Nhìn đạo diễn Đoàn Khoa với mái tóc xanh mướt buộc túm sau gáy, tả xung hữu đột giữa một không gian hỗn độn để chuẩn bị cho Lễ hội Văn hóa – Du lịch Việt-Nhật, lo lắng cho tiền cát-sê của một đội múa thiếu nhi này, bênh vực quyền lợi cho một nghệ sĩ khác, tôi bỗng thấy một Đoàn Khoa khác hẳn với những gì tôi đã biết về anh.
Lãng mạn và trầm tĩnh để có Tiếng hát Thiên nga, Những con thú thủy tinh… Bản lĩnh, thực tế, bao quát và chi ly, để biến những lễ hội, những sự kiện của doanh nghiệp trở thành một “nghệ thuật theo đơn đặt hàng”. Nhắc đến Đoàn Khoa, người ta nghĩ tới một người tử tế, làm việc tử tế, chơi với bạn bè tử tế. Mà người tử tế bây giờ sao… ít quá. Tôi bỗng dưng… xót cho anh, lẽ ra với tài năng ấy, với trái tim ấy, phải có một chỗ riêng để có thể làm nghệ thuật đích thực. Nhưng nói đến sân khấu bây giờ thì quả là… buồn quá.
Trong các tác phẩm mà Đoàn Khoa dàn dựng, dù hài kịch hay chính kịch, lúc nào cũng chất chứa nỗi đau. Những nỗi đau không bi lụỵ, nó làm cho người ta thanh sạch, được gột rửa, như thể những bi kịch lạc quan. Có lần anh đưa cho tôi tấm hình anh chụp bên cạnh bích chương của Hoàng tử bé, và tôi bỗng thấy anh giống chàng hoàng tử ấy, cô độc và thơ ngây, hồn nhiên và từng trải trên con đường độc hành của mình. Khi ngoài kia đang lễ hội tưng bừng, thì anh lại ngồi cùng tôi trong một góc nhỏ thật yên của cà phê Ciao để nói về Hoàng tử bé, về một “khu vườn xanh” của riêng mình.
____
Cuốn truyện Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Saint-Exupéry dường như ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sống, quá trình làm nghề của anh?
Tôi không nghĩ phải sống theo một triết lý, một khuôn mẫu nào đó. Tôi sống như là tôi mong muốn, dù bao bất trắc, không êm ả đã xả xuống tôi. Thực ra ai cũng có một hoàng tử bé trong lòng, nhưng cuộc sống tàn nhẫn lắm, cậu bé ấy có thức dậy hay đang ngủ quên là do mình. Tôi may mắn giữ được trọn vẹn cậu bé ấy trong lòng, như một góc màu xanh để mình được thở, được yên.
Hoàng tử bé là một hình ảnh buồn, điều đó có lẽ hợp với tôi. Ngày bé, tôi là một cậu con trai đầy mặc cảm, sợ đủ thứ, không tự tin, cứ nghĩ người ta nhìn mình với ánh mắt dò xét, và rọi lớn những khuyết điểm của mình ra. Tôi không biết vì sao mình lại sợ đến thế, và cứ rút dần vào thế giới riêng. Càng lớn, tôi mới dần cảm thấy mọi việc không trầm trọng như mình nghĩ. Khi dạy học trò hay những đứa trẻ bụi đời, ngoài khả năng diễn xuất, những kỹ xảo, điêu luyện trong nghề nghiệp, tôi cho các em lòng tự tin, sự bình đẳng với nhau trong cuộc sống.
Cố gắng để các em không phải gặp những gút mắc của mình. Tuổi Tây của tôi là biểu tượng cái cân, nên trong một mức nào đó tôi muốn mọi người trên đời đều được bình đẳng trước sự “được-nhận” cái đẹp. Lý tưởng đó giúp thế hệ chúng tôi thấy cuộc đời thú vị hơn. Tôi hơi lo thế hệ sau mình sống không có mục đích, dù họ được nhiều điều thuận lợi khác.
____
Làm thế nào để anh có thể từ một đứa trẻ tự ti biến thành một người đàn ông tự tin?
Tôi tự tin như ngày hôm nay là nhờ công việc, nhờ sự thành công trong một số chuyện, đó là điều duy nhất có thể giúp mình vượt qua những khó khăn. Cuộc đời đưa đẩy, những gì dự định lại không thành công, những gì ngẫu nhiên lại hay hơn… nên tôi có vẻ hơi duy tâm, tới đâu tính tới đó. Nhưng tôi “tính” với thái độ tích cực, hết lòng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải làm tốt nhất, chứ không phải sao cũng được.
