– Hiền ơi!
– Dạ!
– Con ra ngoài cổng xem hình như có ai.
– Vâng.
Con bé Hiền úp cuốn tạp chí xuống bàn, hấp tấp đứng dậy. Vừa tới cửa phòng, sực nghĩ hình như chạy vội quá đã úp nhàu trang, nó nhất định quay trở vào đặt tờ tạp chí lại cho ngay ngắn rồi mới đi làm “nhiệm vụ”.
Tiền bác Mai cho hồi cuối tháng, đắn đo mãi, đứng săm soi hết tờ này đến tờ khác trong một ma trận tạp chí thời trang ở quầy báo nó mới bấm bụng mua nên tiếc lắm.
Qua song hàng rào gỗ sơn trắng cao lút đầu, dáng một phụ nữ thanh mảnh chừng đang dợm bước đi. Nó vội la toáng:
– Đây, cô ơi!
Người phụ nữ trẻ trông thanh tú rõ ràng đang đi tập thể dục buổi sáng. Áo thun ôm màu hồng phấn, đôi giày màu đỏ nhỏ nhắn trông gọn gàng chứ không to ầm oàng như cột bao vào chân nó vẫn thấy nhiều người khác trong khu dân cư này mang chạy qua. Dường như hơi bị bất ngờ, người phụ nữ nhìn nó thoáng bối rối.
– Cô kiếm ai?
– Không… À… chị thấy nhà mình có cây chùm ruột sai trái quá, chị có thể mua được không?
Đến lượt con bé Hiền bất ngờ, mặt nghểnh ra nhìn người phụ nữ như hồi mới lên thành phố, nó đờ mặt nhìn cái máy hút bụi.
– Mà thôi, chắc là không… Chị xin lỗi. Cảm ơn em.
Người phụ nữ trẻ đưa tay khẽ quệt mồ hôi trên trán rồi men theo lối đi nhỏ xíu giữa khoảng hiên của dãy nhà biệt thự cỏ đã mọc dày, trở ra con đường tráng nhựa. Hiền hết nhìn theo cái dáng nhỏ nhắn, chắc gọn chẳng mấy chốc nhỏ dần về phía khu chung cư lại quay sang nhìn cây chùm ruột trái đeo kín những nhánh. Đóng cổng lại rồi nó còn dán mũi nhìn theo, miệng lẩm bẩm đầy ngưỡng mộ: “Người đâu xinh dữ ta!”.
– Ủa, khách đâu rồi Hiền?
Mải trầm trồ người khách lạ, Hiền đã quên phắt việc “báo cáo” lại với bác. Nó đóng vội cuốn tạp chí.
– Dạ, không quen bác ơi. Có cô nào tự nhiên hỏi mua chùm ruột.
– Con nói sao? Mua chùm ruột? Chùm ruột nhà mình?
– Dạ. Thì nhà mình có cây chùm ruột đó. Mà cổ đẹp lắm bác. Chắc cũng ở loanh quanh đây. Cổ mặc đồ thể dục đi bộ mà.
– Rồi con nói sao?
– Con chưa nói sao cổ đã cảm ơn rồi đi liền.
– Con nhỏ này. Người ta hỏi tức là người ta cần, sao con để họ bỏ đi vậy?
Hiền phụng phịu. Nó có làm gì sai đâu. Tại cô đó đổi ý không muốn xin chùm ruột nữa thôi mà. Rồi nó ngẩn người nghĩ, sao cô ấy lại muốn thứ trái cây chua xanh mặt, ai cũng chê nhỉ?
– Thôi, con xuống dọn bữa sáng đi.
Nói rồi bà Mai bỏ lên trước nhà, ngồi lặng lẽ nhìn cây chùm ruột cho đến khi bàn tay khô sần, ấm nóng của Otto nắm khẽ vào vai:
– Em, xuống ăn sáng?
