Trong một bài diễn văn tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea ngày 17-11, Phó tổng thống Mike Pence đã phát biểu với lời lẽ cứng rắn nhắm vào Trung Quốc (TQ) về thương mại và an ninh trong khu vực.
“Chúng tôi đã có hành động quyết liệt để giải quyết sự mất cân bằng với TQ”, ông Pence tuyên bố. “Chúng tôi đã áp thuế quan lên hơn 250 tỉ USD hàng hóa của TQ, và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số đó” và “Hoa Kỳ sẽ không thay đổi đường hướng cho đến khi TQ thay đổi hành vi”.
Cảnh báo thẳng thừng này có thể là tin tức không mấy lạc quan cho các thị trường tài chính vốn đã hy vọng tranh chấp TQ – Mỹ sẽ hạ nhiệt, thậm chí hai nước có thể đạt được một số thỏa thuận tại một hội nghị G20 vào cuối tháng này.
Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau trong cuộc họp G20 vào cuối tháng 11 tại Argentina. Nhưng hy vọng về một thỏa thuận thương mại mới giữa hai quốc gia đã giảm vì những lời lẽ không mang tính xây dựng của cả hai bên.
Washington đang yêu cầu Bắc Kinh cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của họ và bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ, cắt trợ cấp công nghiệp và giảm thâm hụt thương mại 375 tỉ USD. Những lời lẽ của ông Pence không cho thấy bất cứ sự nhượng bộ nào từ phía Mỹ.
Tuần trước, chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với TQ đã tăng 4,3% trong tháng 9 lên 37,4 tỉ USD, mức cao kỷ lục, do lượng hàng nhập khẩu từ TQ tăng 8%. Trong quý III, thâm hụt thương mại của Mỹ với TQ đạt 106 tỉ USD, tăng 92,9 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, cũng do sự gia tăng đáng ngạc nhiên nhập khẩu hàng hóa từ TQ. Thâm hụt chín tháng đầu năm 2018 là 305,4 tỉ USD, so với 276,6 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái.
Theo Financial Times, tăng trưởng nhanh khiến nước Mỹ nhập khẩu nhiều hơn. Yếu tố thứ hai có thể là vì các công ty Mỹ đã phải tăng dự trữ hàng nhập khẩu để bảo vệ mình khỏi những gián đoạn thương mại. Mặt khác, xuất khẩu của TQ sang Mỹ đã tăng trong năm 2018 khi nước này tìm cách xuất được càng nhiều hàng hóa càng tốt trước khi chịu mức thuế cao hơn vào ngày 1-1-2019.
“Các nhà xuất khẩu TQ lo ngại mức thuế 10% hiện đang áp lên 200 tỉ USD hàng hóa xuất sang Mỹ sẽ tăng lên 25% vào ngày 1-1-2019, điều này khiến họ tăng xuất khẩu”, Ngân hàng Hà Lan ING nhận định. Xuất khẩu từ TQ sang Mỹ tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng so với mức tăng trưởng dự báo là 11,7%. Một khi việc tăng thuế quan diễn ra, những con số này có thể sẽ giảm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phân tích cho rằng, vị thế của các công ty TQ trong chuỗi cung ứng giúp họ có thể thay thế các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ dễ dàng hơn so với Mỹ trong việc thay thế hàng nhập khẩu TQ.
Ông Trump nói với các phóng viên hôm 17-11 rằng TQ đã đáp ứng phần lớn yêu cầu thương mại của Mỹ nhưng lại thiếu bốn hoặc năm vấn đề lớn. Ông Tập không đưa ra quan điểm về một số yêu cầu quan trọng của Mỹ, bao gồm việc chấm dứt đánh cắp công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và từ bỏ kế hoạch Made in China 2025 nhằm dẫn đầu thế giới trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Tại hội nghị APEC, trước các đại diện Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trình bày khá lâu về sáng kiến của ông và sự cần thiết phải có thương mại tự do trên toàn khu vực.
“Nó không phải là một câu lạc bộ độc quyền mà những nước không phải thành viên không vào được, mà cũng không phải là một cái bẫy như một số người đã gán cho nó”, ông Tập nói về dự án tâm huyết của ông. Ông cũng gọi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là “phương sách thiển cận, chắc chắn sẽ thất bại”. “Lịch sử đã cho thấy đối đầu, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không mang tới chiến thắng cho ai cả”, ông Tập phát biểu.
Dù bị Mỹ tố cáo lao vào “một kiểu ngoại giao bẫy nợ nguy hiểm trên toàn khu vực”, chủ tịch TQ vẫn đến thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea từ ngày 15-11, khánh thành một con đường và một trường học do TQ tài trợ, trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào 17-11. Papua New Guinea đã trải thảm đỏ cho phái đoàn Bắc Kinh, cờ TQ treo đầy dọc theo đại lộ.