Trong thông báo vào cuối tuần rồi sau cuộc họp của Nhóm G20 tại Moscow, các bộ trưởng tài chính của G20 đã hứa: “Chúng tôi sẽ không đua nhau phá giá. Chúng tôi sẽ không đặt mục tiêu cạnh tranh nhau về tỷ giá”. G20 cũng sẽ thực hiện hành động phối hợp để chống các doanh nghiệp trốn thuế, chuyển lợi nhuận để tránh nghĩa vụ thuế, như một số công ty lớn của Hoa Kỳ trong đó có Apple và Starbucks đang bị điều tra về những hành vi này.
Bộ trưởng Tài chính Pháp nói với các phóng viên: “Chúng tôi đồng ý là sẽ không để chiến tranh tỷ giá xảy ra”. Tuy nhiên thông báo đã tránh không chỉ trích Nhật Bản khi chương trình kích cầu do Thủ tướng Abe chủ trương giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 và tung tiền vào nền kinh tế.
Về thực chất, Nhóm G20 chấp nhận một chính sách tiền tệ lỏng lẻo, kể cả việc làm yếu giá trị tiền tệ nhằm khuyến khích tăng trưởng trong nước nhưng không tạo lợi thế trong thương mại toàn cầu.Những người phản đối cho rằng khó có sự tách bạch giữa chính sách tiền tệ lỏng lẻo để kích thích tăng trưởng nhưng đồng thời cũng làm tăng xuất khẩu.
Hoa Kỳ cũng sử dụng chính sách tiền tệ lỏng lẻo nhằm phục hồi nền kinh tế bằng cách “tăng khối lượng tiền” thông qua việc mua vào hàng chục tỉ USD trái phiếu hằng tháng. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Bernanke đã có bài phát biểu ngắn ủng hộ những cố gắng của Nhật.
Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Brazil và Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại về chính sách tiền tệ lỏng lẻo nói trên. Nhóm G20 thì cho rằng chính sách tiền tệ lỏng lẻo chỉ nhắm vào sự ổn định giá cả nội địa và chấp nhận việc sử dụng đối với từng nền kinh tế và cho biết sẽ theo dõi sự lây lan sang các nước khác từ các chính sách nhằm phục vụ nội địa.
Thiên Bảo theo NYT 16-2-2013