***
Bảo bung tấm bìa nhựa. Mười hai trang ảnh, tâm điểm của mỗi số phát hành tạp chí Nàng. Đây đã là lần duyệt thứ ba và mọi người biết rõ phải làm bất cứ gì để không phải đặt tấm bìa vào khay thêm lần nữa. Cố gắng gác lại những suy nghĩ đang mông lung trong đầu, Bảo đưa những ngón tay gầy xương xương lật từng tấm ảnh. Tấm cô người mẫu có cái nhìn kỳ quặc mà cô nhận xét “hẳn phải đang căm hận kẻ thù (người đọc!) lắm” đã được thay bằng tấm khác. Lạnh lùng, kiêu kỳ ư? Bảo đã thẳng thừng nói với Lan Anh: “Nếu thậm chí không phân biệt nổi “lạnh” với “thù ghét”, em nên xem lại mình. Những tấm hình này phải khiến cho phụ nữ run lên vì mong muốn sở hữu, tưởng tượng mình trong cái hình ảnh “trên cả thế giới” ấy, thay vì lắc đầu nghĩ chúng ta là những kẻ không biết làm báo”.
Tấm cận cảnh chiếc đầm lụa phủ miên man chiều dài đôi chân cô người mẫu lộ một đường sút chỉ nhỏ đã được sửa. Phải, Bảo là người cầu toàn, và không, Bảo tin rằng những người cầu toàn đều biết rõ sự hoàn hảo không tồn tại, nhưng họ luôn cố gắng để đến gần nó, như thế sẽ tốt hơn nhiều nếu cứ vin vào cớ không có gì hoàn hảo để qua loa, xuề xòa. Cái dấu khoanh tròn tô đi tô lại nhiều vòng bằng mực đỏ quanh chi tiết sút chỉ ấy nhắc Lan Anh nhớ điều này. Một, hai, ba,…, mười, mười một, mười hai. Xong. Bảo đẩy lô hình trở vào chiếc bìa nhựa, lột miếng giấy dính viết “OK!” rồi ấn mạnh lên bìa, ném nó vào ngăn trên của chiếc khay hai tầng đựng hồ sơ – Nhận và Trả.
Rồi Bảo xoay ghế, kéo đến sát lớp cửa kính. Bên ngoài, trời dường như sắp chuyển mưa. Những hàng cây thân mảnh dẻ hai bên đường đang lắc lư dữ dội, những chiếc lá con con, tròn múp míp như muôn ngàn ngón tay be bé lắc lắc đòi mẹ.
Bảo nhìn qua lớp kính xuống khung cảnh dưới đường như bị thôi miên. Lớp kính trong suốt đến như không hiện hữu, tưởng chừng không có một ranh giới nào ngăn cách cô với những chuyển động bên ngoài kia. Chùm ruột. Bảo tự trách mình đã vội bỏ cuộc. Chẳng phải cô vẫn luôn làm mọi việc có thể, thử tất cả mọi cách khi gặp khó khăn, trở ngại đó sao? Nó gần như một nguyên tắc. Lần này, cô vẫn trung thành với nguyên tắc ấy, nhưng chưa đến nơi đến chốn. Nếu cô không ngại mà hỏi thêm, có khi họ đã bán hết cho cô chỗ chùm ruột của cả cây ấy.
Đi ngang căn biệt thự khiêm tốn nép sau những lớp cây xanh um tùm lá đến lần thứ mấy Bảo mới để ý thấy cây chùm ruột. Trái đã rụng thành một tấm thảm nhỏ vàng ruộm dưới gốc, vậy mà trên cành những trái xanh trái vàng vẫn ken dày, chen nhau ôm lấy nhánh. Chùm ruột. Thứ trái quê mùa giờ tìm ở cái thành phố này khó hơn cả tìm cho đủ số người mẫu chuyên nghiệp cho một sô diễn ra trò. Vậy nên Bảo vẫn mong được tin sơ nhắn về. Khi ấy cô sẽ gác lại mọi bận rộn để đến thăm sơ, để được sơ dúi cho túi chùm ruột thật tươi mua được của người nhà quê. Bảo vẫn tự trách mình để cho những lần về thăm sơ thưa dần, để rồi khi nhìn nụ cười hiền hậu của sơ thêm nếp nhăn và những ngón tay năng lần hạt thêm gân guốc, cô không khỏi cay mắt.
