Đã tròn hai năm kể từ khi người dân Ai Cập xuống đường tham gia cuộc cách mạng mang tên “Mùa xuân Ả Rập”, lật đổ chế độ tồn tại nhiều thập niên qua của Tổng thống Hosni Mubarak, tất cả mọi thứ ở đây vẫn còn đang ngổn ngang như ngày nào, ngoài việc đã có một tổng thống dân sự được bầu ra đang đối mặt với nhiều gian nan, bất trắc. Kỷ niệm năm thứ hai cuộc cách mạng Ai Cập được đánh dấu bằng việc hàng trăm nghìn người xuống đường trên khắp đất nước để đòi loại bỏ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi, được bầu lên một cách dân chủ và được phương Tây bất đắc dĩ phải ủng hộ. Tại sao lại bất đắc dĩ? Vì ông ta xuất thân từ một tổ chức mà trước đó Mỹ và phương Tây “không muốn nhìn mặt”, đó là tổ chức “Anh em Hồi giáo”. Hai năm sau khi chế độ Mubarak sụp đổ, bây giờ người ta lại thấy những băng rôn, biểu ngữ giăng đầy trên các quảng trường, đường phốở Cairo và những thành phố lớn, với dòng chữ: “Người dân muốn chế độ sụp đổ”, “Morsi hãy ra đi”, “Bánh mì, tự do và công bằng xã hội”. Trước khi diễn ra các cuộc biểu tình này, Tổng thống Morsi cho biết ông đã lập kế hoạch tiến hành một cuộc trấn áp đẫm máu chống những người biểu tình. Trong một bài diễn văn đọc tại Đại học Azhar ở thủ đô Cairo nhân ngày lễ Milad AL-Nabi (ngày ra đời của Đấng tiên tri Mohamed), Morsi đã khẳng định rằng, các lực lượng phản cách mạng, mà theo ông, là những kẻ còn sót lại của chế độ Mubarak, đang tìm ách “phá hoại nhà nước”. Tiếp đó ông đã trình bày điều mà ông gọi là “chương trình cách mạng”, yêu cầu người dân Ai Cập cố gắng tập trung làm việc và sản xuất để tạo nên “một môi trường thích hợp cho đầu tư”.
Chính sách kinh tế – xã hội của chính phủ mới
Hiện nay Chính phủ Ai Cập đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về ngân sách cũng như một mối lo ngại về chính sách tiền tệ, thêm vào đó là sự bất bình của người dân. Các cuộc thương lượng với IMF cho một khoản vay 4,8 tỉ USD hiện đang diễn ra. Quyết tâm này liệu có thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào thực tế hiện nay trên chính trường Ai Cập.
Tổng thống Morsi kêu gọi đàm phán
Về những thách thức, trước hết là để tránh đất nước phá sản, cần phải nghĩ tới một thỏa thuận với IMF. Đã có một bản ghi nhớ được ký giữa định chế quốc tế này và Chính phủ Ai Cập hồi tháng 12-2012, nhưng lại chưa hiện thực hóa sau các vụ lộn xộn trên đường phố Cairo sau khi Tổng thống Mohamed Morsi giành lấy cho mình quá nhiều quyền hành. Vì vậy các cuộc thương lượng mới vẫn đang diễn ra trong không khí rất khó khăn. Có điều là những người Hồi giáo thực sự không dịứng với các chính sách thắt lưng buộc bụng mà IMF đòi hỏi để đổi lấy khoản tín dụng cần thiết cho khả năng thanh toán của đất nước. Quân đội dính líu nhiều vào các công việc kinh tế, cũng có lợi khi thỏa thuận này được ký. Như vậy không một chủ thể có ảnh hưởng nào hiện nay thực sự phản đối việc tiến hành các cuộc cải cách cơ cấu.
Đụng độ trên đường phố
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc nền kinh tế sụt giảm là sự giảm sút thu nhập từ ngành du lịch, chiếm từ 5% đến 8% tổng sản phẩm quốc nội. Khoản thu nhập này giảm trong hai năm qua, nhất là khi nhiều tour trong nước bị hủy bỏ, một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia này.