Như Lễ hội Văn hóa – Du lịch Việt-Nhật chẳng hạn, chưa bao giờ tôi thích thú với một thiết kế trong dinh Thống nhất tuyệt vời như thế. Đến giờ cuối lãnh đạo thành phố lại quyết định chuyển ra ngoài, và nói tôi cố gắng để làm hay hơn. Nhưng tôi chỉ dám hứa: Chúng tôi sẽ làm hết sức. Mọi kế hoạch đều đảo lộn, buộc mình phải thích ứng. Tôi nghĩ dù tình cảnh nào, chính sự hết lòng khiến mọi người tôn trọng, đó là phần thưởng lớn nhất mà khán giả, đồng nghiệp đã dành cho tôi.
Khán giả thưởng thức những điều lãng mạn ngày càng ít đi trong một thị trường đầy những tiếng cười… kinh khủng!
____
Đọc một vài bài viết nho nhỏ của anh trên báo, những ký ức, kỷ niệm bình dị về gia đình, về cuộc sống đều hiện lên thật đẹp và có tình. Viết có làm cho anh cảm thấy được giải tỏa khỏi nỗi buồn?
Đúng thế, viết giúp tôi “xả” bao nhiêu chuyện. Chỉ những khi thật tĩnh, tôi mới viết về những gì đã trải, và cảm giác khi nhìn thấy dòng chữ của mình được in trên báo cũng hồi hộp và vui sướng như thể… được yêu vậy.
____
Nhưng đồng tiền đầu tiên với anh lại không phải là từ sân khấu? Anh đã làm thế nào để tập cho mình thói quen “thích nghi” với một cá tính quá mạnh?
Tôi thừa hưởng gen của người cha là sự khéo tay, từ nhỏ đã biết làm những con rối, những mặt nạ, đồ tinh xảo. Những năm tháng học ở trường sân khấu, nhờ đồ thủ công mỹ nghệ mà có tiền học và chi tiêu trong nhà. Tôi chấp nhận sự khắc nghiệt, vì đó là điều đáng quý giúp mình rèn luyện. Nhưng khó khăn nhất với tôi là ý nghĩ của tôi và thầy chủ nhiệm luôn mâu thuẫn.
Tôi không phản kháng, chỉ đơn giản là tôi không giống mọi người, có lẽ điều đó làm thầy khó chịu. Thầy luôn làm mọi cách cho mình nhụt chí, tôi phải luôn cố gắng làm thật tốt để thầy không phủ nhận. Ngay năm đầu tiên, tôi đã bị phê: “Không theo hệ Xtanilapxki”, tôi hỏi lại vậy tôi theo hệ gì? Mọi người nói tôi theo hệ Andersen, nghĩa là tôi không hiện thực. Năm cuối cùng tôi chọn Tiếng hát Thiên nga của Sêkhốp. Tôi thích vở này lắm, nhưng thầy nói: “Đây là vở để đọc chứ không phải để diễn”. Loay hoay mãi vẫn chưa tìm được vở mới, tôi quyết định vẫn dựng vở này.
Thầy nói riêng với tôi: “Trên cương vị người thầy tôi sẽ cắt bài, nhưng trên cương vị đạo diễn, tôi có tội nếu cắt bài này. Bây giờ em chọn đi, hoặc là điểm thấp, hoặc là dựng vở khác”. Tôi đã chấp nhận điểm kém. Tôi rất cảm ơn số phận đã cho tôi gặp thầy. Sự thách đấu này đã giúp tôi thắng được và tồn tại về sau. Mãi sau này trong một giờ lên lớp thầy đã khen tôi, và thú thật: “Ngày xưa tôi đã diệt ý tưởng của cậu ấy”. Tôi đã trút được tảng đá trong lòng, thế là thầy đã khám phá điều gì đó để sau này giảng dạy cho học trò mới được tốt hơn.
Đó là kỷ niệm lớn nhất thời đi học, còn sau này ra đời thì khủng khiếp hơn nhiều.
____
Bạn bè thường gọi anh là “người lãng mạn cuối cùng”, anh có nghĩ là mình đã thành công với một vài tác phẩm theo trường phái lãng mạn?
