Cách đây vài năm, nhiều người lo lắng không biết đến khi nào các diễn viên trẻ mới có thể vững vàng đứng trên sân khấu để thay thế cho lớp trước? Thế rồi, những diễn viên trẻ như Lê Khánh, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Lan Phương, Thanh Vân, Lê Phương, Quý Bình… đã trả lời được với giới làm nghề và khán giả rằng, họ đã tự tin biểu diễn cùng các bậc đàn anh.
Nhưng không chỉ ở việc diễn xuất, mới đây, các sân khấu đã đồng loạt trao cơ hội dàn dựng những vở mới cho các bạn trẻ, sân khấu 5B có vở Chờ… của Ngọc Tưởng, Hoàng Thái Thanh có Tình nhân đến với tình nhân của Lương Duyên, Phú Nhuận có Số đào hoa của Hòa Hiệp… Các đạo diễn trẻ cũng đã chứng minh được năng lực của mình qua các vở kịch được dàn dựng cẩn thận, có sự chăm chút. Các vở này đã được công diễn và phần nào được khán giả thích thú hưởng ứng và điểm chung của chúng là sự tươi trẻ.
Bỡ ngỡ và rối rắm là tâm trạng chung của những người lần đầu làm đạo diễn một vở kịch, nhất là áp lực khi phải chỉ đạo cho những diễn viên đàn anh, đàn chị vốn có nhiều kinh nghiệm. Hòa Hiệp là một diễn viên gắn bó với sân khấu kịch Phú Nhuận từ ngày mới ra trường đến giờ nhưng khi đảm nhiệm vai trò đạo diễn anh không thể tạo được niềm tin cho cộng sự qua những lời nói đầu tiên. Thẳng thắn mà nói thì ngoài những diễn viên trẻ như Bá Thắng, Kha Ly có mối quan hệ bạn bè với Hòa Hiệp thì những người khác như: Trịnh Kim Chi, Anh Vũ nhận lời có lẽ chủ yếu vì mối quan hệ với bà bầu Hồng Vân. Diễn viên chỉ dần dần tin tưởng “đạo diễn Hòa Hiệp” qua từng buổi tập. Lương Duyên của sân khấu Hoàng Thái Thanh thì gặp trường hợp khác, thỉnh thoảng không làm chủ được tình hình, mỗi khi có những thay đổi hay phát sinh mảng miếng thì cô gần như rơi vào thế bí. Những lúc như vậy, Lương Duyên chỉ còn cách cho dừng buổi tập lại để tìm cách… gỡ rối. Khi sắm vai “người cầm trịch” một vở diễn, dĩ nhiên đạo diễn trẻ có gặp những khó khăn nhất định nhưng Ngọc Tưởng có lý khi nói rằng: “Cái thiếu của đạo diễn trẻ là kinh nghiệm nhưng chỉ cần có tinh thần học hỏi thì chúng tôi sẽ không quá lo lắng bởi vì bên cạnh mình luôn có những người giỏi nghề trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật sẽ góp phần định hướng và khơi gợi giúp chúng tôi”. Với suy nghĩ đó thì sau bốn vở đã dàn dựng, Ngọc Tưởng có thể tự tin nhận thêm những vở có sức nặng, gai góc hơn. Nếu các sân khấu khác gần đây mới giao cho thì sân khấu Thế giới trẻ những ngày đầu đã “trẻ” như tên gọi của mình. Nhà đầu tư giao cho đạo diễn Ngọc Hùng lo toàn bộ về kịch mục và quản lý. Kéo thêm những người trẻ khác như đạo diễn Quốc Bảo, Cao Tấn Lộc, ba người vừa đi vừa tìm đường. Tết năm đầu tiên thất bại về doanh thu nhưng đến giờ, đã gần ba năm, sân khấu hầu như suất nào cũng đông khán giả. Ngọc Hùng chia sẻ: “Tôi có một lợi thế vì là người trẻ nên mình tin những người trẻ. Diễn viên có thể bị những khuyết điểm về đài từ, về diễn xuất, dàn dựng nhiều khi còn chưa chặt chẽ nhưng chúng tôi có được nét thanh xuân”.Cũng chính vì tuổi trẻ mà họ táo bạo hơn trong cách dàn dựng, sân khấu này đã làm khán giả bất ngờ khi kết hợp nghệ thuật trình diễn tranh cát làm cảnh trí trong vở Âm binh. Mặc dù phần lớn những vở kịch ở sân khấu Thế giới trẻ là thể loại hài và kinh dị với nội dung đơn giản, hướng đến đối tượng là khán giả trẻ, các vở được đánh giá cao như Đời như ý hay Âm binh chưa nhiều nhưng sự nỗ lực của một ê-kíp, mà ở đó tất cả đều rất trẻ, là điều đáng được ghi nhận.
