Ít có nhà thơ nào dám tự nhận mình là: “Cứ chìm nổi với đám đông, riêng ta xác định ta không là gì. Cứ bèo bọt bước thiên di, đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng… Thơ ơi ta bảo thơ này, để ta đi cấy đi cày nuôi em”… Và nhà thơ Nguyễn Duy “đi cấy đi cày” thật.
Hơn bảy mùa xuân qua, nhà thơ đi làm lịch thơ, đem những dòng lục bát chân quê của mình bước vào mỗi gia đình cùng những hình ảnh chân quê y như thế. Nào rổ rá thúng mẹt, châu chấu cào cào, tố nữ, lá cây… và năm Ất Dậu này là chim, với chủ đề “cất cánh”. “Ta khao khát những cánh chim, chẳng cần hộ chiếu không biên giới nào…”, lời tựa của bộ lịch thơ năm nay đầy thách thức và hy vọng, vào cái lúc mà tuổi đã xế chiều, phải nằm liệt bao ngày trời vì một tai nạn giao thông, và “nay ở trong chân đang có thép”, cũng là ẩn chứa tâm nguyện của nhà thơ… Nghiệp doanh nhân do “cuộc đời xô đẩy” của Nguyễn Duy cũng bất trắc, bấp bênh như bất cứ ai, nhưng cuối cùng đã giúp anh trả được món nợ “khổng lồ” hơn ba trăm triệu đồng, và có được ngôi nhà khang trang rợp bóng cây trong con hẻm nhỏ đường Lê Văn Sỹ, cùng với một “nghề lạ” truyền lại cho con cháu trong nhà: nghề lịch thơ.
Gặp Nguyễn Duy những ngày cuối tháng 10, bước đi tập tễnh, nhưng máu xê dịch trỗi dậy quá mạnh khiến anh phải bứt ra khỏi nhà sang tận Trung Hoa, rồi đi một vòng miền Bắc. Trong “bảo tàng nhà quê” tại nhà riêng của anh, tràn ngập những bức tranh bằng giấy dó với “chổi cùn, rế rách”, lu nước, dáng cây, rối nước, bàn chân quê nứt nẻ… Câu chuyện cứ “lẩn thẩn, vu vơ, nhẹ nhàng như chả có gì lớn lao” (chữ của Nguyễn Duy), mà “đụng” đến chân tơ, kẽ tóc…
____
Vì sao năm con gà mà anh lại chọn chủ đề chim?
Vì năm 2005 có nhiều thứ trên cuộc đời này quá, nên những bài thơ liên quan đến đời sống, đến xã hội đều có thể đưa vào. Đây là giấc mơ từ lâu của tôi, nhưng đến bây giờ mới thực hiện được. Năm sau là một thời điểm đặc biệt của đất nước, kỷ niệm sáu mươi năm Quốc khánh, ba mươi năm thống nhất đất nước… Mỗi năm tôi có một thích thú riêng, nhưng để hội tụ được ý nghĩa xã hội phong phú, vừa có cái chung, cái riêng, vừa thời sự, vĩnh hằng, có lẽ là bộ lịch năm nay…
Tôi đã chụp được những bức ảnh về các loài vật nhỏ bé như con ong, con kiến, và dự định sẽ cố gắng làm trọn 12 bộ lịch đủ một con giáp về các loài vật và thiên nhiên, sau đó sẽ làm một triển lãm, nhưng đấy là chuyện về sau… Thực ra cũng đã chuẩn bị bộ lịch gà cho năm Ất Dậu, những hình ảnh đẹp rất gần gũi, thân thương, nhưng vì dịch cúm gà nên tôi nghĩ người ta sợ xui không mua. Trong cái khó, ló cái khôn, đã ra được ý tưởng về bộ chim. Là người đầu tiên làm lịch thơ, hoàn toàn tùy hứng, chỉ nghĩ thế nào làm thế ấy thôi, chứ cũng không có theo một hình mẫu nào cả.
____
Bước vào kinh doanh, cũng phải chấp nhận cạnh tranh, tính toán lỗ lời, anh có phải trả giá nhiều khi tập tễnh làm doanh nhân?