Bảo thích ăn mứt chùm ruột, do tự tay mình làm lấy. Không ai bày cho, chỉ như một thói quen trong ký ức xa xôi lắm không hình dung rõ, tự Bảo biết dùng chày giần cho trái chùm ruột hơi vỡ ra, đến tận hột nhưng không nát, rồi mới ướp đường trước khi đem sên. Càng vỡ đều, trái chùm ruột sẽ càng lên màu đỏ óng ánh. Bảo thích cái cảm giác được thong thả đẩy chiếc chày gỗ trên mâm chùm ruột, luồn ngón tay qua những trái đã tươm nước rồi chọn lấy một trái to nhất, vàng nhất bỏ vào miệng ngậm. Mỗi lúc như thế, không hiểu sao hai mắt Bảo lại cứ ứ đầy nước, vì chua chăng?…
***
Gõ vài tiếng vẫn không nghe “Vào đi em!” như thường lệ, Lan Anh đành đẩy cửa bước vào. Tia mắt ngay đến khay Trả, cô thở phào nhẹ nhõm. Bước ra cửa rồi, tấm bìa nhựa dính nhãn “OK!” cặp sát trước ngực như một báu vật, cô ngập ngừng rồi khẽ nhắc:
– Còn thư ban biên tập xong chưa chị? Cuối tuần này mình in rồi.
Nhưng vẫn không thấy Bảo lên tiếng hay gật, lắc gì, chỉ gập người sau lưng ghế về phía cửa sổ khiến Lan Anh không nén nổi tò mò phải kiễng chân ngó xuống đường. Không thấy gì lạ, cô biên tập viên mảng thời trang chép miệng rồi đóng cửa phòng.
Đã vài lần Lan Anh nghĩ đến việc nhận lời mời về làm việc từ những tờ báo khác, vì sự khe khắt và kiệm lời của Bảo khiến cô thấy mình kém cỏi. Nhưng có một điều Lan Anh không thể không thừa nhận, đó là Bảo không ác ý, cũng không hẹp hòi như nhiều người làm biên tập chính khác Lan Anh từng cộng tác. Nhìn thấy ánh mắt cô “lưu” lại hơi lâu trên chiếc túi Gucci trong bộ sưu tập mới toanh vừa được tặng, Bảo từng đẩy nó về phía Lan Anh: “Em thích thì cầm lấy”, khiến cô tròn mắt tưởng mình đang nằm mơ.
Hơn nữa, Lan Anh cảm nhận ở người phụ nữ này một phong thái vô cùng điềm tĩnh, ít suồng sã nhưng luôn khiến các đối tác nể trọng, và là một kho cảm hứng với các cộng sự. Trong những buổi tiệc, hội thảo, Lan Anh vẫn bắt gặp những ánh mắt thán phục lẫn ghen tỵ về phía Bảo và những tiếng gật gù (miễn cưỡng) với nhau: “Chuyên nghiệp!”. Cô cũng không chắc họ rõ thế nào là chuyên nghiệp, chỉ cảm nhận sếp mình khác họ, mà cái khác đó khiến Bảo đôi khi như một người lạ, không thuộc về cái thế giới suồng sã, có phần hời hợt này. Lan Anh tự nhủ mình vẫn học hỏi được nhiều từ Bảo, mà trước mắt sẽ là phân biệt cái nhìn “lạnh” với “thù ghét”, nhưng sao Bảo không chỉ rõ ra cho cô sự khác nhau nhỉ?
