Có nhiều lý do để cha mẹ cần khích lệ tinh thần lạc quan ở con trẻ. Tinh thần lạc quan mang lại những ảnh hưởng tích cực và lâu dài đối với sức khỏe thể chất và tinh thần mỗi người.
Những đứa trẻ lạc quan sẽ ứng phó tốt hơn với thử thách của cuộc đời và sống hạnh phúc hơn. Sau đây là sáu cách để nuôi dưỡng tinh thần lạc quan ở trẻ và cũng mang lại những lợi ích tích cực cho cả gia đình bạn.
Đừng phàn nàn
Nếu bạn càng than vãn về các vấn đề tiền bạc hoặc về một ngày làm việc tồi tệ thì có nhiều khả năng con của bạn cũng sẽ làm theo như thế. Thay vào đó, hãy tập trung hơn vào khía cạnh tích cực, nói về những nỗ lực đã thành công, về những chuyện vui trong cuộc sống.
“Hôm nay, mẹ đã hoàn thành một dự án lớn ở công ty. Mẹ vừa tình cờ gặp lại người bạn cũ trong tòa nhà văn phòng”. Cha mẹ có thể tạo thói quen để mỗi thành viên trong gia đình cùng chia sẻ điều tuyệt vời nhất và tồi tệ nhất xảy ra mỗi ngày. Mục tiêu là để tập trung vào khía cạnh tích cực và nói đến “điều tốt đẹp mà mỗi người hy vọng cho ngày mai”.
Đề ra những mong đợi
Từ khi trẻ bước vào độ tuổi mầm non, bạn có thể lập một danh sách “những việc cần làm” và dán trong phòng để nhắc trẻ dọn giường, chải răng hoặc dọn phòng. Một bà mẹ chia sẻ rằng ý tưởng này không chỉ giúp cô giảm bớt gánh nặng công việc nhà mà bọn trẻ cũng rất phấn khích, tự hào khi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trẻ sẽ không thể hình thành thái độ lạc quan, “dám nghĩ dám làm” trừ phi chúng có cơ hội chứng tỏ khả năng. Những việc vặt này cần phù hợp với độ tuổi vì điều quan trọng ở đây là trẻ cần có cơ hội để thành công. Trẻ 3 tuổi có thể đặt quần áo bẩn vào giỏ, trẻ 4 tuổi sẽ mang chén đĩa đến chậu rửa, trẻ 5 tuổi thì đổ rác.
Khuyến khích trẻ mạo hiểm một cách hợp lý
Cha mẹ nào cũng cố bảo vệ con khỏi bị đau (hoặc cảm giác tổn thương). Nhưng nếu bạn vì muốn bảo vệ con nên không khuyến khích con tham gia một hoạt động mà trẻ không giỏi như các đứa trẻ khác, chúng sẽ trở nên kém tự tin và sự bi quan sẽ xuất hiện. Chắc hẳn bạn không muốn con mình ngại thử nghiệm những điều mới mẻ. Điều mà bạn muốn là trẻ sẽ về nhà và nói “Cha, mẹ ơi, con đã làm được rồi!”.
Đừng vội phản ứng
Nếu bạn nghe một đứa trẻ gọi con mình là “bà béo”, bản năng “gấu mẹ vĩ đại” sẽ khiến bạn muốn gọi ngay cho phụ huynh của chúng. Nhưng có lẽ bạn nên kiềm chế trước khi phản ứng vì đây là cơ hội để dạy con cách tự bảo vệ.
Cô con gái lớp hai có thể tự chuẩn bị cách trả lời với bạn khi chuyện này xảy ra một lần nữa. “Thứ nhất, tôi không béo. Thứ hai, đây không phải là điều hay ho để nói với bạn”. Bằng cách này, cô bé sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn.
Nếu để cho trẻ nỗ lực tự giải quyết mọi việc mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy rằng chúng đã đạt được điều gì đó rất tuyệt vời và lạc quan hơn về những gì có thể làm được trong tương lai.
Đón nhận khó khăn
Chỉ một trở ngại thôi cũng đủ để trẻ “rút ra kết luận” về những yếu kém, hạn chế của chúng. “Con không thông minh. Con đá bóng quá tệ”.
Theo tiến sĩ Andrew Shatté, nhà tâm lý học xây dựng các chương trình nhằm giúp trẻ thêm mạnh mẽ qua thử thách, cha mẹ nên cố gắng thay đổi suy nghĩ của trẻ theo hướng lạc quan hơn. Hãy chỉ cho trẻ thấy chúng không phải là người duy nhất gặp khó khăn. “Hồi trước, mẹ cũng gặp khó với toán trừ”. Và giúp trẻ giữ hy vọng bằng cách nhắc đến một kỹ năng khác mà chúng từng vượt khó thành công.
Đừng cố “tô hồng”
Cố gắng trấn an trẻ bằng cách nói rằng mọi thứ rồi sẽ tuyệt vời thường mang lại tác dụng ngược. “Tinh thần lạc quan thực sự đòi hỏi cách tư duy thực tế hơn là tích cực viễn vông”, nhà tâm lý học trẻ em Tamar Chansky nói.
“Con chưa có được người bạn mới nào”, con trai than phiền với mẹ khi vừa chuyển đến trường học mới. Để làm con vui, mẹ rất muốn nói “Con từng có nhiều bạn ở trường cũ, rồi đây ai cũng muốn kết bạn với con thôi vì con của mẹ rất tuyệt”. Nhưng nếu sau đó trẻ vẫn khó tìm bạn, chúng sẽ thất vọng về bản thân.
Vì vậy, nên nói chuyện chân tình với con. “Việc chuyển đến môi trường mới luôn khó khăn. Kết bạn cần có thời gian con à”. Khi hiểu ra vấn đề, trẻ có thể chủ động nghĩ ra cách để tìm được bạn mới và nhận ra rằng mọi việc rồi sẽ tiến triển tốt hơn.