Tôi làm lịch không thuần túy kinh tế, mà là cuộc chơi nghệ thuật có thu hoạch. Tôi muốn thổi vào đó một linh hồn, những tâm tình của riêng tôi với xã hội. Làm lịch thơ không thể có lời bằng lịch chợ, vì ít người chơi lắm. Tôi nghĩ khi nào loại lịch như của mình mà phát triển rầm rộ thì đất nước càng khá hơn, tức là có thêm nhiều người có gu thẩm mỹ cao hơn. Tôi không phải là nhà kinh doanh chuyên nghiệp, nên trong việc điều khiển tiền bạc còn tài tử lắm.
Lịch giao từ năm ngoái, nhưng đến năm nay nhiều nơi vẫn chưa trả tiền. Một đơn vị trong ngành giáo dục đàng hoàng còn nợ chiếm cả nửa vốn lưu động của tôi. Là anh nhà thơ cùng đường phải tính đến nước làm lịch để bán mà còn bị giật tiền thì quả là chua chát… Hiện nay tôi hoàn toàn đơn độc, chủ yếu ai biết thì đến, chứ chưa có điều kiện để tìm đến với nhiều người.
____
Vậy là chuyện kinh doanh của anh đều xuất phát từ “của nhà trồng được”? Anh nghĩ sao khi lịch thơ của anh chưa chuyên nghiệp, nếu không đầu tư sẽ đuối dần đi?
Ngôi nhà này đã từng chứng kiến “đời” doanh nhân của tôi. Ban đầu là mái tôn với quán tiết canh vịt mà tôi kiêm đầu bếp và chỉ huy. Chuyện nợ nần đã “khai sáng” kỷ nguyên lịch cho gia đình. Tôi làm trên cơ sở những gì mình có, chiếc máy ảnh cũ, đồ dùng cũ, chỉ có tư duy mới. Đến giờ đã trả hết nợ nần, và bắt đầu “cất cánh”. Tôi thích tự làm lấy, cả nhà mỗi lần bước vào mùa lịch vui đáo để, mình nghĩ ý tưởng, đi chụp ảnh, con làm thiết kế, vợ theo dõi sổ sách kế toán…
Vẫn biết mở rộng thì rất tốt, nhưng chưa có điều kiện làm lớn hơn, chỉ là amateur thôi. Có người bạn rất thân muốn giúp để nâng ý tưởng lên, nhưng lịch của anh ấy cứ lạnh toát làm sao ấy. Tạng thơ lục bát của mình mà kỹ thuật, hiện đại quá e hỏng cái chân chất, cái thần hồn. Làm lấy có thể vụng về, ngây ngô, nhưng nó hồn nhiên. Tôi không thích kỹ thuật photoshop lấn át hết cái hồn nhiên, tươi thắm, chân thực của những hình ảnh thật. Tôi sợ sự sạch sẽ đến mức vô trùng, vô cảm. Ngay cả chữ tôi cũng thảo bằng tay, như một chất liệu hội họa.
Doanh nhân đang tạo ra cơ chế giao lưu trên cơ sở của sự thật, nói dối là sạt nghiệp ngay.
____
Đã từng trải qua kinh nghiệm làm doanh nhân, anh nhìn nhận thế nào khi xã hội tôn vinh doanh nhân?
Rất tốt. Nhìn lại công cuộc đổi mới, hai lực lượng mạnh nhất và có công nhất trong việc đẩy xã hội tiến lên chính là đội ngũ khoa học kỹ thuật và doanh nhân. Họ là cầu nối của đất nước với toàn thế giới và chính sự giao lưu đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Nếu không có hoạt động giao lưu buôn bán trao đổi hàng hóa thì sẽ không bao giờ mở được giao lưu với toàn thế giới.
