Không mất nụ cười dù cái chết cận kề
Sáng nay, sau khi dạy học xong, cô giáo Phấn cùng đoàn tình nguyện viên lên khu C của bệnh viện để tìm Khương Đằng. Em đang học lớp 7, ngoan và rất giỏi môn Tiếng Việt. Năm trước, dù đã mất cả hai chân nhưng em không chịu nghỉ học buổi nào. Vì thế, mỗi lần có lớp là ba mẹ Đằng lại bồng em đến học. Năm nay em tiếp tục mất đi tay trái. Các cô giáo đến thăm lúc em vừa ra khỏi phòng mổ. Trông người em gọn lỏn trong chiếc chăn trắng, chỉ còn cánh tay phải đang được cô y tá đo huyết áp. Thấy cô giáo, Khương Đằng vẫn nở nụ cười và hẹn với cô: “Vài bữa em lại đi học, cô nhé!”. Cả đoàn cười với em mà chẳng ai nói nên lời. Rời khỏi khoa C, cô Phấn nói: “Lúc nào nụ cười của Khương Đằng cũng trong veo và đáng yêu như vậy, cứ như em chưa từng biết đến đau đớn, bệnh tật”.
Khương Đằng vẫn cười rất tươi dù đã mất đi cả hai chân và tay trái
Dường như những đứa trẻ ở khoa Nhi đều có nụ cười hồn nhiên như Khương Đằng cho dù bị bệnh tật hoành hành và cái chết nhiều lúc đã cận kề. “Nhìn xem, những đứa trẻ trọc đầu này đáng yêu quá đúng không?” – cô Kim Phấn vừa nói, vừa mở cho chúng tôi xem những hình ảnh bệnh nhi mà cô đã lưu lại trên máy tính cá nhân. Giọng cô bỗng bùi ngùi: “Rất nhiều em đã ra đi, nhưng nụ cười thì chưa bao giờ tắt”.
“Siêu nhân Mỹ” với đôi mắt sưng to vẫn luôn vui cười
Cô cho chúng tôi xem kỹ hơn hình ảnh một đứa trẻ bụ bẫm với đôi mắt sưng to, thâm tím, không mở lên được, vậy mà vẫn hiển hiện ở đó một nụ cười rất tươi. Em đang cố dùng một tay kéo mi dưới xuống để nhìn. Cô Phấn nói: “Đây là em Mỹ, mới mất vào ngày mùng 2 tết Âm lịch vừa rồi”. Em được các cô đặt tên là “Siêu Quậy”, còn em tự xưng là “Siêu nhân Mỹ”. Các cô còn nhớ, Mỹ không đọc được từ “le”, cứ đánh vần là “lờ…e” mãi. Mắt không nhìn thấy nhưng em cứ đòi làm duyên để cô giáo chụp hình. Ai hỏi em có khỏe không, còn đau không, em trả lời ngay: “Ổn rồi cô!” khiến mọi người không thể không bật cười.
Bố mẹ Mỹ kể rằng em vẫn nghịch ngợm và cười đùa ngay những giờ phút cuối cuộc đời. Buổi học đầu tiên vào ngày mùng 3 Tết Âm lịch, hôm đó những đứa trẻ cùng phòng với Mỹ tranh nhau kể cho cô Phấn nghe, nào “Cô ơi, Mỹ về luôn rồi”, “Cô ơi, con thấy Mỹ đi xe cấp cứu mà không thấy trở lại”, “Không phải, Mỹ chết rồi”… Với các cô giáo và tình nguyện viên, một suy nghĩ thường trực là không được để lộ ra nỗi buồn để các em không cảm thấy sự đe dọa của cái chết.
Vừa truyền dịch vừa đến lớp
Nhiều người khi đến với những đứa trẻ bị bệnh ung bướu đã nhận ra được ý nghĩa và mục đích sống của mình. Bạn Phúc Thịnh, sinh viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Nhóm chúng tôi mới chỉ tham gia tại đây trong hai buổi học nhưng chúng tôi đã hiểu được rằng mình thật sự may mắn khi sống khỏe mạnh, bình an và việc đến với các em gần như là trách nhiệm của những người lành lặn”. Còn tình nguyện viên Vân Anh đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Có những em còn quá nhỏ để hiểu về căn bệnh của mình, các em lớn hơn thì cũng biết về nó, nhưng các em đã không nói nhiều về vết thương và sự đau đớn. Tôi nhìn thấy ở các em những nụ cười hồn nhiên, niềm lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và một ý chí mạnh mẽ vượt lên số phận. Các em dạy tôi phải biết quý trọng bản thân, mạnh mẽ đối diện và bước qua những thất bại, khó khăn. Trước khi gặp các em, tôi gần như chỉ biết yêu chính bản thân mà quên đi những người luôn yêu thương mình, chỉ biết khóc lóc, than thân trách phận và muốn bỏ cuộc trước những va vấp trong cuộc sống. Chính các em là người đã cầm tay kéo tôi đứng lên…”.