Ngày 25-2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thay mặt Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị cho GS-TS Klaus Krickeberg vì những cống hiến to lớn và bền bỉ của ông cho Việt Nam, đặc biệt trong ngành y tế và lĩnh vực y tế công cộng; đồng thời khẳng định sắp tới Bộ Y tế sẽ thực hiện tất cả những đề nghị của GS Krickeberg về nhu cầu cấp bách cải tổ toàn diện y tế công cộng. Đó là điều mong ước của ông: sau bao năm ông đã gieo hạt, mùa gặt giờ đang đến gần.
Klaus Krickeberg thuộc thế hệ tinh hoa của Cộng hòa Liên bang Đức thời hậu chiến. Năm 1958, ở tuổi 29, ông là một trong những người trẻ nhất được phong hàm giáo sư thực thụ (full professor) tại Đại học Heidelberg cổ xưa và nổi tiếng châu Âu.
Ông là nhà toán học về xác suất đầu tiên thời hậu chiến, giúp xây dựng ngành xác suất từ con số không sau khi Quốc xã phá tan nền khoa học đỉnh cao của nước Đức.
Ông được mời đi diễn thuyết hầu như khắp nơi: Mỹ, Đan Mạch, Pháp, Liên Xô…, được bầu làm Chủ tịch Hội toán học thống kê và xác suất Bernoulli quốc tế (Bernouilli Society for Mathematical Statistics and Probability) nhiệm kỳ 1977-1979, năm 1983 được bầu làm viện sĩ của Hàn lâm viện Khoa học Đức Leopoldina, nơi Albert Einstein và David Hilbert từng là thành viên.
Đầu năm 1967, tôi chân ướt chân ráo đến Đại học Heidelberg để “tìm thầy học đạo” và tình cờ quen biết Klaus Krickeberg mà không hề biết lúc đó ông đã “yêu nước” Việt Nam nhiều hơn tôi và là người có ý thức dấn thân rất sớm. Năm 1965 ông đã gửi tiền cho Vietnam Hilfsaktion, một tổ chức nhân đạo ở CHLB Đức giúp đỡ Việt Nam.
Nhưng hành động có ý nghĩa chính trị và có tiếng vang hơn là việc ông – nhà toán học Tây Đức duy nhất – ký tên vào Tuyên cáo năm 1966, sáng kiến của nhà toán học uy tín người Pháp Laurent Schwartz (giải Fields 1950) tại Hội nghị quốc tế các nhà toán học (IMC) lần thứ 15 tại Moscow, kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Năm 1966 đánh dấu bằng việc Mỹ bắt đầu oanh tạc miền Bắc, đồng thời ra đời phong trào phản chiến ở Đại học UC Berkeley (Mỹ), với sự tham gia của nhà toán học Mỹ Stephen Smale (giải Fields 1966). Phải nói đó là hành động rất dũng cảm của Klaus Krickeberg bởi vì CHLB Đức lúc đó là một đồng minh thân cận bậc nhất của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh lạnh.
Nhưng cuộc gặp gỡ có tính lịch sử có lẽ là chuyến thăm Hà Nội của ông mùa hè năm 1974 theo lời mời của Viện Toán Việt Nam. Ông đi bằng xe lửa bắt đầu tại thành phố Bielefeld nơi ông làm giáo sư từ năm 1971. Hành trình kéo dài 10 ngày, xuyên qua Nga, Siberia, Mông Cổ, Trung Quốc, cuối cùng đưa ông đến Hà Nội. Trên xe ông chuẩn bị các bài diễn thuyết bằng tiếng Việt mà ông đã tự học trước đó.
Ông có lẽ là nhà toán học quốc tế thứ ba thăm Việt Nam sau Laurent Schwartz và Alexander Grothendieck. Năm đó, Hội nghị thế giới các nhà toán học lần thứ 17 họp tại Vancouver đã mời ông đọc bài báo cáo toàn thể – vinh dự lớn đối với một nhà toán học nhưng ông đã từ chối để chuẩn bị cho chuyến đi Việt Nam.
Ông làm việc ở Hà Nội sáu tuần, gặp gỡ các nhà khoa học hàng đầu như Tạ Quang Bửu, Hoàng Tụy, bác sĩ Tôn Thất Tùng… – những vị đã kỳ vọng Krickeberg sẽ đặt những viên đá nền tảng đầu tiên cho toán học ứng dụng tại Việt Nam.
Những năm sau đó, cuộc gặp gỡ giữa GS Krickeberg với GS Hoàng Thủy Nguyên của Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương, ông tổ của ngành vaccine Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn. Viện đang chờ đợi sự hợp tác rộng lớn và lâu dài với Krickeberg, đồng thời ông cũng tìm thấy ở viện một “bàn đạp” hữu hiệu để đưa toán học vào ứng dụng rộng rãi và hữu ích cho Việt Nam.
Từ cuộc gặp gỡ năm 1974 và nhiều cuộc gặp gỡ diễn ra những năm 1978, 1979, 1980, ông quyết tâm góp phần lớn nhất của mình vào việc xây dựng một nền toán học ứng dụng, đồng thời cởi trói sự cô lập khoa học của Việt Nam.
Sự dấn thân của Krickeberg cho Việt Nam thực tế đã đưa ông sang một quỹ đạo khác của cuộc đời gắn với toán học của ông. Ông đến Việt Nam thường xuyên hơn để xây dựng nền tảng toán học vững chắc cho ngành y tế và giúp giải quyết những bài toán căn bản trong đời sống thực tế.