Bây giờ chuyện bưng bít thông tin là một việc rất trẻ con, bức tường lửa cũng không thể ngăn cấm được, vậy mà người ta vẫn không thật với nhau, đi họp hành, tổng kết, hội nghị cứ như là nói dối. Doanh nhân đang tạo ra cơ chế giao lưu trên cơ sở của sự thật, người ta có thể kiểm chứng thông tin của anh, nói dối là sạt nghiệp ngay.
____
Nhưng ngược lại, trong hoạt động kinh doanh cũng đầy rẫy tiêu cực, mánh mung, lừa đảo như các lĩnh vực khác?
Tôi nghĩ chuyện “mánh mung với nhau” không thể tồn tại lâu, nhất là khi có một cơ sở luật pháp nghiêm minh. Nhưng cái tôi sợ chính là tính “ăn xổi ở thì”, làm sao kiếm lời ngay, “xài ngay”, đầu voi đuôi chuột, xúm lại với nhau để làm việc đại sự thì chưa, thiếu tính căn cơ… của doanh nhân. Không biết có phải do đức tính chung của người Việt Nam? So sánh với doanh nhân khu vực và thế giới, mình thiếu những doanh nhân lớn, những tập đoàn thực sự, và chưa có truyền thống doanh nhân.
Người Việt Nam mình ở nước ngoài cũng cùng một thứ bệnh như vậy. Tôi đi nhiều nước, thấy người Việt Nam buôn lậu, trốn thuế, hàng gian hàng giả, cạnh tranh bằng mánh vặt… Không biết có bao giờ doanh nhân mình ngồi lại với nhau thử bàn về phẩm chất doanh nhân Việt? Báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần cũng cần có một diễn đàn về thói hư tật xấu của doanh nhân Việt trong và ngoài nước. Mình đòi dân chủ trong buôn bán, luật lệ, cũng cần phải dân chủ trong nhận thức. Phải nhận thức được sự thật, cái xấu, mới có thể thay đổi được.
Sự thối nát và tham nhũng trong hệ thống công quyền không phải không có trách nhiệm của doanh nhân. Tại sao khi xã hội đấu tranh với tham nhũng, anh lại đi hối lộ, luồn cúi, không dám tranh đấu? Hay anh chỉ muốn lợi cho riêng mình? Chưa làm việc đã nghĩ đến chuyện đút lót, đi đâu cũng chuẩn bị sẵn phong bì, người ta chưa đòi đã ấn ngay vào, kể cả trong nhà trẻ cũng vậy. Hồi tôi đi gửi con, nhà nào cũng nghèo như nhà nào, còn giờ thì để lo lót cho con vào trường chuyên, tiền tính bằng bao nhiêu “vé”.
Chuyện đút lót hối lộ đâu phải sinh ra từ người nghèo, mà từ anh có tiền và có quyền. Nếu cứ đồng loạt với nhau cùng chống thì ai dám ăn tiền của doanh nhân? Cái hay của cơ chế anh đóng góp chưa được bao nhiêu, nhưng cái dở của cơ chế lại do chính anh tạo ra. Bàn về cái dở là vấn đề rất tế nhị, nhạy cảm và quan trọng. Ở Mỹ, luật chống hối lộ đầu tiên là xử người hối lộ. Doanh nhân phải chịu trách nhiệm đầu tiên tạo ra đại dịch về tham nhũng và hối lộ.
____
Về điều này thì tôi chưa hoàn toàn đồng ý với anh, bởi phải có người chìa tay ra, người khác mới hiểu ý và đặt tiền vào đấy. Nhưng thôi, đây là chuyện còn phải bàn cãi dài dài. Tôi xin có câu hỏi khác. Dù “trong chân có thép” anh vẫn leo được lên Vạn Lý Trường Thành, máu lang thang đã giúp anh thấy gì và nghĩ gì sau những chuyến đi?
“Bất đáo trường thành phi hảo hán”, từ Vạn Lý Trường Thành, ngắm nhìn đất nước Trung Quốc lại chạnh nghĩ đến mình. Hàng loạt sửa đổi về luật của Nhà nước, những tích lũy kinh nghiệm của các doanh nghiệp đối với kinh tế bao năm qua liệu có tạo được bước tiến như Trung Quốc hôm nay, với một cơ chế chính trị đặc biệt cởi mở. Đứng trên quảng trường Thiên An Môn, quảng trường lớn nhất, lâu đời nhất thế giới…, trong đầu tôi loạn các ý nghĩ không phân định được.