***
Con bé Hiền lại ngáp một cái rõ to. Bác Mai đã “biệt phái” nó ngồi canh cái cô xin chùm ruột từ ba bữa nay. Vậy là sáng nào cũng vậy, từ sáu cho tới bảy giờ sáng, nó kê cái ghế mây ra trước hè ngồi. Chẳng biết có ngủ quên lúc nào không nhưng mãi vẫn không thấy cô ấy. Hết tuần này nếu việc canh gác không kết quả gì, chắc nó sẽ xin bác Mai miễn cho nó, hoặc, nó chợt nảy ra một sáng kiến, nó sẽ viết vài chữ lên tấm bảng rồi treo trước cổng nhà để cô ấy có đi ngang qua sẽ thấy.
Đang lúc hí hửng với sáng kiến của mình, nó lơ đãng nhìn sang phía khu nhà chung cư thì thấy cái dáng như quen quen, nhìn xuống thấy đôi giày nhỏ màu đỏ, nó bật khỏi ghế, tung cổng chạy ra:
– Cô ơi! Cô!
Bảo quay lại. Là cô bé nhà có cây chùm ruột.
– Phải hôm bữa cô muốn xin chùm ruột hông? Bác con nói cho cô đó.
Còn bất ngờ chưa biết phải nói gì, Bảo đã thấy mình để yên cho cô bé nắm tay kéo về hướng căn biệt thự.
– Bác ơi! Cô ấy đây!
Bà Mai bỏ dở mớ rau đang nhặt, rửa tay rồi bước lên nhà trên. Vừa thấy người phụ nữ trẻ đang đứng tần ngần sau lưng Hiền, bà thấy tim thắt lại, hai chân bỗng từ chối sức ép đang đè trên chúng, khuỵu xuống. Bà bấu cả hai tay vào thành cửa, cố gắng giữ thăng bằng.
– Cô ngồi đi – Con bé Hiền nhanh nhảu, rồi chạy đi lấy nước.
– Chào bác – Vẻ phúc hậu đến dường như thân quen của người phụ nữ luống tuổi nhưng trông vẫn gọn gàng, thanh nhã đã bắt đầu khiến Bảo cảm thấy tự nhiên hơn, cô khẽ mỉm cười – Con xin lỗi làm phiền gia đình. Vì không hiểu sao bây giờ chùm ruột khó kiếm quá, mà nhà mình lại để rụng đầy sân. Con nghĩ… không biết nhà mình có dùng đến không, nếu không thì con xin mua. Quét bỏ uổng, tội mấy trái chùm ruột.
– À, ừ… Ở nhà bác đúng là không ai ăn chùm ruột, vì… – Ánh mắt bà Mai dừng thật lâu trên khuôn mặt Bảo, đến gần như quên mất mình đang nói gì – vì… chua quá. Con… thôi để bác kêu cái Hiền nó lùa trái xuống cho… con.
Nói rồi bà Mai đứng dậy. Bảo vội đứng lên theo:
– Bác cho con mua hết chỗ chùm ruột này. Nếu không lúc chùm ruột lại đậu trái, con không dám ghé xin nữa đâu.
– Ở đời phải có cái duyên – Bà Mai như nói một mình – Duyên của con với cây chùm ruột nhà này sao có thể mua được.
Con bé Hiền bắc cái thang sát cây chùm ruột rồi leo lên, tay tuốt trái tay cầm rổ hứng. Bảo đứng dưới vịn chân thang cho thêm chắc, ngẩng mặt nhìn. Ánh nắng sớm xuyên qua những lớp lá xanh non làm khuôn mặt Bảo thêm ửng đỏ. Trái lớn, trái bé không kịp rơi vào rổ, rụng tung tóe xuống đất nghe lạo xạo, rụng trúng cả mặt Bảo khiến cô vừa xuýt xoa vừa cười giòn tan. Hết đợt “thu hoạch”, Hiền, Bảo và bà Mai cùng tụm dưới gốc cây gom trái rụng.