Nói đến thành công, tôi lo nhiều hơn mừng. Tôi rất hãi hùng khi nghĩ nếu làm tiếp kiểu này, ai sẽ coi những tác phẩm của tôi? Khán giả thưởng thức những điều lãng mạn ngày càng ít đi trong một thị trường đầy những tiếng cười… kinh khủng! Ngay cả Sài Gòn cười của tôi cũng chỉ sống được có vài ngày, trong khi một số diễn viên ngắt từ đó ra, thêm mắm muối vào lại rất… ăn khách, tôi xem mà ngượng cả người. Dù không được dàn dựng sân khấu nhiều nhưng tôi không buồn vì sức sống trong tôi có lẽ còn mạnh lắm, nếu tắc chỗ này sẽ vương ra chỗ khác, thí dụ như tôi đang làm những bức tranh về lá, về giấy… chẳng hạn, nó cho tôi cảm giác mình đang tồn tại.
____
Vẫn còn nhiều khán giả rất thèm được xem Những con thú thủy tinh, Tiếng hát Thiên nga, không khí của một Duyên dáng Việt Nam với Mỹ Linh của Trên đỉnh Phù Vân…đó thôi?
Khán giả đó đang già đi và liệu họ có phải là người bỏ tiền mua vé? Còn khán giả trẻ lại thích sống thoải mái hơn. Những lần đi xem live show của các ca sĩ nổi tiếng có đến 5.000 khán giả, tôi ngậm ngùi tự hỏi trong số đó liệu có một người mua vé cho tôi? Nhưng thôi kệ. Cuộc sống vẫn cứ trôi qua, và tôi vẫn mơ. Tôi mơ mình được làm phim, một bộ phim nhựa đàng hoàng, chỉnh chu, im lặng và bình thường như người ta đang sống, mà nói được nhiều điều. Nhưng chắc cũng khó, vì đầu tiên là tài chính, kịch bản, và liệu phim tôi có ai coi? Vì chẳng có một chút phô trương nào, chỉ là sự tả chân một cách hoàn hảo.
Tôi chỉ là đạo diễn, mà không thể là bầu sô, có thể đó là cách làm ăn nhỏ và sẽ không bao giờ giàu, nhưng như thế khỏe hơn.
____
Anh hay nói đến nỗi sợ, nhưng ngược lại, anh là một người đầy kiêu hãnh? Anh có tìm thấy sự đồng cảm nào với những đồng nghiệp của mình không?
Nhận show dù nhỏ hay lớn, nhiều hay ít tiền, không hiểu sao tôi vẫn bị sợ. Sợ kinh khủng. Sau này gặp NSND Lê Khanh, tôi mới biết Lê Khanh cũng có cảm giác như vậy. Lê Khanh là người tôi rất quý và đặt ở một vị trí rất cao, bởi ngoài tài năng, là sự tự trọng. Mọi thứ Lê Khanh làm đều vừa phải, vừa phải trong ứng xử, trong các mối quan hệ, trong tư cách. Điều đó không phải ai cũng làm được.
Trong cuộc đời nghệ thuật, tôi có rất nhiều mối quan hệ tốt, họ tận cùng với tôi, nghĩa là tôi cũng tận cùng với họ, xả thân vì họ. Nó giúp tôi hiện thực được ý nghĩ của mình trên sân khấu, truyền được tín hiệu của mình. Muốn thế, cả hai bên đều phải hết lòng. Nhưng Lê Khanh cho tôi một đặc ân, đó là niềm tin tuyệt đối là tôi sẽ làm những gì tốt nhất cho cô ấy nếu có thể. Tôi nghĩ tôi chỉ khắc nghiệt với chính mình thôi. Thật ra trong lòng một người tự ti, luôn có sự tự tôn.
____
Anh ứng xử như thế nào với chuyện tiền bạc?
Với người làm nghề như tôi mà phải đụng đến tiền bạc quả là ác mộng. Phải có người lo về tiền bạc thì mới có thể yên tâm làm nghệ thuật. Tôi chỉ là đạo diễn, mà không thể là bầu sô, có thể đó là cách làm ăn nhỏ và sẽ không bao giờ giàu, nhưng như thế khỏe hơn.
____
Làm thế nào để anh vượt qua những đổ vỡ về mặt tinh thần?
Tôi luôn nghĩ công việc nào khó nhất, hoặc không ai nhận người ta mới tìm tới tôi, cuộc đời tôi chẳng có gì trôi chảy, chẳng có kinh nghiệm nào cho kinh nghiệm nào. Những đổ vỡ tinh thần mới là khủng khiếp, nhưng tôi không phải là người dễ chia sẻ, tôi cứ tự mình xoay xở. Người ta chỉ thấy tôi thành công, nhưng đâu có ai biết tôi cũng thất bại rất nhiều. Mỗi lần dàn dựng chương trình là những lúc tôi không ăn không ngủ được. Giống như đi chích ngừa vậy, dù sợ nhưng vẫn phải bước tới trước.
