Ngàn tắt máy xe. Chờ hai đứa nhỏ xuống hết, cô gạt chân chống dựng xe, mở yên lấy ra chiếc áo mưa màu tím đưa cho con gái lớn:
– Con coi chỗ nào sạch, trải tấm áo mưa này xuống, mẹ lấy thức ăn.
Đứa con trai nhỏ lom khom cắm cái nhìn soi mói xuống đất:
– Mẹ ơi, dưới chân mẹ có kiến!
Ngàn nhìn dưới chân, những con kiến đỏ đang tất tả ngược xuôi làm thành một đường kẻ sắc nét chạy dài trên nền đất pha cát. Cô dắt chiếc xe đi nơi khác nhằm tránh cắt đường đi của lũ kiến. Cô nhìn xung quanh, ngang dọc những đường vẽ trên cát như tấm bản đồ. Mặt trời buổi sáng còn ở xa lắm, nắng chưa len lỏi được qua những kẽ lá dừa. Nền đất còn hơi ẩm của đêm, nên lũ kiến phải ráo riết hoạt động. Lác đác cành lá dừa khô, xơ dừa cùng những thứ linh tinh khác vương vãi, tìm một chỗ ngồi cũng thật khó! Cuối cùng, mấy mẹ con cũng kiếm được một chỗ an toàn để trải tấm áo mưa. Chia mấy ổ bánh mì cho con, đặt túi nước ngọt lên tấm nylon, Ngàn ngồi xuống một góc. Hai đứa nhỏ loi choi:
– Ở đây đã ghê mẹ há. Hôm nay đúng nghĩa mình đi picnic!
Có tiếng nhạc trong quán phát ra một bài hát, đứa con gái lớn nhai bánh mì, gật gù theo điệu nhạc. Nó nhìn ra cổng rồi chợt hỏi:
– Mình ngồi đây có sao không mẹ?
– Đây là khu du lịch, ai muốn vô quán thì vô, mình không vô ngồi ở ngoài vườn dừa chơi, ngắm trời mây nước, miễn ăn xong đừng xả rác là được.
– Ăn xong mình có đi đâu nữa không mẹ? – Thằng em hỏi.
Chưa ngồi mà đã trông đi, bao giờ cũng vậy chúng chỉ háo hức lúc ban đầu. Ngàn trả lời con:
– Cứ ăn bánh mì và uống hết bịch sữa đậu nành đi rồi mẹ tính.
Thằng nhỏ cầm ổ bánh mì đưa lên miệng, hai cái răng cửa chưa mọc, khó khăn lắm nó mới rứt được một miếng nhỏ xíu. Cắn xong một miếng nó nhảy lò cò đi chỗ khác. Con chị đứng lên chạy theo thằng em, hai đứa rượt đuổi vòng quanh những gốc dừa, chúng cười vang làm mấy con chó đang nằm lim dim trước cửa quán ngẩng vội cổ lên nghe ngóng.
Tự nhiên Ngàn thấy mệt mỏi rã rời, cô thèm được thả mình xuống tấm áo mưa, nhưng thấy ngại, cô đành ngồi bó gối nhìn ra sông. Vài chiếc ghe nhỏ thong thả ngược dòng. Có một chiếc thuyền lớn vừa từ nơi cửa biển luồn qua hai chiếc cầu trở về, chạy chậm lại rồi dừng ở phía bờ bên kia. Người trên bến xôn xao chờ đón, người dưới thuyền quẳng lên bờ nào thúng, nào lưới… nôn nóng trở về sau một đêm bận rộn áo cơm trên biển. Trước mặt cô là dãy núi đá, người ta gọi là Núi Sạn. Đá lô nhô nổi rõ trên nền xanh thẫm của cây rừng.
Dáng núi in bóng xuống dòng sông vẽ nên một khung cảnh thật bình yên. Xéo về phương mặt trời, Tháp Bà trầm mặc, màu nâu đỏẩn hiện trong màu xanh cây lá. Đây là nơi tận cùng của con sông Cái Nha Trang. Xuất phát từ núi rừng thâm u đại ngàn ở dãy Trường Sơn, nó băng qua nhiều ghềnh thác, xuôi đến miền đồng bằng, phân lưu cùng đón nhận các dòng chảy khác đổ vào rồi tất cả rủ nhau kéo về Biển Đông. Trước khi đổ ra biển nó còn phải ôm vòng qua hai cù lao nổi trên mặt nước, rẽ làm hai nhánh, một qua cầu Hà Ra và một nhánh qua cầu Xóm Bóng. Và vị trí của Ngàn ngồi bây giờ là trên một cù lao, quanh năm xanh rợp bóng dừa được người ta đưa vào làm khu du lịch.
