Tại khoa Nhi (khoa Nội 3) của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo vẫn luôn cười đùa, nghịch ngợm như bao bạn bè đồng lứa khỏe mạnh khác. Không hề thấy ở các em những lời than vãn và cũng chẳng có những ánh mắt thất thần đợi chờ cái chết. Sau mỗi đợt phải vật vã với bệnh tật đến xanh xao, gầy rộc cả người và đầu không còn cọng tóc do tác động phụ của thuốc, nụ cười lại tươi tắn nở trên môi những bệnh nhân bé nhỏ ấy. Sau khi tiếp tục những trò chơi còn dang dở, các em vào lớp học chữ, mỗi tuần hai lần.
Niềm vui từ những con chữ
Như thường lệ, sau bữa cơm trưa thứ Sáu, các bệnh nhi đang điều trị tại khoa Nhi của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh lại chạy ra chạy vào, chờ cô giáo Kim Phấn đến dạy chữ từ 2 giờ chiều. Các em không coi học tập là bổn phận, mà là cả một niềm thích thú, thậm chí là đam mê.
Rất nhiều tình nguyện viên hăng hái tham gia lớp học chữ
Khi đi qua hai dãy chiếu trải dọc hành lang, đoàn giáo viên và tình nguyện viên của cô Kim Phấn (người sáng lập ra lớp học) đã được mọi người vui vẻ chào đón. Lớp học chữ duy nhất ở bệnh viện này là một phòng học rộng hơn 20m2, lọt thỏm cuối dãy phòng bệnh ở lầu 1. Trong lúc cô giáo và các tình nguyện làm vệ sinh phòng, phát tập, bút thì các học trò nhỏ đã nghiêm túc ngồi vào chỗ quen thuộc của mình. Vui mừng vì gặp các cô, các em tranh nhau nói: “Cô ơi, cô nhớ em không?”, “Em chưa có bút”, “Cô ơi, bạn My đang chích thuốc, không đi học được”… Lớp học vì thế mà rộn ràng hẳn lên.
Học sinh trong lớp thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ lớp 1 đến lớp 9. Mỗi tình nguyện viên chọn kèm một hoặc hai em. Học sinh của lớp thường không ổn định vì có em phải đi tiêm thuốc, có em mệt mỏi quá, không đến được, có em lại hết đợt điều trị nên được về nhà… Hôm nay, Thu Hà phải truyền thuốc ở chân, không thể đến lớp, nhưng em một mực đòi học nên mẹ em phải đến lớp xin cô ra bài để Hà tự làm trên giường bệnh. Một tình nguyện viên đã nhanh nhẹn xung phong đến phòng bệnh giúp Hà học.
Mắt đã bị mờ vì bệnh nên em phải nhìn sát tập mới thấy chữ
Trong lúc cô Phấn điểm danh, ghi tên, các cô giáo khác ra bài Toán, Tiếng Việt cho từng em. Các em nhỏ lớp 1 học rất chăm. Danh, mới bốn tuổi, nhận được hai điểm 10 vì viết chữ đẹp, sung sướng nói: “Con viết đến mai mới mỏi tay, khỏi ngủ luôn cũng được”. Cẩm Ngân thì cười chỉ chúm chím, được cô khen cũng không cười “nhe răng” vì “Em chỉ còn có một cái răng thôi!”. Khi nghe Thảo My mới qua đợt hóa trị, đang nằm trên giường bệnh, nhiều em nhỏ đã xung phong đến hát đồng ca cho bạn nghe. Buổi học nào cũng mãi rộn rã tiếng nói cười, tiếng kể chuyện râm ran.
Lớp học chữ đặc biệt của cô Kim Phấn ra đời từ năm 2009. Năm học đầu tiên, lớp học ba buổi mỗi tuần. Mỗi ngày, cô Phấn kê từng chiếc bàn trong từng phòng bệnh để các em vây quanh hoặc học ngay trên giường. Sau một năm học tạm bợ, cô và các trò được bố trí trong căn phòng rộng khoảng 20m2 tại khoa Nhi, có đầy đủ sách vở và truyện tranh. Các em được học hai môn Toán và Tiếng Việt, theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuối mỗi buổi học, các em còn được sinh hoạt, vui chơi cùng các cô giáo và các tình nguyện viên.
Cô Tốt rất yêu những em lớp Một
Cô Tốt, giáo viên thường xuyên của lớp học đã hơn hai năm nay, nói vui: “Có lẽ đây là lớp học mất trật tự nhất. Có em đang học thì cha mẹ đến gọi về tiêm thuốc, có em thì được đích thân cô giáo đưa về phòng vì sốt bất ngờ, có em cuối giờ mới xuất hiện vì trước đó phải truyền dịch…”. Thương nhất là những em một tay đang được truyền hóa chất, nhưng tay kia vẫn nắn nót tập viết chữ. Có em mắt bị kéo màng, gần như không thấy được gì mà vẫn cố ghì sát vào cuốn tập để nhìn chữ. Vợ chồng chị Thuyên cùng nhiều vị phụ huynh khác đang lặng lẽ đứng nhìn con mình từ bên ngoài lớp. Chị Thuyên cho biết: “Con tôi vẫn chưa khỏe nhưng cứ đòi đi học. Được học chữ và chơi với bạn bè nên cháu dễ quên đi đau đớn hơn”.
Những “thiên thần đầu trọc” rất chăm học
Những em nhỏ thích học nhưng còn ngần ngại, không dám vào lớp thì sẽ được các cô phát tập, bút màu để tự tập viết, tập vẽ. Trên chiếc chiếu nhỏ ngoài hành lang, cậu bé tên Khải (quê ở Long An) đang cặm cụi vẽ hết siêu nhân đến ông Mặt trời cùng những đám mây… Mẹ Khải cho biết: “Cháu thích vẽ lắm. Nhờ bút màu cô giáo cho mà con tôi cứ tíu ta tíu tít suốt ngày, cha mẹ cũng vui lây”. Nhiều phụ huynh khác cũng vui mừng vì ở nơi nồng nặc mùi thuốc men rất đặc trưng này, con mình vẫn được thoải mái học hành, vui chơi.
Ở giai đoạn mới thành lập, việc dạy học rất khó khăn vì lớp có gần 30 học sinh thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau mà chỉ có bốn, năm cô giáo. Đến nay, nhờ sự tham gia nhiệt tình của các tình nguyện viên (chủ yếu là sinh viên) như Siêu Nhí, Trung Nguyên, Niềng Răng Tỉ Tỉ, Mỹ Hương, Diễm Phúc, Trương Quang Cơ, Huy Hoàng, Phale Tuyết, Nghiên Trinh, Ánh Tuyết, Sao Mai…, việc dạy học và tổ chức trò chơi đã phong phú và hiệu quả hơn rất nhiều.