Nhiệt huyết của tuổi trẻ thời nào cũng giống nhau nhưng tuổi trẻ mỗi thế hệ đều có những đặc điểm khác nhau, vì thế cách thể hiện của tuổi trẻ mỗi thời cũng khác. Cách đây, từ 10 đến 20 năm, diễn viên – đạo diễn điện ảnh chỉ biết đến phim trường, diễn viên – đạo diễn sân khấu chỉ biết đến sân khấu còn thế hệ trẻ ngày nay năng động hơn, họ diễn kịch, dựng kịch, đóng phim, tổ chức sự kiện v.v… Nhiệt tình của đạo diễn ngày trước là đau đáu nghĩ về sân khấu dù cuộc sống vật chất còn chưa đầy đủ, nhiệt tình của các bạn trẻ ngày nay là ráng kiếm tiền bằng nhiều cách để mỗi khi đứng trên sân khấu hay dựng vở diễn thì bớt lo cơm áo gạo tiền.
Diễn viên trẻ, đạo diễn trẻ đã có đất để thể hiện mình trên sân khấu.Phải chăng là đã đến lúc thế hệ đi trước bàn giao công việc cho những người trẻ? Đạo diễn Thanh Hoàng cho rằng: “Tôi nghĩ, nói hiện nay là giai đoạn chuyển giao, trao cho các bạn trẻ từng việc một, thì đúng hơn là bàn giao. Nhà hát 5B có câu lạc bộ Diễn viên trẻ, chúng tôi tạo điều kiện cho những bạn trẻ triển vọng và dần dần họ sẽ là lực lượng nòng cốt”. Còn theo đạo diễn Ái Như thì: “Phân bố công việc cho diễn viên trẻ là việc mà chúng tôi đã làm từ lâu. Trường hợp của Lương Duyên rất ham học hỏi và nỗ lực rất nhiều nên chúng tôi đã để em dàn dựng vở Tình nhân đến với tình nhân. Trong lúc dựng vở, chúng tôi luôn luôn theo sát để trong trường hợp cần thiết thì nhắc nhở em từ khâu âm thanh, ánh sáng đến cảnh trí, âm nhạc… Tuy được dàn dựng bởi một người trẻ xuất thân là diễn viên nhưng chúng tôi cam kết với khán giả là vở kịch được dàn dựng tươm tất”.
Khi “cờ đã được trao”, việc còn lại của các diễn viên, đạo diễn trẻ là “phất” như thế nào?Năng lực của những nghệ sĩ trẻ được thể hiện ở tác phẩm và khán giả sẽ thừa nhận bạn từ tác phẩm. Điều này cần có thời gian, giống như đạo diễn Ái Như nói: “Khi chúng tôi còn trẻ, chúng tôi cũng chờ đợi thời gian để được thừa nhận”. Chưa biết, các bạn trẻ sẽ tiếp tục bước đi như thế nào nhưng ngay lúc này, sân khấu kịch nhờ các bạn mà đang tươi trẻ hơn mà cũng chính các bạn đã làm cho những diễn viên, đạo diễn thế hệ trước nhớ lại một thuở mình còn thanh xuân. Điều cuối cùng cần phải nói là khi những người trẻ làm kịch thì mở ra một lớp khán giả trẻ hơn mà có lẽ sân khấu nào cũng cần nguồn khán giả tiềm năng này.