Chương trình đi “picnic” sáng Chủ nhật hôm nay hoàn toàn đột xuất. Buổi sáng, sau khi đi bộ thể dục trở về, Ngàn lấy chổi quét lề đường. Nhà cô ở ngay ngã tư, có một vị trí bao người mơước: gần hai mươi mét mặt tiền. Cái mặt tiền rộng lớn này chẳng giúp ích gì cho cô mà ngược lại ngày nào cũng phải quét đến rã tay. Hai cây hoa sữa lại thi nhau rụng lá, nên sáng nào cô cũng có việc phải làm. Quét đến gốc cây hoa sữa cô thấy hai ống kim tiêm nhỏ xíu được đậy nắp lại, bên trong có lẫn một ít máu.
Lấy cây gắp vật kinh khủng đó bỏ vào bịch nylon, cô rùng mình nghĩ đến tối qua Tuấn, chồng cô đi về khuya, ngủ không đóng cửa lầu. Mà cũng thật lạ, bình thường cô ngủ rất tỉnh, nhưng tối qua cô không biết Tuấn về lúc nào. Khi cô mở mắt ra đã thấy màu trời xanh bên ngoài khung cửa sổ. Nhìn qua phòng Tuấn, cô chưng hửng khi thấy cửa mở ra ban công không đóng. Chồng cô có tật mỗi khi đi nhậu về thường mở cửa “cho mát” và ngủ quên luôn. Có một trụ điện nằm sát ban công, từ dưới đường một đứa trẻ nhỏ cũng có thể dễ dàng trèo lên lầu qua ngả này.
Hồi cất nhà Ngàn định kéo thép gai, nhưng thấy có thể làm xấu căn nhà; vả lại cô không thích những vòng kẽm gai, nó gợi nhớ một thời chiến tranh, niềm hận thù chia cắt, Ngàn thôi. Tuấn gọi đây là “vùng trọng điểm”, bên trong các cửa anh làm mấy lớp khóa, cũng có thể gọi là an toàn nếu không mở cửa lớn, chỉ cần mở cửa sổ. Thế nhưng, khi say chồng cô lại làm ngược lại. Đây là việc thường xuyên gây ra xung đột giữa hai vợ chồng. “Người say thì biết gì, người tỉnh phải lo chớ!”, đó là lời của Tuấn.
- Xem thêm: Tam…
Bước xuống lầu để đi bộ thể dục, Ngàn càm ràm mấy câu, chồng cô cựa mình rồi nghiêng người qua ngủ tiếp. Ngàn biết giấc ngủ này có thể sẽ kéo dài đến trưa, mất toi một ngày Chủ nhật vui vẻ của bọn trẻ. Nỗi bực mình cùng cô đi ra biển và nhanh chóng tan theo hương vị của muối cùng gió ban mai cho đến khi cô nhìn thấy hai ống kim tiêm.
Linh tính điều gì đó không bình thường, chạy vội lên lầu, Ngàn lay chồng:
– Ở gốc cây hoa sữa có hai cái kim tiêm, anh dậy coi nhà mình có bị tụi xì ke trèo vào không?
Tuấn quay mặt vào trong càm ràm: “Kệ, lâu lâu cho nó viếng thử xem sao”, rồi ngủ tiếp. Ngàn giận ứ cành hông, cô bước ra ban công, chiếc quần jeans của Tuấn ai vứt ngoài đó. Ngàn quay vào, giựt hết gối, mền trên người chồng, hét lớn:
– Ông ra mà coi, cái quần ông ở ngoài cửa kia kìa.
Tuấn tỉnh hẳn, nhảy vội xuống giường, đi ra rồi quay vào một tay cầm chiếc quần, tay kia cầm cái ví, gương mặt dài ngoằng:
– Giấy tờ còn nguyên. Hai triệu mới lĩnh lương chiều qua mất rồi. Nó rút cả sợi dây nịt!
