Sáng 29-6, tại nhà ga Nhà hát thành phố (quận 1, TP.HCM), Ban quản lý đường sắt đô thị cùng các nhà thầu đã tổ chức lễ đón máy khoan hầm TBM, đánh dấu thời điểm hai đường hầm của tuyến metro số 1 hoàn thành.
Đại diện Ban quản lý đường sắt cho biết, do đường hầm này (phía Tây) chỉ nằm ở độ sâu 12m (so với 17m của đường hầm thứ nhất) nên thi công khó khăn hơn, do lo ngại ảnh hưởng đến những công trình trên mặt đất.
Theo vị đại diện, trong quá trình thi công, các kỹ sư vừa vận hành máy khoan vừa theo dõi số liệu từ các thiết bị quan trắc để có điều chỉnh kịp thời, và đến nay công trình đã xong, các kết cấu trên mặt đất được đảm bảo an toàn.
Tương tự đường hầm phía Đông, đường hầm phía Tây dài 781m, nối từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố. Tổng số vỏ bê tông đã sản xuất và lắp đặt cho tuyến hầm này là 3.900 tấm.
Dự kiến thời gian tới đây các nhà thầu sẽ tiếp tục đổ bê tông cho tuyến hầm phía Tây, sau đó tiến hành lắp ray, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống thoát nước cho cả hai đường hầm. Theo thiết kế, hai đường hầm tách biệt là hai hướng đi và về của tuyến metro số 1.
Robot TBM (Tunnel Boring Machine) đang sử dụng đào hầm được làm tại Nhật, dài 70m, nặng 300 tấn, có giá khoảng 4 triệu USD. Chiếc máy này được chuyển về Việt Nam hồi đầu năm 2017.
Theo Trưởng ban quản lý đường sắt, TBM thực chất là máy khoan ngang, có cấu trúc là một ống thép dài với đường kính bằng đường kính hầm. Đầu chiếc máy có gắn các mũi cắt, những mũi này sẽ quay tròn để cắt đất. Máy khoan đi đến đâu vỏ hầm được lắp ngay đến đó để tránh sạt lở đất.
Dự án metro số 1 có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 1 tỉ USD, tuy nhiên qua quá trình điều chỉnh, công trình này đã tăng vốn thành gần 2,5 tỉ USD. Tuyến khởi công từ tháng 8-2012, dài gần 20km (2,6km đi ngầm và hơn 17km đi trên cao), qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Tuy nhiên do đến nay công trình vẫn đưa được Quốc hội phê duyệt tổng mức đầu tư do các bên còn có quan điểm khác nhau về việc tăng vốn, nên nguồn vốn phân bổ từ Trung ương về đang thiếu và chậm. Để khắc phục và đảm bảo tiến độ, trong 2 năm qua TP.HCM phải bỏ ngân sách ra ứng trước cho các nhà thầu thi công.
– Theo infonet