Nhưng ở những nước đang phát triển, nơi mà đa số người dân phải sử dụng từ 50 – 70% thu nhập cho cái ăn thì sự gia tăng giá thực phẩm như trên là một đại họa.
Hiện tượng thiếu nước ngày càng lan rộng trên thế giới
Không khó nhận ra những yếu tố đã tác động trực tiếp lên tình hình lương thực – thực phẩm trong thời gian qua.Về mặt cầu, sự gia tăng dân số và việc sử dụng cây lương thực cho sản xuất nhiên liệu đã đẩy mức độ tiêu thụ thực phẩm lên cao trong những năm gần đây. Về mặt cung, nạn xói lở đất, tình trạng thiếu nước cho canh tác nông nghiệp và sự nóng lên của Trái đất dẫn đến hiện tượng hạn hán ở nhiều nơi khiến cho năng suất và sản lượng cây lương thực bị sa sút trầm trọng. Ở nửa sau thế kỷ XX, nguồn dự trữ lương thực còn rất dồi dào. Năm 1965, để giúp chính phủẤn Độ đối phó với nguy cơ một nạn đói đang gần kề, Mỹ đã chở sangNew Delhimột lượng lúa mì bằng 1/5 tổng sản lượng mà họ gặt hái được. Nay thì một kịch bản như thế không thể xảy ra, vì lượng lương thực dự trữ toàn cầu đã giảm sút trầm trọng. Trong khoảng thời gian giữa những năm 1986-2001, lượng lương thực dự trữ bình quân hằng năm đủ cho cả thế giới sử dụng trong 107 ngày; giữa những năm 2002-2011, khoảng thời gian này rút lại chỉ còn 74 ngày, đặt nhân loại trước nguy cơ khủng hoảng lương thực trong trường hợp có một biến động nào đó do thiên nhiên hay con người gây ra. Một số nhà nghiên cứu liên hệ thời hiện đại với sự sụp đổ của hai nền văn minh Sumer và Maya; trong khi nền văn minh Sumer sụp đổ do đất bị ngập mặn, không thể làm nông nghiệp, thì nền văn minh Maya lại gặp tình trạng xói lở đất. Ngày nay, bên cạnh những yếu tố đó, nền văn minh hiện đại còn bị đe dọa bởi một bầu khí quyển chứa quá nhiều carbon dioxide. Một trong những mục tiêu hàng đầu của các nhà hoạch định kinh tế và nông nghiệp trên thế giới là làm sao nâng số lương thực dự trữ lên đến mức sử dụng được trong 110 ngày, một việc đòi hỏi phải có những nỗ lực đồng bộ và không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Nhật Nam theo IPS, Le Monde…