Càng đi càng đau đáu việc trở về viết gì, nói gì? Nhà văn lớn nhất của thế kỷ XX mà người Trung Quốc tôn thờ chính là Lỗ Tấn, người đã chỉ ra những thói xấu của người Trung Quốc, từng được gọi là “quốc dân tính”. Gần như toàn bộ sự nghiệp của ông không có chữ nào ca ngợi người Trung Quốc cả. Ông là một bác sĩ, nhưng muốn trở thành nhà văn để chữa bệnh cho cả dân tộc. Trông người lại ngẫm đến ta, thật sự cũng muốn làm điều gì cho đất nước, nhưng nghĩ cho cùng, để làm điều tốt thì khó lắm.
Tôi thấy thơ bây giờ bất lực, nên làm không hay nữa. Vả lại nhan sắc cũng có thời, mình đã qua một thời son trẻ.
____
Có phải vì thế mà anh… tắt luôn cảm xúc làm thơ?
Tôi thấy thơ bây giờ bất lực, nên làm không hay nữa. Vả lại nhan sắc cũng có thời, mình đã qua một thời son trẻ, bây giờ lại nhảy ra làm thơ theo giọng điệu cưa sừng làm nghé giống như một bà già mặc mini jupe, môi son má phấn, đá lông nheo thì ai mà chịu nổi (cười châm biếm). Nhưng trong thẳm sâu, tôi sợ mình lặp lại. Để làm một mạch thơ mới thì chưa tìm ra nên tôi tập trung viết những bộ sách về ký ức của mình.
Mình viết gì thì cũng là cái hồn của mình, không khác được. Hy vọng năm 2005 tập “thơ” bằng văn xuôi sẽ được xuất bản. Tôi đã in 10 tập thơ và ba tập văn xuôi, nhưng tuyển tập thơ thì 5 năm nay chưa in được. Khâu xuất bản bây giờ rất buồn cười, có những bài đã in rồi, thậm chí đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng lại không được in lại.
Mỗi một ngày đáng lẽ phải cởi mở hơn thì lại thít lại. So với những năm 1986-1995, giai đoạn 1995 đến 2004 là một giai đoạn phát triển vượt bậc về kinh tế, nhưng văn hóa và tư tưởng lại không tương xứng. Không có những phát triển tầng cao về văn hóa, những đỉnh cao về trí tuệ. Phim ảnh trên ti vi, sách, âm nhạc tràn ngập sản phẩm ngoại, nhiều thứ rẻ tiền, không còn chỗ cho nghệ thuật đỉnh cao nữa… Điều này làm cho người ta không thể không băn khoăn về định hướng phát triển văn hóa – nghệ thuật.
____
Anh nghĩ gì về quãng đời trước mắt? Những ngày phải nằm liệt trên giường với cái chân gãy, anh có buồn nhiều không?
Chí thú làm dân thôi, muốn sống sao cho thật thoải mái, thanh thản. Nghèo quá và giàu quá cũng mất tự do, chỉ mong đủ sống. Ngũ thập tri thiên mệnh, nhiệm vụ của tôi bây giờ là viết sách, rong chơi… Là người ham đi, nên đến khi phải nằm một chỗ, tôi hay nói đùa với bạn bè: “Trời bảo thôi đừng đi nữa, hãy nằm lại mà nghĩ đi”. Mấy năm nay tha hồ nghĩ, nghĩ nát cả óc ra, nhưng quanh đi quẩn lại cũng là câu hỏi tại sao dân mình anh hùng thế, dũng cảm thông minh thế mà nhìn đâu cũng không bằng người ta? Nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Mình cũng mong mọi người xúm lại tự chất vấn mà tìm câu trả lời.
____
Nhiều nhà thơ tên tuổi hễ làm thơ “nịnh vợ” là rất dở, riêng anh viết về vợ rất hay?
