Đã bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi, không tỉnh táo, dễ cáu bẳn mặc dù đã ăn uống đầy đủ hay ngủ đủ giấc? Đó có thể do bạn chưa biết cách vận hành đồng hồ sinh học của cơ thể một cách hiệu quả. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn sắp xếp thời gian sinh hoạt hiệu quả hơn.
Đồng hồ sinh học của cơ thể là gì?
Bất kỳ một sinh vật nào, con người, thực vật hay động vật, cũng đều có một đồng hồ sinh học riêng của mình. Nó giúp điều khiển giấc ngủ, thói quen, cảm xúc cơ thể. Vậy nên việc tuân thủ quy tắc này có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và sức khỏe của mỗi người.
Ba nhà khoa học người Mỹ Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young vừa nhận được giải thưởng Nobel về Sinh lý học hoặc Y khoa năm 2017 vì những khám phá về cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học – hay còn gọi là đồng hồ sinh học.
Ủy ban của giải thưởng danh giá nhất này cho biết: “Phát hiện này có ý nghĩa to lớn tới sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Nếu chúng ta làm hỏng hệ thống, nó sẽ gây ảnh hưởng lớn tới quá trình trao đổi chất”.
Chúng ta đã thực sự tuân thủ đồng hồ sinh học?
Trong vài thập niên qua, những đổi mới về công nghệ đã tác động đến loài người một cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, cuộc sống càng hiện đại, càng sản sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học hơn. Việc du lịch di chuyển đến các vùng có múi giờ khác nhau, sự ra đời những công ty 24 giờ và đặc biệt, sự xuất hiện của internet đều ảnh hưởng đến múi giờ sinh học của mỗi chúng ta.
Hay một vấn đề đáng quan ngại khác, ngủ ít, làm nhiều, được những người thành công chia sẻ như chỉ ngủ 4-5 tiếng/ngày để dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Quan điểm này, chắc chắn các bạn đã được nghe, đọc rất nhiều từ không ít những tờ báo, sách dạy làm giàu. Vô hình chung, nó biến việc ngủ ít trở thành tấm huân chương danh giá cho bất kỳ ai muốn thành công hoặc được coi trọng. Nhưng, đó cũng chính là một trong những lý do “nghe có vẻ chính đáng” nhất, để chúng ta phá vỡ đồng hồ sinh học của mình.
Không những thế, bằng cách này hay cách khác, chúng ta đang ngày càng phá hủy sức khỏe của chính mình ngay từ khi còn trẻ. Theo báo Thanh niên, tỷ lệ học sinh trung học phổ thông có thói quen không ăn sáng, trưa và tối lần lượt là 17,4%, 2,6%, 2,4%. Tỷ lệ học sinh nội thành bỏ bữa ăn sáng chiếm đến 20,3% cao gấp đôi ngoại thành (11,7%) và vùng ven là (11,4%). Lý do chủ yếu khi các em quyết định bỏ bữa là vấn đề thời gian (51,6%), số còn lại là do các nguyên nhân: thói quen, lười, mệt mỏi, tiết kiệm tiền…
Cũng theo một nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố, ăn tối 2 giờ trước khi đi ngủ, hoặc sau 19g có thể gây bệnh nhồi máu não.
Các nhà khoa học đã khảo sát 721 người đang bị bệnh cao huyết áp có độ tuổi trung bình là 53 tuổi thực hiện việc ăn tối sau 19g. Kết quả không ngoài dự đoán, huyết áp của những người này hầu như không hề giảm trong khi ngủ.
Hoạch định thời gian sinh hoạt theo đồng hồ sinh học để cơ thể làm việc hiệu quả nhất
Chúng ta không phải là những cỗ máy, có được một thời gian biểu hợp lý sẽ khiến bạn phải bất ngờ vì không những sức khỏe được cải thiện, năng suất làm việc cũng sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn sắp xếp thời gian sinh hoạt hiệu quả hơn.
Ăn sáng trong vòng 90 phút kể từ khi thức dậy
Bữa ăn sáng được xem như bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Sau một đêm nghỉ ngơi, cơ thể bị cạn kiệt “nhiên liệu”, vòng quay sự trao đổi chất chậm lại, nạp khoảng 300 calo vào buổi sáng giúp bạn bổ sung năng lượng cần thiết cho bạn bắt đầu ngày mới.
Uống cà phê sau 9g30
Vào thời điểm từ 6-8 giờ sáng, hormone căng thẳng cortisol có xu hướng tăng. Do đó, bạn không nên sử dụng đồ uống có caffeine lúc này. Thời điểm tốt nhất để nhâm nhi tách cà phê là sau 9g30 sáng.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trước 10g
Tiếp xúc với ánh nắng chỉ với 15 phút/ngày có thể khiến não bạn ngừng tiết ra các hormone melatonin giúp ngủ ngon, khiến bạn tỉnh táo hơn và tăng cường tâm trạng khi thức dậy.
Ăn tối trước 19g
Như phần trên, chúng ta thấy được việc ăn tối muộn đem đến những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực với cơ thể. Với việc dùng bữa trước 19g, ngoài việc giảm đi những vấn đề có thể mắc phải từ đường tiêu hóa, nạp năng lượng đúng thời điểm cho các cơ quan sẽ mang đến cho bạn một sức khỏe tốt, ngủ ngon hơn, và tỉnh táo “gấp bội” trong ngày hôm sau.
Ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm
Các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ cho biết, trong thời điểm từ 24g – 6g sáng nhiệt độ cơ thể ở vào mức thấp nhất và ngủ sâu nhất và đạt đỉnh lúc 0g – 3g sáng. Khi có được một giấc ngủ tốt sẽ cho chúng ta tỉnh táo hơn vào ngày hôm sau. Ngoài ra, 7 giờ/ngày là thời gian ngủ tối thiểu để cơ hồi phục sức khỏe hoàn toàn.
Rèn luyện cơ thể
Việc rèn luyện cơ thể đem đến mọi thứ mà bạn cần: sự tỉnh táo, trao đổi chất tốt hơn, cải thiện sức khỏe, vóc dáng,… Luyện tập thể dục thể thao luôn đem lại sự tối ưu cho hành trình chinh phục bất kỳì ước mơ nào. Ngoài ra, khoảng thời gian 17g – 18g là thời điểm thích hợp nhất để đến phòng gym, hay lớp học nhảy, vì đây là thời điểm nhiệt độ cơ thể đạt đỉnh, có nghĩa là bạn cảm thấy năng động và ít có nguy cơ chấn thương hơn. Hãy vận động để giúp đồng hồ sinh học của bản thân vận động một cách hiệu quả.
– Theo Lifestyle