Hai bàn tay vô tình lùa vào nhau, bà Mai giữ chặt bàn tay Bảo. Chiếc nhẫn mặt đá ruby trên ngón giữa. Mặt đá hình chữ nhật to quá cỡ với một đứa trẻ lên ba nhưng…
“Vòng nhẫn bóp lại to nhỏ được sơ à. Như vậy Bảo nó sẽ đeo được luôn. Sau này những ngón tay con bé sẽ thuôn dài thật đẹp. Nó sẽ nhớ…”.
– Cha, cô có cái nhẫn đẹp quá ta!
Bà Mai giật mình, trở về thực tại. Bối rối, nhưng bà không thể cưỡng lại:
– Bác có thể xem được không? Chiếc nhẫn… đẹp lắm.
Lúc này Bảo mới có thể bắt được ánh mắt của bà Mai. Cô nhìn thật lâu, đủ lâu để ngờ ngợ cái cảm giác thân quen. Rồi Bảo khẽ gật, nới vòng nhẫn, kéo ra khỏi ngón, trao cho bà.
Bà Mai xoay chiếc nhẫn một vòng gọn gàng và tự nhiên, nhưng chữ “BẢO” thật nhỏ khắc ở mặt trong vòng nhẫn lướt đi sau vòng xoay nhanh khiến bà chóng mặt, tim thắt lại một lần nữa. Chữ “BẢO” bà biết rõ phải nằm ở đấy. Bà ngồi bệt xuống nền cỏ.
– Bác Mai! Bác sao vậy? – Con bé Hiền hốt hoảng.
– Không, không sao – Bà Mai xua tay – Tại nắng thôi. Con kiếm cái túi để cô… à, chị, đem chùm ruột về – Rồi bà quay sang Bảo, giọng run run – Bác xin lỗi. Bác phải vô trong nghỉ. Con… thỉnh thoảng… lại ghé chơi…
Ánh mắt bà nhìn Bảo như van nài. Bảo gật.
***
Bà Mai châm thêm trà cho Otto, xắn cây tăm vào trái chùm ruột đỏ ruộm, óng ánh:
– Anh thử đi.
Otto ngậm trái chùm ruột trong miệng, mắt nhắm chặt ra chiều chua không chịu nổi.
– Thôi đi anh. Không qua mặt được em đâu – Bà Mai bật cười. Otto lúc nào cũng vậy, luôn khiến bà cảm thấy không chỉ yên ổn mà còn lạc quan vì sự hài hước luôn sẵn của ông. Mái tóc chuyển trắng từ lúc bắt đầu ba mươi càng khiến ông trông hiền hậu, dịu dàng. Nếu không có ông, đôi khi bà tự hỏi cuộc đời bà sẽ rẽ sang con đường nào. Bà càng cảm kích hơn khi đã ở vào tuổi này, ông vẫn đồng ý cùng bà trở về ViệtNam.
– Ngon quá! Vậy là anh phí đi cả mấy năm nay ở đây rồi. À, mà trái “chum ruốt” sống ăn thế nào? Thấy cái Hiền cứ quét bỏ thùng rác, anh tưởng trái cây dại không ăn được – Nói rồi ông lấy tay vỗ vỗ đầu, vẻ không tin nổi mình.
Bà Mai mỉm cười đứng dậy bước tới gốc chùm ruột. May mắn tìm được một trái nhỏ còn sót lại sau đợt “thu hoạch”, bà rửa cẩn thận dưới vòi nước cạnh gốc cây rồi đưa ông.
– Ôi trời ơi! – Otto kêu lên thất thanh, lần này thì tất cả những nếp nhăn đổ dồn về làm một trên khuôn mặt ông là thật.
Bà Mai dịu dàng:
– Thì đấy, nên em có bảo anh thử bao giờ đâu.
Otto kéo bà về phía mình, hôn lên trán, thì thầm:
– Chua hay ngọt nếu em ăn anh cũng ăn. Đừng bỏ đi hay giấu anh, nhé?