Việc đầu tiên phải thật. Không phải “nịnh” đâu, mà là giãi bày tình cảm thật của một thằng lính lang thang khắp các chiến trường… Nghĩ lại người vợ mình ở nhà vất vả, nào con cái, ốm đau, một mình chèo chống hết, thấy mình công ít, tội nhiều. Phàm cái gì “nịnh” là không thể hay, vì nó có cái gì trí trá ở trong ấy. Ngày xưa biết bao nhiêu người nịnh vua mà rồi có còn lại bài thơ nào đâu.
____
Anh hẳn là người có rất nhiều bạn?
Lang bạt kỳ hồ, tôi có đủ loại bạn bè, nhưng giao du thì đúng hơn, còn gom lại không còn bao nhiêu, một phần đã mất, một phần thay đổi tâm tính… So với trước tôi rất ít bạn, trong giới văn chương càng ít, chưa đếm hết năm đầu ngón tay. Không hiểu sao mình né tránh nhất những người bẻm mép, nhiều lời, và không thể chơi nổi.
Mà rất tiếc những người bẻm mép và không thật ấy lại rơi nhiều vào giới văn chương. Không còn thời gian đàn đúm đánh đu nữa, bây giờ thú vui của tôi là uống trà, trò chuyện với rất ít người bạn tâm giao ít nói, và đọc sách. Thú nhất là đọc lại những bộ sách cổ của Việt Nam và Trung Quốc như Đại Việt sử ký toàn thư, hay Đông chu liệt quốc, những tác phẩm văn học hiện đại của Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Vương Sóc, Lý Nhuệ, Vệ Tuệ…
Sống, làm, chơi, mơ mộng lương thiện. Một điều tuyệt đối tránh là làm tổn hại tới người khác.
____
Anh đánh giá cao nhất phẩm chất nào của người mà anh yêu quý?
Sự chân thật.
____
Nguyên tắc sống của anh?
Bây giờ là lúc mình phải sống theo nguyên tắc. Sống, làm, chơi, mơ mộng lương thiện. Một điều tuyệt đối tránh là làm tổn hại tới người khác. Phải tiết kiệm thời gian, sức lực để làm những việc mà mình thích. Tôi rất hào hứng sống, và có thêm một thú nữa là nấu cơm, giặt quần áo, đi chợ cho vợ, những việc mà trước đây mình chưa bao giờ được làm (cười sảng khoái)… Bây giờ mình sinh hoạt rất đạm bạc, không rượu chè, đi đâu mà đãi quá thừa mứa cũng xót xa… về nhà chỉ có rau dưa, khoai củ… nhưng đòi hỏi đời sống tinh thần rất cao.
Đó là đòi hỏi sự cởi mở, tự do tư tưởng. Làm sao trẻ con đi học được miễn học phí, không bị thầy giáo làm tiền, làm sao mình đi chữa bệnh được hưởng đúng bảo hiểm như xã hội công nhận, làm sao báo chí lúc nào cũng được công khai sự thật của xã hội, những tài năng được phát triển, được tôn trọng… Những đòi hỏi về đời sống tinh thần và văn hóa cao hơn là những mong muốn lương thiện.
____
Vậy khi đối diện với chính mình, điều gì làm anh hài lòng và điều gì làm anh băn khoăn?
Chưa hài lòng thì nhiều lắm, nhưng nhìn lại, mình đã cố gắng để sống, nghĩ, nói, viết nhất quán và thật. Hài lòng hay không hài lòng với mình là điều hàng ngày phải làm, như xưng tội vậy. Nếu mỗi người biết tự vấn thường xuyên, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Nhân đạo cũng là một tôn giáo. Một trong những điều đang làm xã hội kém đi là sự vô cảm, mất cảm giác với cái thiện và cả cái ác. Đối với đất nước, và đối với chính mình, hãy cố gắng nuôi dưỡng sự xúc động. Chúc bà con doanh nhân nuôi dưỡng được cảm xúc bởi làm kinh doanh lại càng cần đến cảm xúc (cười ý nhị).