Nối tiếp làn sóng kinh doanh Airbnb (khởi đầu là chia sẻ chỗ ở trống, nhưng đến nay đã trở thành dịch vụ cho thuê chỗ ở ngắn ngày), tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh hiện nay xu hướng cho thuê văn phòng ngắn ngày cũng đang nở rộ. Các hợp đồng giữa người cho thuê và người thuê văn phòng có thể chỉ tính theo tháng, thậm chí theo tuần chứ không nhất định phải kéo dài hàng năm như với văn phòng truyền thống.
Nhu cầu thuê văn phòng ngày càng lớn và đa dạng
Theo khảo sát của VnExpress, trong mấy tháng qua tại quận 1, 3 TP. Hồ Chí Minh đang rộ mô hình kinh doanh cho thuê văn phòng làm việc với quy mô nhỏ lẻ chưa từng có từ trước tới nay. Các gói thuê cho khách có nhu cầu chỉ một vài chỗ ngồi ngày càng nhiều. Khách thuê là những người làm việc tự do, người khởi nghiệp hoặc các chuyên gia nghiên cứu thị trường đến từ nước ngoài. Những người này làm việc độc lập trong thời gian ngắn hoặc công việc không ổn định trong thời gian dài, nên chỉ có nhu cầu thuê một chỗ ngồi làm việc từng tháng một ở khu trung tâm Sài Gòn.
Trước làn sóng khởi nghiệp lan rộng và giao dịch thuê ngày càng đơn giản nhờ internet, nhu cầu thuê chỗ ngồi làm việc ngắn hạn đang dần trở thành một thị trường ngách khá hấp dẫn. Với mức thuê từ 3 đến 7 triệu đồng/chỗ ngồi/tháng và hợp đồng có thể tính theo tuần, công suất cho thuê văn phòng ở khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh đang được đẩy lên cao hơn hẳn. Một phần nguồn cung lớn của phân khúc này là khoảng diện tích trống “lỡ cỡ” khó cho thuê của các tháp văn phòng. Hiện nay công suất cho thuê văn phòng hạng A và B ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã đạt mức khoảng 95%, nếu xu hướng cho thuê chỗ làm việc ngắn hạn tiếp tục phát triển mạnh thì thị trường văn phòng cho thuê cao cấp sẽ càng sôi động.
Ông Stephen Wyatt, Giám đốc Công ty nghiên cứu JLL Việt Nam cho rằng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, các tập đoàn công nghệ sẽ tiếp tục tìm thuê văn phòng và sẽ lấp đầy 15 – 20% tổng sàn văn phòng hằng năm trong thập niên tới, so với mức 5 – 10% của ba năm trước. Như vậy, với nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp đang dần chuyển sang mô hình văn phòng không gian linh hoạt và văn phòng chia sẻ. Văn phòng linh hoạt đặc biệt phù hợp với các công ty khởi nghiệp khi các doanh nghiệp này có tốc độ mở rộng nhanh chóng, quy mô văn phòng sẽ đi song song với tốc độ tăng trưởng của công ty. Các đơn vị có thể tiết kiệm kinh phí thuê văn phòng cố định để tập trung phát triển sản phẩm.
Theo ý kiến người trong ngành, các yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp chọn không gian linh hoạt gồm: Tính linh hoạt để đáp ứng thay đổi về số lượng nhân viên, dịch vụ tiện lợi, tạo điều kiện cho nhân viên sáng tạo, tính cộng đồng từ các hoạt động và sự kiện, hiệu quả hơn về mặt chi phí. Về giá thuê, giữa văn phòng truyền thống với văn phòng linh hoạt thì chi phí thuê văn phòng có không gian linh hoạt sẽ rẻ hơn khoảng 5% vì không người thuê không phải mua sắm các vật dụng trong văn phòng như bàn ghế, tủ… Theo khảo sát của Công ty Regus, trong số khách hàng đang sử dụng dịch vụ văn phòng linh hoạt tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài và người nước ngoài đang chiếm tỷ lệ đáng kể, ước tính khoảng 55%. Môi trường này là cơ hội để các công ty giao lưu, kết nối và tìm kiếm khách hàng, đối tác và cộng sự… để phát triển.
Theo thông tin từ Công ty Bất động sản Savills Việt Nam, Atlas – một thương hiệu coworking space (văn phòng chia sẻ) lớn trên toàn cầu sẽ thuê bảy tầng tại cao ốc văn phòng hạng A Alpha Town (Q.1) nhằm khai thác cho thuê lại. Trước Atlas, nhà điều hành văn phòng kiểu mới của Mỹ WeWork cũng nhắm đến một cao ốc có vị trí đắc địa tại quận 4 để kinh doanh mặt bằng cho thuê theo mô hình mới này.
Bất động sản trung tâm “nóng” nhờ giới nhà giàu toàn quốc
Nhiều người trong nghề cho rằng bất động sản trung tâm TP. Hồ Chí Minh ngày càng có giá trị một phần là nhờ internet và hàng không phát triển mạnh. Khoảng bốn năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của thị trường căn hộ cao cấp là làn sóng mua nhà để đầu tư của giới nhà giàu miền Bắc. Số liệu từ CBRE cho thấy trong số khách hàng mua bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh thì lượng khách hàng người Hà Nội chiếm khoảng 20 – 30% tổng lượng giao dịch. Người Hà Nội chủ yếu tìm kiếm các loại bất động sản hạng sang ở quận 1 và quận 3, trong đó 86% là ở quận 1 do có lợi thế về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông phát triển và thuận tiện cho các hoạt động thương mại. Điều này một phần còn do niềm tin của người Hà Nội rằng bất động sản trung tâm sẽ tăng giá tốt và là nguồn đầu tư sinh lời.
Theo báo cáo The Wealth Report do đơn vị tư vấn bất động sản tự do Knight Frank thuộc Vương quốc Anh công bố, số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (UHNWI) ở Việt Nam đã tăng trưởng đến 320% – tỷ lệ cao nhất thế giới từ năm 2006 đến 2016, theo sau là Ấn Độ và Trung Quốc. Chỉ số này dự kiến tăng khoảng 170% từ 2016 đến 2020. Đi cùng với thực tế trên là nhu cầu sở hữu bất động sản giá trị cao cũng tăng nhanh.
Cũng theo số liệu tổng hợp gần đây từ CBRE Việt Nam, tỷ lệ bán của các căn hộ cao cấp ở quận 1 là 89%. Căn hộ cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh có mức sinh lời 6 – 8%/năm, gần gấp đôi so với ở Hà Nội. Khảo sát từ các dự án hạng sang hiện hữu tại khu vực trung tâm quận 1 cho thấy giá thuê thấp nhất 15 USD một m2 mỗi tháng và cao nhất là 37 USD.