Tim Ngàn có ai bóp nhẹ, cô quay đi, nghẹn ngào:
– Đó, tui nói có sai đâu!
– Người say thì biết gì, người tỉnh phải lo chớ!
Ngòi nổ chiến tranh chuẩn bị châm. Hai đứa nhỏ tỉnh ngủ:
– Ăn trộm hở mẹ?
– Đi mà hỏi ba mày đó.
Ngàn xuống nhà dưới kiểm tra đồ đạc. Tất cả còn nguyên. Tuấn đi theo, giọng tiếc nuối:
– Giá mà hôm qua đừng lãnh lương thì chỉ mất có mấy trăm.
Ngàn to giọng cay cú:
– Nếu hôm qua không lãnh lương, thì sẽ mất cả xe máy, tivi, mất cả nhà này. Nó trèo vô, không thấy có tiền sẽ len lỏi đi khắp nhà mở cửa, dắt xe, chuyển hết đồ đạc. Đã nói mà không nghe, ban đêm ông mở cửa thì rõ ràng là mời nó vào, có bữa nó xịt thuốc mê, tha hồ muốn làm gì thì làm.
– Hôm qua ta say, chớ nếu không say thì chết nó!
– Chưa biết ai chết! Tự nhiên đi mở cửa rồi nói. Say hay tỉnh gì nó cũng lấy được.
Âm điệu và ngữ điệu của những câu đối thoại cùng những cái vung tay lên xuống càng lúc càng tăng cường độ. Nhà ở ngay ngã tư đường, buổi sáng Chủ nhật hàng xóm im ắng. Cuối cùng hai kẻ đang đối thoại cũng biết kìm lại được. Ngàn giục mấy đứa nhỏ đánh răng nhanh để mẹ chở đi ăn sáng. Lúc dắt xe ra cửa, Tuấn nói vói theo:
– Về mua cho ba ổ bánh mì!
Cơn giận ở đâu kéo đến, Ngàn buột miệng:
– Sáng nay đi luôn không về!
Rồi ba mẹ con chở nhau đi. Thật tình Ngàn cũng không định nói như thế, cô chẳng biết sẽ đi đâu trong sáng nay. Chạy hết con đường biển. Biển sáng xanh ngăn ngắt và êm như hồ. Một khung cảnh thật bình yên. Vào lại trong phố, ngang qua bao nhiêu hàng quán, nào phở, bánh canh, mì quảng, bánh xèo, cơm tấm… hàng nào hai đứa nhỏ cũng lắc đầu. Chẳng lẽ ba mẹ con vào quán cà phê để trôi qua một buổi sáng? Một người phụ nữ và hai đứa con nít không hợp với không khí một quán cà phê. Có những quán dành riêng cho gia đình, nhưng Ngàn ngại gặp phải người quen, đụng những cái nhìn dò hỏi. Thành phố này nhỏ lắm, người ta dễ dàng nhận ra nhau. Cuối cùng, cô chạy xe về hướng bắc thành phố, quẹo vào khu du lịch Hải Đảo.
- Xem thêm: Ngôi nhà hình tam giác
Hai đứa nhỏ quay trở lại sau khi chạy mỏi chân hết khu vườn dừa. Con chị cầm vội bịch sữa đậu nành làm một hơi hết sạch. Khúc bánh mì trên tay thằng em hầu như vẫn còn nguyên, nó cũng chụp vội bịch đậu nành. Ngàn nói:
– Con ăn hết bánh mì rồi uống.
Thằng em đưa khúc bánh mì cho chị:
– Ăn giùm em đi, em không có răng, không cắn được.
Ngàn dỗ con:
– Thì con xé ra, bỏ từng miếng vào miệng.
Thằng bé bắt đầu làm nũng:
– Con ăn hết khúc bánh mì này, mẹ phải chở đi chỗ khác chơi, chỗ này chán rồi.
Nhìn phía bên kia sông. Ngàn nói:
– Mình đi qua bên kia nghe.
Ba mẹ con thu dọn đồ đạc, mấy đứa nhỏ lại háo hức nghĩ về bờ bên kia. Ra khỏi Hải Đảo, Ngàn chạy xe qua cầu Xóm Bóng, cô rẽ đường đi vào suối khoáng nóng. Hai đứa nhỏ nhao nhao:
– Đi tắm suối khoáng nóng hả mẹ? Mình đâu đem theo đồ tắm?
– Để hôm khác mẹ cho đi tắm bùn. Giờ mình đến chùa Hang chơi. Mẹ chưa đến nơi này bao giờ.
Chạy hết con đường, gần lên đến suối khoáng nóng, Ngàn không tìm được chùa Hang ở đâu. Dừng xe lại hỏi một vài người bên đường, người ta chỉ cho cô chùa Hải Ấn. Một bà cụ già ngồi trong quán giọng rành rẽ:
– Ngày xưa gọi là chùa Hang, giờ là chùa Hải Ấn đó.
Mấy đứa nhỏ nản chí vì trời nắng:
– Thôi về siêu thị sách đi mẹ, có máy lạnh mát hơn. Coi Siêu nhân Gao tập mới ra chưa.
Ngàn quay xe trở lại. Mặt trời đã lên khá cao, nắng bắt đầu gay gắt. Một vài cặp vợ chồng con cái chở nhau trên những chiếc xe máy đi ngược lên suối khoáng nóng. Một ngày nghỉ của người ta mới bắt đầu, Ngàn nghĩ, còn với mình thì mấy đứa nhỏ đã thấy chán, chúng đang muốn về nhà. Nghĩ đến đó, Ngàn chợt nhớ đến số tiền trong ví chồng đã bị mất, cô nghĩ đến Chủ nhật tuần sau là ngày họp phụ huynh đầu tiên của con bé lớn, những số tiền phải đóng vào năm học mới cho cả hai đứa. Nỗi buồn ở đâu tự nhiên ập đến. Cô liếc nhìn xuống bên dưới dòng sông và phóng tầm mắt qua bờ bên kia, chỗ cô vừa ngồi khi nãy. Hàng dừa xanh, những chiếc ghe chầm chậm trôi trên dòng nước, sông bên dưới bình yên, núi trên kia cũng bình yên, một ngày Chủ nhật của mình sao không thể bình yên?
Chiếc xe rẽ vào phố, sự yên tĩnh bỏ lại sau lưng, tự nhiên Ngàn thấy yêu vô cùng những âm thanh đường phố, những ngọn đèn ngã tư xanh đỏ. Siêu thị sách sáng Chủ nhật không còn chỗ để xe. Ngàn dừng xe trước cửa, hai đứa nhỏ chạy ùa vào như hai con cá được thả về nước, như hai con thú nhỏ được trả về rừng. Một lúc lâu, chúng chạy ra hớn hở:
– Có Siêu nhân Gao tập mới rồi mẹ, mua nghe?
Ngàn gật đầu, chúng cầm tiền, tung tăng nắm tay nhau vào lại một lần nữa. Một người quen chở đứa con nhỏ phía sau trờ tới, xã giao:
– Ổng đâu mà chị phải chở tụi nhỏ đi?
Ngàn trả lời: “Hôm nay ảnh bận”. Cô không biết nói thêm gì nữa.
Ba mẹ con rời siêu thị sách, trên đường về nhà hai đứa nhỏ lao nhao:
– Về nhà coi Siêu nhân Gao. Chủ nhật đã ghê!
Chủ nhật. Đáng lẽ sáng nay Ngàn sẽ đi chợ, sẽ làm món gì đó cho cả nhà. Giờ này trưa rồi, ra chợ ngại quá! Ngàn chợt nhớ trong tủ lạnh còn một quả thận, nửa trái tim, một ít nạc vai và một mớ đậu cô ve, đủ làm một món mì xào cho bốn người, nếu ngán mấy đứa nhỏ sẽ có thêm chai nước ngọt. Thôi, của đi thay người và người say thì biết gì, mình tỉnh mình phải lo. Phải luôn luôn tỉnh táo, nghĩ đến đó, Ngàn thấy nhẹ nhõm. Chiếc xe trôi theo dòng chảy trên đường. Hai đứa nhỏ hát vang bài hát trong bộ phim Siêu nhân Gao: “Gao ren chờ… lá la…”.