dài hai năm dành cho học sinh 16-19 tuổi. Điểm A-Level càng cao thì học sinh càng có cơ hội vào được trường đại học theo nguyện vọng. Chương trình A-Level được các trường đại học trên toàn thế giới công nhận, vì thế, đạt điểm A-Level cao sẽ giúp học sinh mở những cánh cửa đại học. Nhất là tại Anh, để được nhận vào đại học tại Anh, học sinh bắt buộc phải có điểm A-Level.Điểm A-Level cao là điều kiện tiên quyết để vào học các ngành Y, Luật và Cơ khí.
Kỳ thi A-Level tổ chức lần đầu tiên vào năm 1951.
Học sinh chọn môn học A-Level dựa vào định hướng nghề nghiệp và khả năng học tập của chính mình.Thông thường học sinh chọn bốn môn cho năm đầu tiên và chọn ba trong số bốn môn đó để học nâng cao trong năm thứ hai. Ví dụ, học sinh có thể chọn môn Sinh học, Tâm lý học, Kinh tế và Xã hội học cho năm đầu và có thể học Tâm lý học, Kinh tế và Xã hội học cho năm tiếp theo. Học sinh muốn theo học ngành Y có thể chọn môn Sinh học, Hóa học và Thống kê; học sinh muốn theo học ngành Luật có thể chọn môn Chính trị học, Tâm lý học và Luật. Chọn đúng môn học sẽ giúp học sinh nâng cao khả năng được nhận vào các trường đại học danh tiếng.
Thông thường, học sinh sẽ nộp từ ba đến bốn điểm môn học A-Level vào các trường đại học.Học sinh luôn được khuyên chọn môn học phù hợp với năng lực cũng như khả năng nhận vào học từ trường đại học. Tùy theo trường đại học, một số trường sẽ theo dõi bảng điểm của học sinh trong suốt một hay hai năm học trong khi những trường khác thì chỉ chú ý vào điểm thi cuối năm. Những kỳ thi được chấm điểm một cách độc lập và điểm cao nhất của A-Level là A cho đến thấp nhất là E.
Chọn lọc những môn học A-Level
Tài chính, Sinh học, Kinh doanh học, Hóa học, Vi tính học, Kinh tế, Văn học Anh, Toán cao cấp, Lịch sử nghệ thuật, Chính phủ và chính trị, Kỹ thuật thông tin, Toán học, Truyền thông học, Triết học, Vật lý, Tâm lý học, Xã hội học, Thống kê học, Phim ảnh, Luật.
Thiệu Nam