Nhà Christie’s đã loan báo sẽ đưa lên sàn đấu giá ở Hongkong trong tháng 11-2018 một tác phẩm vào loại quý hiếm nhất của mỹ thuật cổ Trung Hoa: một bức tranh của thi hào – học giả Tô Đông Pha (1037-1101) đời nhà Tống, cũng là một trong những danh nhân văn hóa quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Nhiều nhà nghiên cứu coi Tô Đông Pha như một “vĩ nhân phục hưng”, như cách người ta tôn vinh Leonardo da Vinci dù tác giả của bức Mona Lisa sinh sau thi nhân đời Đường nhiều thế kỷ. Không chỉ lưu danh thiên cổ với thi ca, Tô Đông Pha còn được người đời biết đến như một họa sĩ và một thư pháp gia tài năng trác tuyệt.
Bức tranh của Tô Đông Pha có tên Cây khô và đá lạ được vẽ bằng mực nho trên giấy, kích thước khoảng 51 x 28cm, mô tả một thân cây khô với mấy nhánh cành trụi lá vươn lên bầu trời, bên dưới là một tảng đá hình dạng khác thường với vài bụi măng vừa nhú bên cạnh.
- Xem thêm: Christie’s bán cổ vật cướp bóc
Như một nhà phê bình nổi tiếng ở Trung Quốc nhận định, bức tranh khơi gợi hình ảnh những sinh vật khổng lồ và rồng hiện ra rồi biến mất từ một cơn bão trên biển. Bức tranh là một phần của một họa quyển dài hơn 180cm với thư pháp của chính Tô Đông Pha và Mễ Phất (1051-1107), cũng là một họa sĩ và nhà thư pháp nổi tiếng, sống cùng thời với Tô Đông Pha.
Mễ Phất chuyên vẽ tranh trúc thạch, cây khô, tranh sơn thủy. Ông cùng với Tô Đông Pha ở trong nhóm “Bắc Tống tứ đại thư gia” (hai người còn lại là Thái Tương và Hoàng Đình Kiên). Ngoài phần thư pháp của Mễ Phất, trên họa quyển còn có 41 triện son, là dấu xác nhận họa quyển đã từng thuộc sở hữu của 41 nhà sưu tập sống từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI và cũng là một kỷ lục của tác phẩm này.
Chủ nhân gần nhất của Cây khô và đá lạ là một gia đình người Nhật và họ đã mua họa quyển đó từ một nhà buôn Trung Hoa năm 1937. Sau thành công vượt mức của phiên đấu giá các bức tranh cổ Trung Hoa thuộc sưu tập của Bảo tàng Fujita, được tổ chức tại New York tháng 3-2017, thu về 263 triệu USD, gia đình chủ nhân bức Cây khô và đá lạ đã liên hệ với nhà Christie’s đề nghị đưa lên sàn bức tranh cổ quý hiếm.
Theo ước tính của nhà Christie’s, tác phẩm thư – họa nói trên có thể đạt mức giá 400 triệu HKD (khoảng hơn 57 triệu USD). Đây là lần đầu tiên một bức tranh của Tô Đông Pha được đưa lên sàn đấu giá, mặt khác Cây khô và đá lạ là một trong hai họa quyển được Tô Đông Pha thực hiện; họa quyển thứ hai được cho là thuộc sở hữu của Bảo tàng Cung điện quốc gia ở Đài Bắc.
Ông Jonathan Stone, đồng Chủ tịch bộ phận mỹ thuật châu Á của nhà Christie’s nói: “Đơn giản đây là bức tranh Trung Hoa xuất sắc nhất mà bạn có thể làm chủ”. Ông Stone thích so sánh Cây khô và đá lạ với bức Đấng cứu thế (Salvator Mundi) về mặt độc đáo và quý hiếm: “Có thể so sánh như thế về cảm giác thị trường đơn thuần”.
- Xem thêm: Đấu giá “xù” tác phẩm mỹ thuật
Cũng theo ông Stone, phải gọi Leonardo da Vinci là một “Tô Đông Pha phương Tây” thay vì gọi Tô Đông Pha là một “da Vinci Trung Hoa” theo cách của một số nhà nghiên cứu. Hai bức tranh đều có kích cỡ khiêm tốn nhưng Đấng cứu thế đang giữ kỷ lục tác phẩm hội họa cao giá nhất mọi thời: ngày 15-11-2017 tại nhà Christie’s ở New York, bức tranh khổ 45 x 66cm thể hiện chân dung Chúa Jesus đã được bán với giá trên 450 triệu USD.
Còn theo ông Kim Yu, chuyên gia đặc biệt về tranh Trung Hoa cổ của nhà Christie’s thì phong cách nghệ thuật của Tô Đông Pha đã có ảnh hưởng đến các họa sĩ từ thời đại của ông cho đến tận hôm nay, bởi thi hào họ Tô đã khởi đầu một cuộc “cách mạng về mặt thẩm mỹ” qua những bức tranh được khắc họa từng chi tiết với một bút pháp hàn lâm mà phải mất hàng tháng mới hoàn thành. Tuy nhiên, với Cây khô và đá lạ thì tác giả chỉ vẽ trong một buổi bởi đây chỉ là một bức họa đơn giản, được Tô Đông Pha vẽ như một cách thư giãn.
Tháng 8 vừa qua, khi nhà Christie’s đưa bức tranh đến Hongkong triển lãm để chào mời người mua, đã có một đám đông săm soi từng chi tiết của họa quyển và sẽ không ngạc nhiên nếu Cây khô và đá lạ sẽ được những doanh nhân siêu giàu ở châu Á ganh đua đặt giá. Năm 2010, một họa quyển Trung Hoa cổ với thư pháp của Hoàng Đình Kiên đã được đưa lên sàn đấu giá Poly International ở Bắc Kinh và đạt được mức giá gõ búa là 64 triệu USD. Liệu tác phẩm của Tô Đông Pha sẽ phá vỡ kỷ lục này?
Thi hào Tô Thức tự Tử Chiêm, hiệu là Đông Pha nên người đời thường gọi ông là Tô Đông Pha. Ông ra đời ở My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên), thân phụ là Tô Tuân, em trai là Tô Triệt đều là các đại thi gia. Tô Đông Pha từng trải qua nhiều chức quan, dù chịu thăng giáng nhiều lần song ông vẫn lạc quan, hào sảng, ung dung tự tại, suốt đời mê mải làm thơ.
Trong sự nghiệp thi ca vĩ đại của mình, Tô Đông Pha đã sáng tác được 4.000 bài thơ, 300 bài từ và tản văn, được lưu lại trong bộ Đông Pha văn tập 60 quyển, bộ Đông Pha thi tập 25 quyển, Đông Pha chí lâm năm quyển, Đông Pha từ một quyển, Cửu Trì bút ký hai quyển cùng nhiều sách truyền bá đạo Khổng.
Ông được coi là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, gồm: Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân (cha Tô Thức), Tô Thức, Tô Triệt (em Tô Thức), Vương An Thạch và Tăng Củng) nhưng là người khoáng đạt nhất, đậm chất tư tưởng nhất. Bên cạnh văn tài, Tô Đông Pha còn là một nhà thư pháp nổi tiếng và là một họa sĩ tài năng.