Nhân Ngày Hàng hải thế giới 27-9, một hội nghị của các nhà ngoại giao, các nhà khoa học về đại dương và hàng hải đã được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, mở đầu cho một loạt các cuộc đàm phán sau này. Trong hai năm tới, các cuộc đàm phán có thể dẫn đến việc ký kết một hiệp ước mới để bảo vệ các vùng biển chưa được và chưa thể quản lý khỏi việc bị lợi dụng khai thác.
Cùng với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc để bảo tồn và sử dụng các đại dương cũng như nguồn tài nguyên biển cho phát triển, các quy định mới về an ninh an toàn hàng hải đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Đầu năm 2018 tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) lần đầu tiên đạt được sự đồng thuận về biện pháp cắt giảm một nửa lượng chất thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Việc kêu gọi sự quan tâm và bảo vệ tốt hơn đối với môi trường tưởng chừng như là điều hiển nhiên, nhưng trong một số trường hợp lại rất khó thực hiện. Lý do: hầu hết các nước ven biển đều tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế cách bờ biển 200 hải lý và quan tâm ngày càng nhiều hơn đến việc hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trong khi đó tài nguyên ở đáy đại dương thuộc các vùng hải phận quốc tế được xem là di sản chung của nhân loại. Điều này có nghĩa là không ai được quyền khai thác các nguồn tài nguyên đó cho đến khi thế giới đạt được đồng thuận về cách thức nhân loại cùng được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên quan trọng này. Yêu cầu trên đã không được thực hiện trong ngư nghiệp do không tổ chức nào có thẩm quyền để xác định và kiểm soát việc sử dụng bền vững tài nguyên này, dẫn tới mạnh ai nấy làm trong khai thác thủy sản, gây tổn hại và làm cạn kiệt nguồn cá ở khắp nơi. Quy mô lớn của thách thức này thể hiện ở chỗ phải mất nhiều thời gian thế giới mới có thể thảo luận nghiêm túc về quản lý, bảo tồn và bảo vệ đại dương cùng nguồn lợi biển.
Đây là vấn đề chung của toàn thế giới, đặc biệt là đối với các nước châu Phi mà tiếng nói vốn rất hạn chế. Các vấn đề hiện đang được thảo luận cũng không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia ven biển mà các nước không giáp biển vẫn có quyền theo đuổi lợi ích hàng hải.
Chủ đề hội nghị IMO lần này là “Di sản của chúng ta – Hàng hải an toàn hơn cho tương lai tốt đẹp hơn”. Trong 70 năm qua IMO – cơ quan chuyên trách về hàng hải của Liên Hiệp Quốc – đã và đang gánh vác trách nhiệm ban hành và thực thi một loạt các luật hàng hải. Tuy nhiên vai trò của IMO trong việc tạo lập đường hàng hải an toàn hơn và cải thiện tự do đi lại cần được đánh giá trong bối cảnh các cuộc họp cấp cao hiện đang diễn ra. Các hội nghị này sẽ quyết định tương lai quản trị và mức độ trong lành của biển và đại dương. Mới đây, Nam Phi tuyên bố sẽ đăng cai tổ chức Đại hội đồng IMO vào Ngày Hàng hải quốc tế năm 2020. Đây sẽ là một trong những hội nghị hàng hải quốc tế cao nhất, tập hợp các quan chức cấp cao từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về chủ đề hàng hải của năm.
– Theo Dailymaverich (Nam Phi)