Trung tuần tháng 2-2013, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố kết quả khảo sát tình hình mua bán vũ khí trên thế giới vào năm 2011 (năm 2012 chưa có dữ liệu), theo đó doanh số vũ khí trên thị trường đạt khoảng 410 tỉ USD, sụt giảm 5% so với năm 2010. Một trong những lý do dẫn đến sự sụt giảm này là tình trạng suy thoái kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới, kế đó là sự kết thúc của cuộc chiến Iraq và quan trọng không kém là các dữ liệu do SIPRI công bố không bao gồm doanh số mua bán vũ khí do Trung Quốc thực hiện trong thời gian trên.
Đi sâu hơn vào thị trường mua bán vũ khí toàn cầu, điều dễ dàng nhận ra là Mỹ và Tây Âu là hai nguồn cung cấp lớn nhất. Hãng Lockheed Martin của Mỹ đứng đầu danh sách với doanh số bán năm 2010 đạt 35,7 tỉ USD, kế đến là BAE System của Anh với doanh số 32,9 tỉ USD, đạt 95% tổng doanh số các sản phẩm trong năm 2010 của doanh nghiệp này. Sau hai người khổng lồ trên là hãng Boeing (Mỹ), chuyên sản xuất máy bay, với 31,4 tỉ USD; hãng Northrop Grumman (Mỹ), công ty đóng tàu lớn nhất thế giới, với 28,2 tỉ USD, và General Dynamics (Mỹ) với 23,9 tỉ USD. Số vũ khí được người mua sử dụng vào hai mục đích chính: dự phòng và đáp ứng nhu cầu chiến đấu trong các cuộc xung đột đang diễn ra, đặc biệt tại hai điểm nóng Syria và Mali, nơi các trận đánh đang ngày càng khốc liệt giữa quân chính phủ và các lực lượng quân nổi dậy.
Báo cáo của SIPRI cũng không phản ánh đúng toàn bộ tình hình mua bán vũ khí toàn cầu, vì Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, vẫn còn là một ẩn số. Nhưng có một điều rõ ràng là tình trạng giảm sút của doanh số vũ khí quy ước đã khiến cho nhiều tập đoàn vũ khí lớn chuyển một phần hoạt động sang lĩnh vực an ninh mạng (cybersecurity). Theo nhận định chung của các nhà bình luận, trong tương lai chưa thể nói lên điều gì, vì thị trường vũ khí lệ thuộc rất nhiều vào tình hình thế giới luôn biến động.
Lê Cẩn theo Al Jazeera, Reuters…