Cho dù các cô cậu tuổi teen chưa phải lo lắng về chuyện tiền nong, chuyện sự nghiệp hoặc việc nhà, nhưng vẫn phải đối mặt với những nguyên nhân gây stress khác như bị bắt nạt ở trường, áp lực từ bạn bè trang lứa và kết quả học tập. Nếu không có được sự hỗ trợ kịp thời, nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe nói chung ở trẻ tuổi teen sẽ cao hơn. Vì thế, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến một số dấu hiệu cảnh báo về “tình trạng căng thẳng quá mức” ở trẻ vị thành niên để có thể can thiệp càng sớm càng tốt.
Nhức đầu và đau bao tử
Stress thường dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất, thường là chứng nhức đầu, đau bao tử và những triệu chứng đau khác của cơ thể cũng là dấu hiệu của stress.
Gặp vấn đề với giấc ngủ
Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều có thể là một dấu hiệu của stress. Một số trẻ bị căng thẳng sẽ ngủ rất nhiều, cứ muốn đi ngủ ngay sau giờ học hoặc ngủ li bì suốt những ngày cuối tuần để cố thoát khỏi sự căng thẳng.
Gặp vấn đề về kết quả học tập
Đôi khi mọi thứ bắt đầu từ những vấn đề liên quan đến chuyện trường lớp. Nếu điểm số của trẻ bị sút giảm hoặc trẻ vắng mặt không lý do tại lớp học, hãy lưu ý xem yếu tố này có liên quan đến tình trạng stress hay không.
Dễ nổi cáu
Dù tâm trạng thất thường là điều tự nhiên ở lứa tuổi vị thành niên, nhưng các cô cậu bị stress dễ nổi cáu hơn bình thường – rất dễ bực tức với cả những bất tiện nhỏ nhặt do quá tải với những “rắc rối của cuộc đời”.
Thay đổi thói quen xã hội
Stress có thể làm thay đổi những thói quen xã hội của trẻ. Cô lập trong quan hệ xã hội có thể là một dấu hiệu cho thấy con của bạn đang gặp rắc rối. Dành quá nhiều thời gian trong phòng riêng hoặc thiếu hứng thú khi nói chuyện với bạn bè cũng là dấu hiệu cảnh báo.
Thường xuyên bị bệnh
Stress cũng làm trẻ dễ bị cảm hoặc bệnh vặt. Trẻ có thể phải nghỉ học hoặc bỏ qua các sự kiện xã hội do bị bệnh.
- Xem thêm: Con trẻ và trí thông minh xã hội
Thay đổi tiêu cực trong hành vi
Các vấn đề về hành vi thường là hệ quả của stress: từ việc “cúp cua” cho đến phản ứng thô lỗ. Tuy nhiên, cũng đừng hoàn toàn đổ lỗi những hành vi tiêu cực cho stress.
Khó tập trung
Khi có quá nhiều thứ trong tâm trí, trẻ rất khó tập trung, dễ bị sao nhãng ở trường và khó hoàn thành bài tập về nhà.
Ngôn ngữ tiêu cực
“Không ai thích tôi” hoặc “Không có chuyện gì ra hồn cả” là những cách nói tiêu cực thường gặp ở các cô cậu tuổi teen đang bị căng thẳng thái quá. Dù cách nói này là khá bình thường với trẻ vị thành niên nhưng nếu quá thường xuyên có lẽ cũng là dấu hiệu của stress.
Lúc nào cũng lo lắng
Stress làm cho các bạn tuổi teen lo sợ về mọi thứ, về những điều tồi tệ có thể xảy đến, về cách mà người khác nhìn nhận về bản thân mình. Nếu các em lo lắng nhiều hơn bình thường thì đó có thể là dấu hiệu của stress. Hầu hết trẻ vị thành niên đều không thể nói “Con bị stress và lý do là…”. Vì thế, cách hành xử của trẻ thường là dấu hiệu để phụ huynh có thể biết được cảm xúc của trẻ.
Nếu bạn nghi ngờ con mình đang đối mặt với stress, hãy trò chuyện với trẻ về điều này. Hãy cùng con thảo luận về một số biện pháp đơn giản nhằm giúp trẻ kiểm soát stress: phục hồi lịch sinh hoạt lành mạnh, tìm những hoạt động thư giãn phù hợp để đưa vào hoạt động hằng ngày, giới hạn thời gian tiếp xúc với mạng xã hội… Và chính cha mẹ nên là một hình mẫu cho trẻ khi nói đến “kiểm soát stress”. Và nếu tình trạng căng thẳng thái quá đã ảnh hưởng đến chuyện học tập, quan hệ bạn bè và quan hệ gia đình thì phụ huynh cần tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn.