Dù vậy, tỷ lệ của năm 2014 vẫn chưa sánh được với tỷ lệ tăng trưởng của thời kỳ tiền khủng hoảng (từ 4,5% đến 5,5%). IMF cũng xác định rằng nếu “nguy cơ về một cuộc khủng hoảng không biến thành hiện thực và các điều kiện tài chính tiếp tục được cải thiện, mức tăng trưởng toàn cầu có thể mạnh mẽ hơn dự kiến”, nhưng nguy cơ tái khủng hoảng vẫn còn nếu như những diễn biến trong thời gian tới không đi theo chiều hướng đã vạch ra.
Xét từng trường hợp, với báo cáo mới nhất, IMF đã hạ thấp mức tăng trưởng (âm) của khu vực châu Âu so với dự báo hồi tháng 10-2012 cũng của chính họ (-0,3% thay vì -0,2%). Các nhà phân tích của tổ chức này cho rằng tuy một vài nước trong khu vực đồng euro đã có những bước đi tích cực trong việc giải quyết vấn đề nợ công, nhưng trong năm 2013, nền kinh tế của khu vực này vẫn tiếp tục đối mặt với nguy cơ đi xuống. Ngược lại, IMF tỏ ra lạc quan hơn đối với nền kinh tế Mỹ, dự báo mức tăng trưởng 2% trong năm nay, mức này còn có thể thay đổi tùy vào chính sách thuế khóa và các quyết định chi tiêu của chính phủ. Hiện nay giữa chính quyền Obama và các nhà làm luật vẫn còn có những thương thảo nhằm đạt đến sự đồng thuận trong vấn đề cắt giảm chi tiêu, một hành động có thể khiến cho nạn thất nghiệp thêm trầm trọng. Với Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba của thế giới, báo cáo của IMF nhận định rằng các chính sách kích thích kinh tế của Tokyo có thể đưa đất nước này ra khỏi một cuộc suy thoái ngắn hạn, nhưng lại phải đối phó với các khoản nợ trung hạn. Riêng Trung Quốc, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng của năm 2013 là 8,2%, tăng 0,4% so với năm vừa qua (7,8%). Những vấn đề mà các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản gặp phải và khả năng giải quyết của họ sẽ tác động lên mức tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển, tỷ lệ tăng trưởng của họ sẽ xoay quanh con số 5,5%.
Lê Cẩn theo AP, NYT…