____
Thật lâu mới thấy anh xuất hiện, rồi lại biến mất không tung tích, anh sống như thế nào trong những lúc không dàn dựng một chương trình nào đó?
Mỗi show diễn chiếm hết thời gian trong ngày của tôi, nhưng lúc không có show, tôi sống như một con gấu ngủ đông, coi phim đọc sách và cắt hết quan hệ với thế giới bên ngoài. Tôi cứ từ cực này sang cực khác như thế. Sau mỗi một show diễn, lòng tôi có một lỗ trống lớn lắm, không có một hình ảnh nào cả, phải từ từ để cho mình quên hết rồi mới bình thường lại.
Nếu không có hình ảnh mới, tôi không làm được gì cả. Tôi vẫn sống chung với gia đình, nên cũng khá nhẹ gánh, vả lại nhu cầu cá nhân cũng rất bình thường, xe cũ, điện thoại cũ. Mặc một bộ đồ cũ thoải mái hơn là mặc đồ mới. Tôi được tặng rất nhiều giày đẹp, nhưng vẫn đi đôi giày cũ vì hợp chân tôi và không sợ bị hư… Tôi hay bị tiếc của (cười thật tươi)… Hưởng thụ lớn nhất của tôi là phim. Chấm hết. Phim là một thế giới mà tôi có thể phiêu lưu qua những nhân vật tôi xem, thế giới của tôi không còn nhỏ nữa…
Người tự do là người được chọn công việc của mình mà không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ chằng chịt.
____
Anh có ngại khi đem đến cho người xem những tác phẩm buồn? Anh nghĩ gì về những người bạn doanh nhân của mình?
Chỉ sợ không đi tới tận cùng được nỗi buồn, niềm hạnh phúc. Tôi xem bộ phim Hàn Quốc Xuân hạ thu đông… rồi xuân của một đạo diễn trẻ đến lần thứ năm mà vẫn khóc. Những triết lý đạo Phật, kinh Bát Nhã được diễn tả không lời thật tuyệt vời, tôi cảm nhận ở đó một cái đẹp hoàn hảo, nó làm mình chới với, ngây ngất… Bộ phim số một trong lòng tôi là Thiên đường điện ảnh của đạo diễn người Ý Giuseppe Tornatore, một siêu phẩm điện ảnh của thập niên 1990 từng đoạt giải Oscar và giải Cannes, một không khí lãng mạn, đẹp và buồn, nỗi buồn làm mình thanh sạch.
Tôi có một số người bạn thân là doanh nhân, làm ăn rất giỏi. Nhưng tôi quý họ ở sự lịch lãm, một nền tảng văn hóa trong lòng, gu thưởng ngoạn tinh tế, vốn sống dồi dào và sự lãng mạn. Chính nhờ những tố chất ấy mà họ thật dễ gần với tôi. Quen biết họ tôi mới phát hiện ra doanh nhân cũng rất cô đơn. Vậy hãy coi sự cô đơn là một ưu điểm, sự cá biệt là một giá trị để làm nên thương hiệu cá nhân.
Đôi khi thấy họ có nhà đẹp, xe đẹp cũng thèm, nhưng tôi biết những người bạn ấy cũng gian nan lắm, tiền nhiều nhưng chạy vòng vòng chứ có ở trong nhà mình đâu… Như vậy tôi chẳng sướng hơn họ là gì? Muốn ăn, muốn ngủ, muốn coi phim giờ nào cũng được, hoàn toàn tự do.
____
Anh nghĩ gì về hai chữ tự do?
Tự do và phóng túng là hai điều khác nhau. Người tự do là người được chọn công việc của mình mà không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ chằng chịt, phải hiểu và ngộ ra nó để hưởng được tự do, và đừng ảo tưởng về nó, có như vậy mới không mất cân bằng. Nhiều người cứ hay nói đến tự do một cách rỗng tuếch, nhưng tôi nghĩ họ bị một rào cản ở chính trong đầu mình chứ không phải ở bên ngoài.
Tôi nhớ lần đầu tiên đứng trước tượng Đức mẹ Maria tại Pháp, tôi đã cầu nguyện được trở lại. Nhưng đến lần thứ hai, tôi cầu mong Đức mẹ cho tôi sự sáng suốt. Có những lúc công việc và cuộc sống làm mình tưởng có thể ngã quỵ, như một người điên, như người mất hồn vậy. Phải sáng suốt để không tuyệt vọng, có sức mà nghĩ, mà tìm hướng để vượt qua khi cái đầu muốn sụm. Đối với tôi bây giờ, sự sáng suốt là điều quý giá nhất.