Các phương pháp thống kê, như lấy mẫu ngẫu nhiên, được ông đưa vào đầu tiên. Ông tham gia chương trình tập huấn cán bộ hệ thống y tế Việt Nam; chương trình kiểm soát bệnh tiêu chảy, mở rộng chủng ngừa, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh sốt rét, lao, dịch tễ học hệ thống làng xã; chương trình của GTZ (Tổ chức hợp tác kỹ thuật của Đức) về kế hoạch hóa gia đình; chương trình phát triển các hệ thống y tế của Cộng đồng châu Âu.(1)
Năm 1998 GS Krickeberg nghỉ hưu ở Pháp. Chương trình phát triển các hệ thống y tế của EU cũng kết thúc năm 2004 với báo cáo 45 trang của ông, nhưng ông chưa nghỉ hưu đối với Việt Nam.
Ông khởi động một đề án mười năm 2006-2016, được Quỹ Else Kröner-Stiftung (Đức) tài trợ nhằm phát triển y tế công cộng mà điểm khởi đầu là Đại học Thái Bình, do GS Hoàng Thủy Nguyên giới thiệu. Đề án này sau đó được mở rộng trên quy mô lớn đến các tỉnh khác.
Đã có hơn 600 nhà khoa học tham gia các workshop do ông tổ chức. Ông có rất nhiều học trò và đồng nghiệp trên nhiều miền đất nước.
Một trong những công việc ông vẫn tiếp tục là cùng với một số cộng tác viên Việt Nam biên soạn bộ sách giáo khoa song ngữ căn bản để nâng cao chất lượng giảng dạy cho các giảng viên, tập trung xây dựng giáo trình giảng dạy cho ngành y tế công cộng tại các trường đại học y dược trên cả nước (trừ TP. Hồ Chí Minh).
Hiện nay, bộ giáo trình hiện đại và rất có giá trị này đã xuất bản được sáu quyển và dự kiến sẽ có hai quyển mới được xuất bản trong năm nay.
Từ 1974 đến nay, 45 năm đã trôi qua, GS Krickeberg liên tục thăm và làm việc với Việt Nam mà chuyến đi tháng 2-2019 vừa qua là chuyến thứ 33.
Với những hoạt động của ông ở Việt Nam, GS Krickeberg đã nhận được nhiều phần thưởng: Huân chương của Bộ Y tế (2009) về những đóng góp cho sự nghiệp vì sức khỏe nhân dân; bằng tiến sĩ danh dự (2014) của Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam trong 50 năm qua; danh hiệu giáo sư danh dự năm 2015 của Trường Đại học Thái Bình.
Nhưng có một “vinh dự đặc biệt” mà ông nhận được và rất tự hào, vì nó đến từ trái tim của một người Việt Nam bình thường nhưng lại mang ý nghĩa rất sâu sắc.
Đầu những năm 1980 như ông nhớ lại: “Nhóm Toán của chúng tôi làm việc trong một căn hộ nhỏ bé tại tầng trệt của Viện Vệ sinh Dịch tễ nhà nước. Mỗi sáng chúng tôi tới viện bằng xe đạp. Hồi đó trên đường phố Hà Nội hầu như chưa có xe máy.
Có một buổi sáng, người tạp vụ của viện và tôi đạp xe tới viện cùng lúc. Gặp nhau ở cổng, anh ấy nói với tôi rằng: “Kơ-Rí-Cơ-Béc là một người Việt Nam”. Đó có lẽ là kỷ niệm chẳng thể quên về quá trình gắn bó với Việt Nam” – ông đã nói như thế trong đáp từ tại Lễ nhận Huân chương của Bộ Y tế.
Khi chuyển qua làm việc tại Đại học Paris V sau năm 1974, Krickeberg học tiếp về ngôn ngữ và văn minh Việt Nam cho đến khi lấy được bằng cử nhân năm 1988. Ông là người có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ: thông thạo tiếng Pháp, Anh, Nga, Đan Mạch, Tây Ban Nha và cả tiếng Hy Lạp hiện đại với những mức độ khác nhau.
Tôi đã chứng kiến trong một cuộc hội thảo ủng hộ Chile tại Đại học Bielefeld, khi người phiên dịch gặp nhiều khó khăn, ban tổ chức đã quyết định mời Klaus Krickeberg từ hàng ghế khán giả lên thay. Ông dịch lưu loát cả hai chiều một cách đáng ngạc nhiên, nhờ đó hội thảo đã diễn ra suôn sẻ. Thật đáng khâm phục!
Sau những ngày ở Hà Nội và rồi làm việc ở Hải Phòng, Krickeberg được mời về khu nghỉ dưỡng Edensee bên hồ Tuyền Lâm, và sinh nhật thứ 90 của ông được tổ chức tại đây.
Đúng 10 năm trước, cũng tại Edensee bạn bè đã tổ chức sinh nhật thứ 80 của ông. Ngày đó, ông đặt may chiếc áo vest lụa Việt Nam tại một tiệm may ở Đà Lạt – chiếc áo mà ông mặc trong chuyến đi này. Ông còn nhớ, khi bước vào tiệm may, ông chủ người Việt trố mắt lên: đây chính là người mà ông ấy vừa đọc trên báo Tuổi Trẻ và đem lòng ngưỡng mộ!
– Tháng 3-2019
(1) Để hiểu rõ thêm quy mô và ý nghĩa của công việc Klaus Krickeberg đã thực hiện tại Việt Nam xin xem thêm bài của tác giả: rosetta.vn/nguyenxuanxanh/klaus-krickeberg-mot-doi-gan-bo/