Bà Mai để yên đầu mình trong ngực Otto. Nước mắt đã ướt một mảnh áo ông từ khi nào.
***
Bảo ngồi trong văn phòng hoàn toàn yên lặng. Cửa phòng xoay bảng “Bận” và điện thoại để kênh máy. Bàn làm việc bày kín những hình ảnh ngẫu hứng cắt, in ra từ báo chí, internet làm cảm hứng cho số tháng tới mà cô đã xoay chuyển, xáo trộn thật lâu nhưng không thể tạo thành một bản nháp ý tưởng. Bảo yêu công việc của mình. Bỏ qua những hời hợt không thể thiếu trong cái thế giới thời trang này, Bảo luôn tìm được hứng khởi trong nhịp chuyển động không ngừng của nó. Bảo thấy cuộc sống thật ý nghĩa khi cô có thể giúp phụ nữ làm đẹp cho mình. Dường như Bảo sinh ra đã được số phận ban cho một sự nhạy cảm với cái đẹp, cho dù tuổi thơ cô lớn lên chỉ trong sự giản dị của hai gam màu trắng đen, và sự yên ả của những tâm hồn cầu bằng an cho nhân loại.
Mọi chuyện diễn ra nhanh đến độ Bảo thấy chênh vênh giữa mơ và thực. Hôm qua Bảo đã đem mứt chùm ruột tự tay làm sang nhà bà Mai. Không nói được gì nhiều, Bảo chỉ ngồi yên lặng thật lâu, cố ép dòng nước đầy ứ hai mắt ngược vào trong. Người đàn ông tóc bạc trắng tên Otto đã ý nhị cảm ơn cô rồi lui vào trong, để lại bà Mai với cô và hàng hiên đầy nắng.
– Sơ à. Cuộc sống có nhiều điều lạ lắm phải không sơ? Người ta vẫn nói có mong, có chờ rồi sẽ được. Nhưng đến lúc được rồi người ta lại muốn cuộc sống vẫn bình thường trôi đi, biết rằng có mong, có chờ, và đã được…
Bảo xoay xoay chiếc nhẫn. Mặt đá ruby đỏ thắm óng ánh dưới ánh nắng xuyên qua cửa kính. Ngày còn đi học, lũ bạn vẫn trêu Bảo cột cục đá vào tay, giờ thì ai nhìn thấy nó cũng ghen tỵ.
Bất chợt những tấm ảnh to, nhỏ bày lộn xộn trước mắt Bảo xâu chuỗi nên một câu chuyện thật rõ ràng. Bảo khẽ gật đầu, mỉm cười, rồi cô xoay ghế về phía màn hình máy tính, bắt đầu gõ những dòng bản thảo cho thư ban biên tập số tháng tới: Xu hướng vintage đang trở lại mạnh mẽ. Những chiếc đầm maxi bay bổng, những chiếc quần jeans ống vẩy gợi nhớ hình ảnh của Sài Gòn thập niên 1970 như một ký ức đẹp. Gác lại những bận rộn của công việc, tôi tự thết mình ngày cuối tuần với mứt chùm ruột và một bộ phim kinh điển thời đen trắng để tìm cảm hứng. Thời trang vintage không đơn giản là lôi một chiếc áo cũ của bà hay mẹ ra mặc, nó là cả một nghệ thuật – nghệ thuật nối kết cái cũ với cái mới, quá khứ với hiện tại, và vì vậy thành công hay không tùy thuộc ở chính bạn…
***
Con bé Hiền chẳng hiểu chuyện gì mà bác Mai với cái cô biên tập (nó đã phát hiện ra hình cái cô xin chùm ruột ở ngay trang trong tờ tạp chí, chỗ đề “Thư ban biên tập”) cứ ngồi yên lặng ngoài hè. Nhưng nếu biết từ giờ sẽ không phải bấm bụng bỏ tiền mua tờ Nàng nữa, chắc nó sẽ mừng rơn.