Các chính sách thuế khóa
Dường như giấc mơ về một sự thay đổi triệt để và một tương lai tốt đẹp hơn sau cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” diễn ra ở Ai Cập vẫn không thể thực hiện được. Tất cả các biện pháp đã được tổng thống và chính phủ thông báo đều nhằm mục đích duy nhất nhằm trấn an các nhà kinh doanh là không áp dụng thuế mới, đồng thời với việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với nhiều sản phẩm thiết yếu. Nhưng, tiếc thay đây lại là một chính sách thuế khóa ngày càng tạo thuận lợi cho người giàu. Một tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về việc có thông qua hiến pháp mới hay không (nay thì hiến pháp đã được thông qua), chính phủ đã công bố một danh sách chính thức 50 sản phẩm thiết yếu bị tăng thuế gián tiếp trong đó có dầu ăn (5%), phân bón (5%), chất khử trùng và thuốc trừ sâu (5%), sắt (5%), xi măng (10%) và cũng tăng thuế dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, điện và khí đốt. Tuy nhiên, sau những phản ứng gay gắt của dân chúng trước việc tăng thuế, tổng thống đã ban hành một sắc lệnh hoãn việc áp dụng các mức thuế này đến thời hạn sau khi đã trưng cầu ý dân về hiến pháp để không gây ra nỗi bất bình của các công dân.
Căn cứ vào các chính sách được thực hiện, người ta nhận thấy rằng từ khi lên cầm quyền, ông Morsi đã dành ưu tiên cho việc tăng lương và tiền hưu trí cho các lực lượng vũ trang, cảnh sát và giáo viên các trường đại học. Điều đó chứng tỏ rằng đây là những thành phần quan trọng nhất và được chính phủưu tiên nhất.
Biểu tình chống Tổng thống Morsi
Theo “Mạng tin Trung Đông”, Ai Cập đang bị làn sóng bất ổn không ngừng tràn qua. Sau vài ngày biểu tình đường phố, hầu hết các thành phố lớn của Ai Cập đều bị nhấn chìm trong tình trạng xã hội bất ổn tăng cao giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh. Các cuộc đụng độ khiến hơn 60 người chết, hàng trăm người bị thương và số lượng lớn tài sản công cộng bị phá hủy. Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm tại ba thành phố lớn Port Said, Suez và Ismailia trong một tháng. Bất chấp tình trạng khẩn cấp, hàng ngàn người dân Ai Cập tiếp tục xuống đường biểu tình.
Những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo
Các đảng phái chính trị đối lập phản đối Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo (bao gồm các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc và tàn dư của chế độ cũ) đã bác bỏ lời kêu gọi đàm phán của Tổng thống Ai Cập đề tìm ra một giải pháp chính trị cho tình hình căng thẳng. Tuy nhiên, Mohammed Morsi đã tổ chức một cuộc đàm phán giữa các đảng Hồi giáo và lực lượng đối lập. Những chiếc ghế trống trong cuộc họp này, được truyền hình trực tiếp trên sóng đài truyền hình quốc gia, đã chứng tỏ cuộc họp chẳng được mấy phe nhóm phi tôn giáo hoan nghênh. Mặt khác, người dân Ai Cập nhìn chung thường ủng hộ những nỗ lực của tổng thống trong hòa giải và tìm ra một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng, nhưng các đảng phái đối lập lại từ chối đề nghị đàm phán của tổng thống và thổi bùng ngọn lửa bất ổn. Người dân Ai Cập đã chán ngán với tình trạng bất ổn trên đường phố vì làm phá vỡ cuộc sống bình thường cũng như các sinh hoạt công cộng. Bằng cách đề xuất các cuộc đàm phán thay cho tình trạng bất ổn trên đường phố, Morsi đã giành thêm được một điểm thông qua các sáng kiến nhìn chung được toàn xã hội Ai Cập chấp nhận. Mặt khác, sự kiên định của các đảng phái đối lập trong phản đối đàm phán hoặc đưa ra các điều kiện tiên quyết để tham gia đàm phán nhìn chung bị xã hội Ai Cập lên án.
T.L tổng hợp