Tháng 7-2018, chính quyền Mỹ tăng thuế hàng nhập khẩu hơn 6.000 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá chung 200 tỉ USD sẽ phải chịu thuế suất 10%, bao gồm: hóa chất, vải sợi, khoáng chất và hàng tiêu dùng, từ bao tay cho môn bóng chày đến cá phi-lê đông lạnh. Tuy nhiên, văn kiện cũ vừa ráo mực thì Washington đã sớm công bố một bảng thuế suất mới gây choáng váng các nhà quản lý kinh tế Trung Quốc: tăng lên 25% thay vì 10%.
Ngay tại nước Mỹ, các phản ứng đối với động thái mới này cũng rất khác nhau. Trong số những chính khách ủng hộ, có thượng nghị sĩ Marco Rubio, thuộc đảng Cộng hòa, bang Florida. Nhiều cá nhân hay nhóm chính trị khác lên án biện pháp tăng thuế, cho rằng điều này sẽ làm gia tăng giá nhà ở và các dịch vụ khác tại Mỹ. Tiêu biểu cho nhóm này là luật gia Mickey Cantor, thành viên hãng luật Mayer Brown, từng là Bộ trưởng Thương mại thời Tổng thống Bill Clinton. Ông Cantor cho rằng Nhà Trắng hy vọng Trung Quốc sẽ nhượng bộ, song đó là một sự đánh cược đầy nguy hiểm. Nhiều công ty ở nước Mỹ cũng phản kháng mạnh mẽ, cho rằng chính sách thuế khóa chống Trung Quốc cũng sẽ khiến cho hoạt động của họ bị thiệt hại nặng nề.
Về phần mình, tất nhiên là Trung Quốc chống đối triệt để những biện pháp thuế khóa mới nhất của Mỹ. Các giới chức kinh tế, tài chính nước này đề cập đến sáu biện pháp trả đũa mạnh mẽ sau đây:
1. Chống lại các công ty Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ xuất khoảng 300 tỉ USD hàng hóa sang Trung Quốc mỗi năm. Bằng cách giảm lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc sẽ làm cho nhiều công ty Mỹ gặp khó khăn trong hoạt động của họ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có thể hoãn hay từ chối cấp visa cho công dân Mỹ hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát về mặt y tế và an toàn cho sức khỏe nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), biện pháp này cũng sẽ làm cho nền kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại lớn, do trong thời gian qua các công ty Mỹ đã đóng góp khá nhiều vào tăng trưởng kinh tế của nước này.
2. Hạn chế du lịch của người Trung Quốc vào Mỹ. Mặc dầu tính chung, khoản nhập siêu của Mỹ trong giao dịch thương mại với Trung Quốc rất lớn, song riêng về mặt dịch vụ, khoản xuất siêu của Mỹ trong năm 2016 lên đến 38 tỉ USD, một phần trong khoản này xuất phát từ du lịch. Năm 2016, đã có trên 130 triệu người Trung Quốc du lịch ra nước ngoài, trong đó có Mỹ, và tiêu xài khoảng 260 tỉ USD. Tuy nhiên, cũng như biện pháp 1, biện pháp này sẽ tác động mạnh lên đời sống của người Trung Quốc.
3. Hạ giá đồng nhân dân tệ. Biện pháp này nhằm hỗ trợ ngành xuất khẩu Trung Quốc, khi hàng hóa xuất khẩu của nước này sẽ rẻ hơn trước, bù đắp phần nào vào sự tăng thuế nhập khẩu của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không hỗ trợ đồng nhân dân tệ trong thời gian vừa qua, khi đồng tiền này bị giảm giá, cho thấy cơ quan trên chủ trương để cho thị trường quyết định về giá trị đồng nhân dân tệ.
4. Bán trái phiếu của Mỹ. Trung Quốc hiện sở hữu một số trái phiếu của chính phủ Mỹ trị giá hơn 1.000 tỉ USD khiến một số nhà bình luận lo ngại về ảnh hưởng của nước này lên nền kinh tế Mỹ. Song nếu Bắc Kinh bán ồ ạt trái phiếu của Mỹ, điều này sẽ làm tổn thương chính nền kinh tế Trung Quốc. Mặt khác, tác động của việc này đối với nền kinh tế Mỹ cũng chỉ có giới hạn, vì những trái phiếu do Trung Quốc bán ra có thể được nhiều nước khác mua lại.
5. Can thiệp vào cuộc hội đàm Mỹ – Bắc Triều Tiên. Các nhà bình luận tin rằng Trung Quốc có thể trả đũa chính sách thuế khóa của Mỹ bằng các biện pháp phi kinh tế, trong đó quan trọng nhất là tạo áp lực lên chính quyền Bắc Triều Tiên trong cuộc đàm phán với Mỹ. Song Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông tin vào thiện chí của lãnh tụ Bình Nhưỡng Kim Jung Un trong việc tuân thủ những thỏa thuận đã cam kết.
6. Tập trung vào kinh tế quốc nội. Mục đích của biện pháp này nhằm giúp cho nền kinh tế tăng trưởng trong những thời điểm khó khăn, từng bước mở rộng quan hệ thương mại với các nước khác ngoài Mỹ. Một trong những biểu hiện của mục tiêu này là Trung Quốc vừa tiếp đón các giới chức Liên minh châu Âu (EU) đến Bắc Kinh để bàn về các hiệp định tự do thương mại.
Các biện pháp trên chưa rõ sẽ tác động đến mức nào lên nền kinh tế hai nước, song điều mà các nhà bình luận dự đoán là chúng không loại trừ sự thiệt hại cho bất cứ nền kinh tế nào, kể cả nước áp dụng là Trung Quốc.
- Tổng hợp